Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 30-05-2013 7:49am
Viết bởi: Administrator

luat-phap-viet-nam

 

Đặng Quang Vinh

 


Điều trị vô sinh bằng thụ tinh nhân tạo đã được triển khai tại Việt Nam ngay từ những năm 1995 và đến năm 1997, các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đầu tiên của Việt Nam đã được triển khai với số chu kỳ ngày càng tăng. Để có hành lang pháp lý cho việc triển khai điều trị, tại Việt Nam, Nghị định của Chính phủ về việc sinh con theo phương pháp khoa học đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 12 tháng 02 năm 2003. Ngoài ra, còn có Thông tư số 07/2003/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành nhằm hướng dẫn triển khai Nghị định của Chính phủ.

Nghị định của Chính phủ qui định việc thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm; việc cho tinh trùng, nhận tinh trùng; cho noãn, nhận noãn; cho phôi, nhận phôi; cơ sở lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi và xác định cha, mẹ cho trẻ sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nghị định này áp dụng đối với các cặp vợ chồng vô sinh, phụ nữ sống độc thân muốn sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; người cho tinh trùng, người nhận tinh trùng, người gửi tinh trùng; người cho noãn, người nhận noãn; người cho phôi, người nhận phôi; cơ sở lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi; các cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để sinh con.

Để việc triển khai Nghị định rõ ràng hơn, Thông tư Bộ Y tế có qui định một cơ sở muốn thực hiện TTTON phải đạt các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự. Trước khi hoạt động phải được một đoàn thẩm định do Bộ Y Tế thành lập bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm tra và cấp phép. Một điểm cần lưu ý là ngay cả với thụ tinh nhân tạo thì kỹ thuật cũng chỉ được thực hiện tại các “cơ sở sản phụ khoa của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên, bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, bệnh viện chuyên khoa phụ sản tư nhân”. Bên cạnh đó, nhân sự cũng phải bao gồm “ít nhất 01 bác sĩ được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, 01 cán bộ có trình độ đại học y hoặc cử nhân sinh học được đào tạo về xét nghiệm tinh trùng và các kỹ thuật chuẩn bị tinh trùng”.

Bên cạnh những qui định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, nghị định và thông tư cũng có những điểm qui định về các kỹ thuật được phép triển khai, điều kiện để xin-cho noãn và xin phôi.

Một số hành vi bị nghiêm cấm:

1.    Mang thai hộ

2.    Sinh sản vô tính

3.    Cho phôi đối với phụ nữ độc thân

4.    Cho-nhận noãn, tinh trùng hay phôi đối với người nước ngoài (trừ trường hợp vợ là người gốc Việt Nam)

5.    Kinh doanh tinh trùng, noãn hay phôi

6.    Tiết lộ các thông tin có liên quan đến tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh của người cho tinh trùng, người nhận tinh trùng, người cho phôi, người nhận phôi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nghị định của Chính phủ số 12/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2003 về sinh con theo phương pháp khoa học

http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-dinh-12-2003-ND-CP-sinh-con-theo-phuong-phap- khoa-hoc-vb50513t11.aspx

2.      Thông tư của Bộ Y tế số 07/2003/TT-BYT ngày 28 tháng 05 năm 2003 hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học

http://thuvienphapluat.vn/archive/Thong-tu-07-2003-TT-BYTsinh-con-theo-phuong-phap-khoa-hoc- huong-dan-thi-hanh-Nghi-dinh-12-2003-ND-CP-vb51216.aspx

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK