Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Tuesday 02-07-2024 3:06am
Viết bởi: Khoa Pham
CN. Phan Bảo Ngọc, CN. Nguyễn Thị Cẩm Nhung, ThS. Phan Thị Kim Anh
IVFMD, Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức
  1. Đặt vấn đề
Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là một bệnh lý phụ khoa mạn tính, đặc trưng bởi các mô giống nội mạc tử cung (các tuyến và mô đệm) bên ngoài tử cung. Bệnh ảnh hưởng khoảng 10 - 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, trong đó ước tính khoảng 30 - 50% phụ nữ được chẩn đoán vô sinh [1]. Cơ chế bệnh sinh của LNMTC rất phức tạp và đa yếu tố, có ảnh hưởng tiêu cực đến sự rụng trứng, chất lượng noãn bào, chức năng ống dẫn trứng, sự thụ tinh và cuối cùng dẫn đến vô sinh. Dựa trên vị trí và đặc điểm bệnh sinh, LNMTC được chia thành ba nhóm chính: lạc nội mạc tử cung nông ở phúc mạc chậu (Superficial peritoneal endometriosis- SPE), lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng (Ovarian endometrioma- OMA) và lạc nội mạc tử cung xâm nhập sâu (Deep infiltrating endometriosis- DIE) [2].
 
OMA chiếm khoảng 44% và là bệnh lý phụ khoa phổ biến nhất ở những bệnh nhân LNMTC [2]. Sự hiện diện của OMA gây ra những tương tác phức tạp ở buồng trứng, bao gồm sự tăng kích hoạt các nang noãn nguyên thuỷ làm tăng quá trình lão hoá buồng trứng từ đó làm giảm DTBT của bệnh nhân. Cũng giống như LNMTC nói chung, cơ chế bệnh sinh của lạc nội mạc tử cung buồng trứng hiện vẫn còn chưa rõ. Do đó, tiếp cận điều trị OMA là cá thể hóa phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân theo triệu chứng, hai phương pháp điều trị được biết đến là điều trị nội khoa và phẫu thuật [2]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy việc điều trị OMA bằng phương pháp phẫu thuật càng gây ảnh hưởng đến khả năng dự trữ buồng trứng, khiến tình trạng giảm dự trữ buồng trứng trở nên nặng hơn. Phương pháp điều trị này có thể gây ảnh hưởng xấu đến dự trữ buồng trứng và khả năng đáp ứng thuốc của buồng trứng, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh có sự suy giảm đáng kể nồng độ AMH sau phẫu thuật, đặc biệt là trong các trường hợp phẫu thuật OMA hai bên.
 
Đông lạnh noãn bằng phương pháp thuỷ tinh hoá đã được công nhận là một phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản hiệu quả đối với nhóm phụ nữ mong muốn được bảo tồn khả năng sinh sản vì nhiều lý do khác nhau. Kể từ trường hợp trẻ sinh sống đầu tiên được sinh ra từ noãn đông lạnh (OOC) vào năm 1986, đã có một sự cải tiến đáng kể trong các kỹ thuật thủy tinh hóa — bao gồm các kỹ thuật thủy tinh hóa cực nhanh (ultrarapid vitrification) từ đó cải thiện tỷ lệ sống của noãn bào sau đông lạnh và tỷ lệ thai lâm sàng. Nhận thấy mối tương quan tiêu cực của OMA đối với khả năng sinh sản, bao gồm việc LNMTC buồng trứng và phẫu thuật điều trị LNMTC buồng trứng đều có những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng dự trữ buồng trứng cũng như chất lượng noãn bào, vì vậy việc bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân được chẩn đoán OMA là điều cần thiết, từ đó tạo điều kiện cho những trường hợp phụ nữ OMA có cơ hội điều trị bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) hiệu quả hơn trong tương lai.
