Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Sunday 01-09-2024 5:52am
Viết bởi: Khoa Pham
BS. Trương Đăng Phúc, BS. Lê Nữ Hồng Phương, BS. Trương Hữu Duyên, BS. Hồ Ngọc Anh Vũ
Bệnh viện Mỹ Đức


1. Cơ chế hình thành thai trứng:
Có hai loại thai trứng chính:
  • Thai trứng toàn phần (Complete Mole): có bộ nhiễm sắc thể (NST) 2n, xảy ra khi trứng không nhân bị thụ tinh bởi một hoặc hai tinh trùng (phôi thai chỉ chứa NST từ cha và không chứa NST di truyền từ mẹ). Thai trứng toàn phần không có phôi thai thật sự và chỉ phát triển các mô nhau thai bất thường.
  • Thai trứng bán phần (Partial Mole): Xảy ra khi trứng bị thụ tinh bởi hai tinh trùng hoặc bởi một tinh trùng nhưng có lỗi trong quá trình phân chia. Phôi thai có bộ NST 3n (thừa một bộ NST). Thai trứng bán phần có phôi thai, nhưng phôi thai này không thể phát triển bình thường và thường không tồn tại. Vẫn ghi nhận trường hợp có trẻ sinh sống ở thai trứng bán phần, hoặc song thai mà thai bình thường tồn tại cùng thai trứng, tuy nhiên tỷ lệ rất hiếm, tiên lượng thường xấu và thai kỳ có nhiều nguy cơ, cần được theo dõi chặt chẽ [1], [2].
2. Dịch tễ học:
  • Tỷ lệ mắc bệnh: Ở các nước phát triển, tỷ lệ thai trứng khoảng 1/1000 đến 1/2000 thai kỳ. Tỷ lệ này có thể cao hơn ở các nước đang phát triển, có thể lên đến 1/500 thai kỳ.
  • Yếu tố nguy cơ:
    • < 20 tuổi hoặc > 35 tuổi
    • Tiền sử thai trứng
    • Phụ nữ có tiền sử sẩy thai liên tiếp hoặc hiếm muộn
    • Hút thuốc lá
3. Chẩn đoán thai trứng:
  • Ngày nay, vì siêu âm và định lượng beta-hCG phổ biến nên thai trứng thường được chẩn đoán sớm trong thai kỳ. Các triệu chứng sớm hay gặp là ra huyết âm đạo thường từ tuần 6-16 thai kỳ (46%), tử cung lớn hơn tuổi thai (24%), nghén nặng (14%). Ngoài ra, beta-hCG trong thai trứng toàn phần cao hơn đáng kể so với thai trứng bán phần, tỷ lệ người bệnh có beta-hCG trên 100.000 mIU/mL là >50%, trong khi đối với thai trứng bán phần chỉ <10% [3]. Thai trứng được chẩn đoán xác định bằng giải phẫu bệnh.
5. Khả năng tái phát:
  • Nếu một phụ nữ đã từng bị thai trứng, nguy cơ tái phát ở lần mang thai tiếp theo là khoảng 1-2%, cao hơn so với nguy cơ lần đầu mắc bệnh. Nếu phụ nữ đã từng bị thai trứng hai lần, nguy cơ tái phát sẽ tăng lên khoảng 15-20% ở lần mang thai thứ 3, chủ yếu là các trường hợp thai trứng toàn phần, tỷ lệ thai trứng bán phần lặp lại lần thứ 3 hiếm hơn [4], [5].
6. Thai trứng sau TTON
IVF có làm tăng nguy cơ thai trứng không?
  • Nghiên cứu của Makhseed M. năm 1998, báo cáo tỷ lệ thai trứng là 0,3%–0,5% khi thực hiện hỗ trợ sinh sản, cao hơn đáng kể so với nhóm chứng là 0,08% ở những trường hợp mang thai tự nhiên [6]. Tuy nhiên, dữ liệu do Cơ quan Phôi thai và Sinh sản người (Human Fertility and Embryology Authority) năm 2019 tổng hợp từ năm 1991 đến năm 2018 cho thấy IVF có liên quan đến tỷ lệ mang thai trứng tương đối thấp (1/4.300 hay 0,02%) [7]. Năm 2004, một nghiên cứu bệnh chứng trên 231 phụ nữ ở Anh được hóa trị bệnh nguyên bào nuôi thai kỳ (gestational trophoblastic disease - GTD) không tìm thấy mối liên quan nào giữa GTD và điều trị hiếm muộn. Do đó, các bằng chứng hiện có cho thấy điều trị hiếm muộn không làm tăng nguy cơ thai trứng.
  • Có thể phát hiện thai trứng bằng PGT với điều kiện là xét nghiệm di truyền phải bao gồm phân tích tình trạng đa bội và nguồn gốc từ cha hoặc mẹ của DNA [8].
Các cơ chế của thai trứng sau điều trị HTSS là [7]:
  • Đối với bơm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI): sử dụng tinh trùng lưỡng bội hoặc do tinh trùng đơn bội thụ tinh cho noãn chứa bộ NST lưỡng bội. Sự phát triển của hợp tử 3n trong HTSS thường gặp hơn trong các trường hợp sử dụng ICSI do tinh trùng bất thường nặng, 33% số trường hợp tam bội là do tinh trùng lưỡng bội.