 
  1. Ảnh hưởng của LNMTC buồng trứng lên khả năng dự trữ buồng trứng
Tác động tiêu cực của LNMTC đối với buồng trứng bao gồm tăng hoạt động của các nang noãn nguyên thuỷ, các phản ứng viêm tạo ra các cytokine gây stress oxy hoá tế bào, ảnh hưởng đến sự toàn vẹn DNA và cuối cùng là đẩy nhanh quá trình lão hoá buồng trứng. Nang noãn nguyên thuỷ nằm ở vùng vỏ buồng trứng, phản ánh chức năng của buồng trứng bao gồm tiết hormone steroid để cân bằng nội môi và kích hoạt quá trình hình thành nang noãn. Sự phát triển của nang noãn được bắt đầu bằng quá trình kích thích hoạt động của nang noãn nguyên thuỷ đến khi rụng trứng. Các rối loạn quá trình hình thành nang noãn do lão hoá hoặc bệnh lý có thể dẫn đến suy giảm khả năng dự trữ buồng trứng và giảm chất lượng noãn bào. Buồng trứng có u LNMTC thường bị rối loạn quá trình hình thành nang noãn, biểu hiện bằng việc giảm số lượng các nang noãn nguyên thủy và tăng số lượng nang noãn đang phát triển, điều này cho thấy sự tăng quá mức hoạt động của các nang noãn nguyên thủy ở buồng trứng có OMA. Việc kích hoạt ban đầu của nang noãn nguyên thủy phụ thuộc chủ yếu vào hai con đường tín hiệu PI3K/Akt/mTOR và PI3K/PTEN/Akt/FOXO3 [11]. Ngoài ra, con đường Hippo/YAP cũng đóng vai trò trong việc thúc đẩy sự phát triển của noãn bào và kích thích sự tăng sinh của tế bào hạt [3]. Sự tham gia của các con đường truyền tín hiệu này đã được báo cáo trong cả sinh lý bệnh của lạc nội mạc tử cung và lão hóa buồng trứng, từ đó cho thấy mối liên hệ giữa OMA và quá trình lão hoá buồng trứng [11].
 
Các nang OMA chứa một lượng lớn sắt tự do, không giống như sắt được liên kết với các phân tử khác, sắt tự do này có thể tạo ra các gốc oxy phản ứng (ROS), gây ra stress oxy hóa cho các tế bào xung quanh. Stress oxy hóa làm tổn thương DNA tế bào vỏ buồng trứng, được chứng minh bởi sự gia tăng đáng kể của 8-OHdG (một dấu hiệu tổn thương DNA) so với các nang lành tính [6]. Stress oxy hóa kích hoạt quá mức nang noãn nguyên thủy thông qua con đường tín hiệu PI3K/Akt/mTOR [7]. Con đường này bình thường giúp nang noãn phát triển nhưng stress oxy hóa lại kích hoạt quá mức, gây ra kích hoạt quá mức các nang noãn nguyên thuỷ. Sự hiện diện viêm bởi OMA cũng có thể dẫn đến tổn thương DNA và stress oxy hóa. OMA sản sinh ra nhiều cytokine, chemokine và yếu tố tăng trưởng, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến con đường PI3K/Akt/mTOR và gây ra tác động tiêu cực đến sự phát triển của nang noãn [17]. Một số cytokine do OMA sản sinh như VEGF (vascular endothelial growth factor) và IL-8 (interleukin-8), cũng liên quan đến con đường PI3K/Akt/mTOR [8]. Nồng độ của các cytokine tiền viêm như TNF-alpha (tumor necrosis factor-alpha), IL-1, IL-6 và IL-8 tăng đáng kể trong các tổn thương lạc nội mạc tử cung và dịch nang ở bệnh nhân OMA. Các nghiên cứu in vitro cho thấy IL-1 đóng vai trò quan trọng trong điều hòa nang noãn và IL-1β có tác dụng kích hoạt nang noãn nguyên thủy. Một số nghiên cứu trên mô hình động vật cho thấy các cytokine IL-6, IL-8 và TNF-alpha góp phần làm giảm dự trữ buồng trứng [10].
 
  1. Ảnh hưởng của việc phẫu thuật cắt bỏ LNMTC buồng trứng lên khả năng dự trữ buồng trứng
    1. Phẫu thuật LNMTC buồng trứng gây tổn thương mô
Lạc nội mạc tử cung gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản theo nhiều cách khác nhau, các phương pháp điều trị nhằm giảm bớt tình trạng nặng của LNMTC có hi vọng cải thiện khả năng mang thai của người bệnh. Các hiệp hội phụ khoa quốc tế đã đưa ra khuyến nghị nên bắt đầu điều trị OMA với phương pháp nội khoa để giảm đau, bằng các liệu pháp hormone như bổ sung các hormone kháng GnRH (Gonadotropin-releasing hormone) [11]. Tuy nhiên, vai trò của liệu pháp hormone trong điều trị vô sinh liên quan đến LNMTC là hạn chế, do các thuốc nội tiết điều trị LNMTC đều ức chế hoạt động của trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng. Vì vậy, phẫu thuật được coi là phương pháp điều trị chính cho OMA. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, trong đó phẫu thuật cắt bỏ nang là phương pháp phổ biến nhất được áp dụng cho bệnh nhân OMA. Tuy nhiên, nang OMA rất khó để được loại bỏ mà không tác động lên các mô xung quanh. Cắt bỏ nang cũng có thể gây dính và tổn thương các mạch máu xung quanh, điều này càng cản trở sự phát triển của các nang noãn đang phát triển vì chúng được bao quanh bởi các mạch máu. Hơn nữa, sự kết hợp của đốt điện lưỡng cực để cắt bỏ u LNMTC sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến các nang noãn xung quanh, vì kỹ thuật này sẽ đốt khối u OMA bằng cách sử dụng năng lượng nhiệt để loại bỏ. Nói một cách dễ hiểu, người ta đưa ra giả thuyết rằng tổn thương mô và mạch máu xung quanh có thể dẫn đến suy giảm chức năng buồng trứng và từ đó đó tăng tốc độ lão hóa buồng trứng.
  1. Phẫu thuật LNMTC buồng trứng làm tăng hoạt động của các nang noãn nguyên thuỷ
Tác động của tổn thương do phẫu thuật lên quá trình hoạt hóa nang noãn  nguyên thủy đã được xác định trong nhiều nghiên cứu. Nghiên cứu in vitro cho thấy tổn thương do phẫu thuật ở xung quanh buồng trứng có thể kích hoạt nang noãn nguyên thủy không hoạt động gần vị trí phẫu thuật thông qua con đường tín hiệu mTOR [12]. mTOR đóng vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa buồng trứng, sự kích hoạt con đường mTOR khiến các loại tế bào khác nhau thay đổi đáp ứng sinh hóa bình thường và điều chỉnh sự cân bằng apoptosis [12]. Hơn nữa, việc phẫu thuật có thể gây ra các phản ứng viêm tại chỗ. Các cytokine được kích hoạt có thể ảnh hưởng đến nang noãn nguyên thủy và khả năng dự trữ buồng trứng. Ví dụ, IL-1α có thể đóng vai trò then chốt trong việc suy giảm trữ lượng buồng trứng theo tuổi ở chuột bằng cách thúc đẩy các con đường apoptosis và tăng cường biểu hiện của các cytokine tiền viêm IL-1β, IL-6 và TNF-α [10]. Bên cạnh đó, một nghiên cứu trên chuột cho thấy lipopolysaccharide (LPS) làm tăng kích hoạt nang noãn nguyên thủy thông qua con đường tín hiệu PI3K / PTEN / Akt / FOXO3 [13]. Sự kích hoạt của con đường này có thể dẫn đến phản ứng sửa chữa tổn thương DNA bị suy giảm, sau đó ảnh hưởng đến sự phát triển của nang noãn nguyên thủy và lão hóa buồng trứng.
 
  1. Hiệu quả đông lạnh noãn cho những bệnh nhân LNMTC buồng trứng
Việc tiếp cận bệnh nhân có u LNMTC buồng trứng phụ thuộc vào biểu hiện lâm sàng và các triệu chứng. Đối với những bệnh nhân có nang LNMTC tại buồng trứng không có nhu cầu sinh thêm con, điều trị nội khoa bằng các liệu pháp hormone để giảm đau là phương pháp được ưu tiên sử dụng. Tuy nhiên phương pháp này thường không mang lại hiệu quả đối với các trường hợp hiếm muộn. Ngoài ra, để điều trị cho bệnh nhân OMA còn có các phương pháp điều trị ngoại khoa bao gồm hút dịch nang, laser hoặc phẫu thuật cắt bỏ nang. Trong đó, phẫu thuật cắt bỏ nang là lựa chọn được ưu tiên. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự hiện diện của OMA và phẫu thuật điều trị OMA đều có những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng dự trữ buồng trứng cũng như chất lượng noãn bào, vì vậy việc đông lạnh noãn nhằm bảo tồn khả năng sinh sản cho nhóm bệnh nhân OMA là điều cần thiết.
Hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của việc bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân OMA. Vào năm 2009, Elizur và các cộng sự đã công bố báo cáo một trường hợp đông lạnh noãn bào đầu tiên ở bệnh nhân LNMTC buồng trứng. Nhóm tác giả mô tả một trường hợp bệnh nhân 25 tuổi mắc LNMTC mức độ nặng và AFC thấp. Kết quả cho thấy sau ba chu kỳ kích thích buồng trứng với gonadotropin, bệnh nhân đông lạnh được tổng cộng 21 noãn bào ở giai đoạn MII [14]. Tuy nhiên, hạn chế của nghiên cứu này là nghiên cứu được trình bày dưới dạng báo cáo một trường hợp, chưa có các kết quả về tỷ lệ rã đông, tỷ lệ noãn sống nguyên và tỷ lệ mang thai sau đông lạnh. Nghiên cứu của Cobo vào năm 2020 là nghiên cứu duy nhất báo cáo về tỷ lệ rã đông và mang thai ở phụ nữ LNMTC buồng trứng sau đông lạnh. Tỷ lệ bệnh nhân quay lại sử dụng noãn đông lạnh cho việc mang thai cao đạt 46,5%, tương ứng với 485 trên 1044 bệnh nhân [15]. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy một số kết quả quan trọng như số lượng noãn bào đông lạnh trong mỗi chu kỳ cao hơn ở nhóm bệnh nhân không phẫu thuật buồng trứng (6,2 ± 5,8) so với nhóm phẫu thuật một bên (5,0 ± 4,5) hoặc hai bên (4,5 ± 4,4). Bệnh nhân không phẫu thuật và phụ nữ ≤ 35 tuổi có đáp ứng buồng trứng tốt hơn (8,6 ± 6,9 so với 5,1 ± 4,8) và tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy cao hơn so với nhóm phẫu thuật trong cùng độ tuổi (72,5% so với 52,8%). Kết quả này cho thấy việc đông lạnh noãn được thực hiện như một phương pháp hỗ trợ điều trị hiếm muộn cho nhóm bệnh nhân LNMTC buồng trứng, thay vì chỉ đơn thuần bảo tồn khả năng sinh sản. Một số nghiên cứu khác của Cobo đã cung cấp các thông tin về tỷ lệ mang thai và tỷ lệ trẻ sinh sống sau khi sử dụng noãn đông lạnh bằng phương pháp thuỷ tinh hoá ở nhóm bệnh nhân LNMTC buồng trứng. Nghiên cứu thực hiện trên 485 bệnh nhân OMA có thực hiện đông lạnh noãn. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống nguyên của noãn là 83,2%, với trung bình 8,6 noãn được rã đông thành công [15]. Có khoảng 8,6 phôi tạo ra trên mỗi chu kỳ ICSI và tỷ lệ sống của phôi sau khi rã đông là 93,6% [16]. Nhìn chung, các yếu tố như tỷ lệ sống của noãn, tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ mang thai và tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy cao hơn ở nhóm phụ nữ trẻ (≤ 35 tuổi) thực hiện đông lạnh noãn tự nguyện so với nhóm bệnh nhân LNMTC buồng trứng cùng độ tuổi (p ≤ 0,05) [15]. Trong một nghiên cứu nhỏ hơn, Santulli báo cáo tỷ lệ rã đông là 1%, chỉ có hai bệnh nhân quay lại sử dụng noãn và cả hai đều mang thai sau khi rã đông noãn [17]. Nhìn chung, các bằng chứng đến thời điểm hiện tại đã cung cấp hướng dẫn cho nhóm bệnh nhân LNMTC buồng trứng, có mong muốn bảo tồn khả năng sinh sản, thời điểm tốt nhất có thể áp dụng kích thích buồng trứng và đông lạnh noãn là bệnh nhân LNMTC ≤35 tuổi và trước phẫu thuật.