  • Đối với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): khi không có hiếm muộn do yếu tố nam nặng, thai trứng thường do sự bất thường chức năng của noãn. Noãn được thụ tinh bởi hai tinh trùng do bất thường trong việc ngăn cản nhiều tinh trùng xâm nhập noãn, điều rất hiếm khi xảy ra khi thực hiện ISCI. Ngoài ra cũng có thể do thể cực thứ 2 không được tống xuất do sự không hoàn thiện của tế bào chất noãn.
  • Hình thành phôi tam bội cũng thường được quan sát sau rescue ICSI, noãn thất bại thụ tinh sau IVF được ICSI vào hôm sau. Điều này có thể do sự lão hóa của noãn làm tăng nguy cơ hình thành hợp tử tam bội, tuy nhiên cơ chế chính xác chưa được biết rõ.
  • Tinh trùng 2n được quan sát thấy ở 0.2% nam giới khỏe mạnh và 1-2% nam giới hiếm muộn. Các tinh trùng này có thể thụ tinh tự nhiên hoặc được sử dụng cho ICSI do rất khó nhận biết tinh trùng 2n được khi ICSI. Khi quan sát phôi ở giai đoạn tiền nhân khó đánh giá được vì 2 tiền nhân vẫn xuất hiện ở các trường hợp thai trứng bán phần do tinh trùng 2n, khác với trường hợp 3 tiền nhân do thụ tinh từ 2 tinh trùng.
  • Thai trứng ở những lần mang thai sau có thể là ngẫu nhiên, hoặc do các yếu tố dẫn đến điều trị HTSS ở bệnh nhân như tuổi mẹ cao hoặc chất lượng noãn kém. Do đó có thể cân nhắc thực hiện ICSI, PGT-A các bệnh nhân có thai trứng để giảm khả năng mắc thai trứng ở lần mang thai sau.
  • Đối với thai trứng sau khi mang thai tự nhiên, tỷ lệ bị thai trứng ở những lần mang thai sau khoảng 1/60, phần lớn có giải phẫu bệnh giống như lần trước đó. 98% phụ nữ có thai bình thường sau thai trứng và không tăng các nguy cơ sản khoa ở lần mang thai sau.
Kết luận: Bệnh nhân có tiền căn thai trứng sẽ tăng nguy cơ mắc thai trứng ở những lần mang thai sau. Điều trị HTSS không làm tăng nguy cơ thai trứng mà còn có thể giúp khảo sát di truyền ở những bệnh nhân có tiền căn thai trứng để dự phòng cho thai kỳ tiếp theo.

Tài liệu tham khảo
[1]        H. B. Hassan, Y. B. Hassan, and A. K. A. Omar, “Molar Pregnancy with Co-Existing Viable Fetus Delivered Preterm at 24 Weeks Gestation: A Case Report,” Int. Med. Case Rep. J., vol. 16, pp. 651–654, Oct. 2023, doi: 10.2147/IMCRJ.S412528.
[2]        S. N. Ghalandarpoor Attar and S. M. Ghalandarpoor Attar, “Partial molar pregnancy with a normal live fetus and umbilical cord abnormalities: A novel association with long‐term follow‐up: A case report,” Clin. Case Rep., vol. 9, no. 9, p. e04839, Sep. 2021, doi: 10.1002/ccr3.4839.
[3]        G. H. AlJulaih and M. R. Muzio, “Gestational Trophoblastic Neoplasia,” in StatPearls, Treasure Island (FL): StatPearls Publishing, 2024. Accessed: Aug. 19, 2024. [Online]. Available: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562225/
[4]        N. J. Sebire, R. A. Fisher, M. Foskett, H. Rees, M. J. Seckl, and E. S. Newlands, “Risk of recurrent hydatidiform mole and subsequent pregnancy outcome following complete or partial hydatidiform molar pregnancy,” BJOG Int. J. Obstet. Gynaecol., vol. 110, no. 1, pp. 22–26, Jan. 2003.
[5]        N. Eagles, N. J. Sebire, D. Short, P. M. Savage, M. J. Seckl, and R. A. Fisher, “Risk of recurrent molar pregnancies following complete and partial hydatidiform moles,” Hum. Reprod. Oxf. Engl., vol. 30, no. 9, pp. 2055–2063, Sep. 2015, doi: 10.1093/humrep/dev169.
[6]        M. Makhseed, M. Al-Sharhan, P. Egbase, M. Al-Essa, and J. G. Grudzinskas, “Maternal and perinatal outcomes of multiple pregnancy following IVF-ET,” Int. J. Gynaecol. Obstet. Off. Organ Int. Fed. Gynaecol. Obstet., vol. 61, no. 2, pp. 155–163, May 1998, doi: 10.1016/s0020-7292(98)00043-5.
[7]        M. Nickkho-Amiry, G. Horne, M. Akhtar, R. Mathur, and D. R. Brison, “Hydatidiform molar pregnancy following assisted reproduction,” J. Assist. Reprod. Genet., vol. 36, no. 4, pp. 667–671, Apr. 2019, doi: 10.1007/s10815-018-1389-9.
[8]        R. J. Paulson, “Can we use in vitro fertilization with preimplantation genetic testing to avoid molar pregnancies?,” FS Rep., vol. 2, no. 2, p. 137, Jun. 2021, doi: 10.1016/j.xfre.2021.05.005.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK
Loading...