Mặc dù đã có bằng chứng tích cực về đông lạnh noãn cho bệnh nhân LNMTC buồng trứng, tuy nhiên việc có nên khuyến cáo áp dụng rộng rãi phương pháp này cho tất cả các bệnh nhân LNMTC hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Một số vấn đề còn hạn chế như: (1) hiệu quả của việc đông lạnh noãn ở bệnh nhân LNMTC, (2) chất lượng cần thiết của noãn khi thực hiện thủy tinh hóa và (3) hiệu quả, chi phí của quá trình đông lạnh noãn. Thành công của phương pháp này phụ thuộc vào số lượng noãn trưởng thành đã trữ lạnh. Để dự đoán khả năng sinh con, số lượng noãn cần đông lạnh phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhân. Một nghiên cứu vào năm 2014 của Cobo và cộng sự gợi ý phụ nữ bình thường dưới 38 tuổi nên bảo tồn 15-20 noãn, trong khi phụ nữ ở độ tuổi 38-40 nên đông lạnh khoảng 25-30 noãn [18]. Nghiên cứu khác của Cobo và cộng sự vào năm 2016 cho thấy ở nhóm phụ nữ đông lạnh noãn do mong muốn của bệnh nhân, việc trữ đông 15 noãn trưởng thành có tỷ lệ thành công mang thai là 85% ở phụ nữ ≤ 35 tuổi [19]. Trong khi đó, ở phụ nữ ≥ 36 tuổi với tổng số 11 noãn trưởng thành, tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy chỉ đạt 35,6% [19]. Nghiên cứu gần đây được công bố bởi Cobo và cộng sự vào năm 2021 đưa ra hướng dẫn về số lượng noãn cần thiết khi đông lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa để đạt được ít nhất một ca sinh sống ở bệnh nhân LNMTC cho thấy, phụ nữ ≤ 35 tuổi có tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy là 95% khi bảo tồn khoảng 22-24 noãn trưởng thành, trong khi phụ nữ > 35 tuổi có tỷ lệ thai sinh sống cộng dồn khoảng 80% khi đã bảo tồn cùng số lượng noãn. Cho đến nay, đây là nghiên cứu duy nhất đánh giá số lượng noãn bào cần thiết để đông lạnh trên bệnh nhân LNMTC [20].
 
  1. Kết luận
LNMTC buồng trứng là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ, bệnh ảnh hưởng đến khả năng dự trữ buồng trứng và gây ra suy giảm chức năng buồng trứng. Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh nhân OMA, tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chứng minh phẫu thuật lại gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như ảnh hưởng tiêu cực đến các mô buồng trứng xung quanh, cắt bỏ mô buồng trứng khỏe mạnh, kích hoạt quá mức các nang noãn nguyên thủy và từ đó gây suy giảm chức năng buồng trứng. Đông lạnh noãn bằng phương pháp thủy tinh hoá là một phương pháp có tiềm năng để bảo tồn khả năng sinh sản cho phụ nữ LNMTC buồng trứng trong tương lai. Bên cạnh đó, tuổi tác cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng noãn bào. Chất lượng noãn đóng vai trò quan trọng nhiều hơn so số lượng noãn, quyết định sự thành công của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Do đó, để đạt hiệu quả tối ưu, đông lạnh noãn nên được thực hiện trước 35 tuổi và trước phẫu thuật.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]        D. Jiang and X. Nie, “Effect of endometrioma and its surgical excision on fertility (Review),” Exp. Ther. Med., vol. 20, no. 5, p. 114, Nov. 2020, doi: 10.3892/etm.2020.9242.
[2]        L. Imperiale, M. Nisolle, J.-C. Noël, and M. Fastrez, “Three Types of Endometriosis: Pathogenesis, Diagnosis and Treatment. State of the Art,” J. Clin. Med., vol. 12, no. 3, Art. no. 3, Jan. 2023, doi: 10.3390/jcm12030994.
[3]        S. Matsuzaki and C. Darcha, “Cooperation between the AKT and ERK signaling pathways may support growth of deep endometriosis in a fibrotic microenvironment in vitro†,” Hum. Reprod., vol. 30, no. 7, pp. 1606–1616, Jul. 2015, doi: 10.1093/humrep/dev108.
[4]        D. Adhikari and K. Liu, “Molecular Mechanisms Underlying the Activation of Mammalian Primordial Follicles,” Endocr. Rev., vol. 30, no. 5, pp. 438–464, Aug. 2009, doi: 10.1210/er.2008-0048.
[5]        A. Takeuchi et al., “Endometriosis Triggers Excessive Activation of Primordial Follicles via PI3K-PTEN-Akt-Foxo3 Pathway,” J. Clin. Endocrinol. Metab., vol. 104, no. 11, pp. 5547–5554, Nov. 2019, doi: 10.1210/jc.2019-00281.
[6]        S. Matsuzaki and B. Schubert, “Oxidative stress status in normal ovarian cortex surrounding ovarian endometriosis,” Fertil. Steril., vol. 93, no. 7, pp. 2431–2432, May 2010, doi: 10.1016/j.fertnstert.2009.08.068.
[7]        N. Koundouros and G. Poulogiannis, “Phosphoinositide 3-Kinase/Akt Signaling and Redox Metabolism in Cancer,” Front. Oncol., vol. 8, May 2018, doi: 10.3389/fonc.2018.00160.
[8]        A. Fasciani, G. D’Ambrogio, G. Bocci, M. Monti, A. R. Genazzani, and P. G. Artini, “High concentrations of the vascular endothelial growth factor and interleukin-8 in ovarian endometriomata,” Mol. Hum. Reprod., vol. 6, no. 1, pp. 50–54, Jan. 2000, doi: 10.1093/molehr/6.1.50.
[9]        L. Wang et al., “Activation of IL-8 via PI3K/Akt-dependent pathway is involved in leptin-mediated epithelial-mesenchymal transition in human breast cancer cells,” Cancer Biol. Ther., vol. 16, no. 8, pp. 1220–1230, Aug. 2015, doi: 10.1080/15384047.2015.1056409.
[10]      C. Lliberos, S. H. Liew, A. Mansell, and K. J. Hutt, “The Inflammasome Contributes to Depletion of the Ovarian Reserve During Aging in Mice,” Front. Cell Dev. Biol., vol. 8, Feb. 2021, doi: 10.3389/fcell.2020.628473.
[11]      G. A. J. Dunselman et al., “ESHRE guideline: management of women with endometriosis †,” Hum. Reprod., vol. 29, no. 3, pp. 400–412, Mar. 2014, doi: 10.1093/humrep/det457.
[12]      Y. He et al., “Restricting the induction of NGF in ovarian stroma engenders selective follicular activation through the mTOR signaling pathway,” Cell Death Dis., vol. 8, no. 5, pp. e2817–e2817, May 2017, doi: 10.1038/cddis.2017.168.
[13]      J. J. Bromfield and I. M. Sheldon, “Lipopolysaccharide Reduces the Primordial Follicle Pool in the Bovine Ovarian Cortex Ex Vivo and in the Murine Ovary In Vivo1,” Biol. Reprod., vol. 88, no. 4, pp. 98, 1–9, Apr. 2013, doi: 10.1095/biolreprod.112.106914.
[14]      S. E. Elizur, R.-C. Chian, H. E. G. Holzer, Y. Gidoni, T. Tulandi, and S. L. Tan, “Cryopreservation of oocytes in a young woman with severe and symptomatic endometriosis: a new indication for fertility preservation,” Fertil. Steril., vol. 91, no. 1, p. 293.e1-293.e3, Jan. 2009, doi: 10.1016/j.fertnstert.2007.06.040.
[15]      A. Cobo, J. Giles, S. Paolelli, A. Pellicer, J. Remohí, and J. A. García-Velasco, “Oocyte vitrification for fertility preservation in women with endometriosis: an observational study,” Fertil. Steril., vol. 113, no. 4, pp. 836–844, Apr. 2020, doi: 10.1016/j.fertnstert.2019.11.017.
[16]      A. Cobo, J. A. García-Velasco, J. Remohí, and A. Pellicer, “Oocyte vitrification for fertility preservation for both medical and nonmedical reasons,” Fertil. Steril., vol. 115, no. 5, pp. 1091–1101, May 2021, doi: 10.1016/j.fertnstert.2021.02.006.
[17]      P. Santulli et al., “Fertility preservation for patients affected by endometriosis should ideally be carried out before surgery,” Reprod. Biomed. Online, vol. 43, no. 5, pp. 853–863, Nov. 2021, doi: 10.1016/j.rbmo.2021.08.023.
[18]      D. Stoop, A. Cobo, and S. Silber, “Fertility preservation for age-related fertility decline,” The Lancet, vol. 384, no. 9950, pp. 1311–1319, Oct. 2014, doi: 10.1016/S0140-6736(14)61261-7.
[19]      A. Cobo, J. A. García-Velasco, A. Coello, J. Domingo, A. Pellicer, and J. Remohí, “Oocyte vitrification as an efficient option for elective fertility preservation,” Fertil. Steril., vol. 105, no. 3, pp. 755-764.e8, Mar. 2016, doi: 10.1016/j.fertnstert.2015.11.027.
[20]      A. Cobo et al., “Number needed to freeze: cumulative live birth rate after fertility preservation in women with endometriosis,” Reprod. Biomed. Online, vol. 42, no. 4, pp. 725–732, Apr. 2021, doi: 10.1016/j.rbmo.2020.12.013.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK