Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Monday 22-07-2024 1:45pm
Viết bởi: Khoa Pham
Ths. Lê Thị Bích Phượng- Olea Fertility Nha Trang- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
 
Giới thiệu
Hiện nay, mục tiêu chính trong điều trị IVF là bệnh nhân có một em bé khoẻ mạnh mang về. Do đó, việc đánh giá và lựa chọn phôi chuyển đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của một chu kỳ IVF. Trong thực hành lâm sàng, nuôi cấy và chuyển phôi nang đang được thực hiện phổ biến với mục đích lựa chọn được đơn phôi chuyển có tiềm năng để vừa giảm số lượng phôi vừa duy trì được tỉ lệ thành công trong một chu kỳ chuyển phôi.
 
Sự phát triển phôi là một quá trình động học với sự thay đổi liên tục của hình thái phôi. Sự ra đời của hệ thống nuôi cấy phôi time-lapse cho phép đánh giá toàn bộ quá trình phát triển tiền làm tổ của phôi mà không làm thay đổi điều kiện nuôi cấy. Bằng cách sử dụng hệ thống time-lapse, Marcos và cộng sự đã quan sát được nhiều phôi nang độ 5 có một hoặc nhiều lần sụp khoang phôi trong quá trình phát triển tiền làm tổ, tạo ra sự phân tách toàn bộ hoặc phân tách một phần tế bào lá nuôi (TE) khỏi màng zona. Phôi sụp được báo cáo lần đầu tiên trên phôi động vật có vú vào năm 1929, đây là hiện tượng phôi nang co lại toàn bộ hoặc một phần do sự thất thoát dịch khoang phôi vì liên kết giữa các tế bào TE dần lỏng lẻo. Cơ chế sụp khoang phôi và sự hồi phục giữa các tế bào TE bị mất liên kết vẫn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, phôi sụp không phụ thuộc vào kỹ thuật thụ tinh và tuổi mẹ. Theo Niimura và cộng sự (2003), hiện tượng co nhẹ khoang phôi được xem là có lợi cho quá trình thoát màng nhưng khi phôi sụp hoàn toàn lại tác động tiêu cực lên quá trình thoát màng. Theo các báo cáo trước đây, phôi nang có thể xảy ra hiện tượng sụp khoang phôi ít nhất là một lần trong giai đoạn phát triển, tuy nhiên không phải tất cả các phôi nang đều có hiện tượng này. Dựa trên những quan sát từ hệ thống nuôi cấy time-lapse, Cimadomo và cộng sự (2022) báo cáo rằng hầu hết hiện tượng sụp của phôi diễn ra trong khoảng 120 giờ sau khi IVF/ICSI (1). Tần suất xuất hiện hiện tượng sụp khoang phôi dao động từ 19 - 46% ở phôi IVF. Xoay quanh tác động của hiện tượng sụp khoang phôi, các tác giả đã suy đoán rằng sự biến đổi của lực cơ học và sự thay đổi áp suất trong quá trình sụp khoang phôi có thể làm hỏng các mối nối giữa các tế bào TE, dẫn đến những sai hỏng trong lớp tế bào TE. Một giả thuyết khác được đưa ra cho rằng quá trình tái giãn nở khoang phôi cần sử dụng năng lượng, do đó nếu phôi nang xuất hiện hiện tượng sụp khoang phôi một hay nhiều lần có thể cần một lượng năng lượng lớn đáng kể để phục hồi và hoàn thành quá trình giãn nở khoang phôi, điều này dẫn đến thiếu hụt năng lượng và gây bất lợi cho quá trình phát triển và làm tổ sau đó (2). Cho đến nay, phôi sụp và ảnh hưởng của hiện tượng này lên sự phát triển cũng như tiềm năng làm tổ của phôi thu hút được nhiều sự quan tâm nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi. Bài tổng quan này nhằm mục đích trình bày mối tương quan giữa phôi sụp với chất lượng phôi, động học hình thái, đặc điểm di truyền và ảnh hưởng của hiện tượng sụp khoang phôi lên kết quả điều trị.
 
Chất lượng phôi
Một số nghiên cứu cho thấy hiện tượng sụp khoang phôi ở phôi nang chất lượng kém diễn ra với tần suất cao hơn so với phôi chất lượng tốt. Theo Cimadomo và cộng sự (2022), 64,3% phôi nang chất lượng tốt không có hiện tượng sụp và chỉ có khoảng 0,4% trường hợp trải qua 4 lần hoặc nhiều hơn 4 lần sụp khoang phôi trong toàn bộ quá trình phát triển. Trong khi đó, chỉ có 37,3% phôi nang chất lượng kém không có hiện tượng sụp khoang phôi và có đến 8,2% trường hợp trải qua 4 lần hoặc nhiều hơn 4 lần sụp khoang phôi trong toàn bộ quá trình phát triển. Ngoài ra nghiên cứu này còn cho thấy, phôi nang chất lượng càng kém thì thời gian sụp của khoang phôi càng dài (1,9  1,3 giờ so với 1,2  1,0 giờ ở phôi chất lượng tốt, P <0,01)(1). Trong báo cáo của Marcos và cộng sự (2015), nhóm tác giả đã chỉ ra rằng không có mối tương quan giữa hiện tượng sụp khoang phôi và các đặc điểm hình thái phôi. Tỉ lệ phôi nang thoát màng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm có và không có hiện tượng sụp (31,4% với 28,7%). Trong nghiên cứu của Sciorio và cộng sự, nhóm tác giả đã báo cáo rằng hiện tượng sụp ở phôi nang chất lượng kém cao hơn đáng kể so với phôi chất lượng trung bình và tốt, tương ứng là 32,9%, 21,9% và 16,2%; P <0,001 (3).
 
Đặc điểm động học phôi
Dựa trên đánh giá động học phôi, Marcos và cộng sự (2015) đã báo cáo rằng phôi không có hiện tượng sụp có sự phát triển chậm trong giai đoạn đầu (t2, t3, t4 và tB) so với phôi nang có hiện tượng sụp khoang phôi. Cũng trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đánh giá rằng thời gian sụp của khoang phôi không khác biệt giữa hai nhóm phôi có và không có làm tổ, thời gian sụp trung bình của phôi (tính từ thời điểm phôi có dấu hiệu co đến khi tất cả tế bào TE tiếp xúc với ZP) là 1,67 giờ (KTC 95% 1,31- 2,01 giờ). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phôi nang phát triển từ phôi ngày 3 chất lượng tốt có thời gian sụp thấp hơn đáng kể (1,53 giờ so với 2,32 giờ, P= 0,15)(4). Trong khi một số nghiên cứu khác báo cáo rằng phôi sụp mất nhiều thời gian hơn để đạt đến giai đoạn phôi nang và phát triển chậm hơn trong giai đoạn phôi nang (Gazzo và cộng sự, 2020) (5). Cũng theo báo cáo của nhóm tác giả này, tuổi mẹ không có tương quan với hiện tượng sụp của khoang phôi.
 
Lệch bội ở phôi sụp
Sự sụp khoang phôi và lệch bội đã được thực hiện trên nhiều nghiên cứu. Theo kết quả của các nghiên cứu, hiện tượng sụp khoang phôi chủ yếu xuất hiện ở phôi lệch bội, đặc biệt, phôi mang nhiễm sắc thể đơn nhiễm có số lần sụp khoang phôi thấp hơn so với thể tam nhiễm hay phôi mang lệch bội phức hợp. Theo kết quả nghiên cứu của Cimadomo và cộng sự (2022), 47% phôi không có hiện tượng sụp là phôi nguyên bội trong khi đó chỉ có 35% phôi sụp là phôi nguyên bội. Cụ thể hơn là số lần sụp của khoang phôi liên quan mật thiết đến tỉ lệ nguyên bội, phôi sụp càng nhiều thì xác suất phôi nguyên bội càng thấp, cụ thể là 38%, 32%, 31% và 20% tỉ lệ phôi nang nguyên bội ở các nhóm sụp khoang phôi 1, 2, 3 và  4 lần (1).
 
Kết quả lâm sàng
Trong báo cáo của Sciorio, nhóm tác giả cho thấy tỉ lệ -hCG dương (69,4% với 40,3%, P<0,0001) và tỉ lệ thai diễn tiến (53,7% so với 17,7%, P<0,0001) ở nhóm chuyển phôi không sụp cao hơn đáng kể so với nhóm phôi sụp, tỉ lệ sẩy thai ở nhóm chuyển phôi sụp tương đối cao hơn so với nhóm phôi không sụp (24,2% so với 15,6%) (2). Nghiên cứu của Marcos và cộng sự (2015) cũng chỉ ra rằng có sự giảm đáng kể về khả năng làm tổ của phôi nang có ít nhất một lần sụp khoang phôi so với phôi không sụp (35,1% so với 48,5%, P= 0,019) (4). Theo nghiên cứu của Harton và cộng sự, ngay cả khi chuyển phôi sụp nguyên bội thì tỉ lệ sinh sống vẫn thấp hơn so với nhóm chuyển phôi không sụp. Tương tự vậy, nghiên cứu của Gazzo và cộng sự (2020) cũng báo cáo rằng tỉ lệ thai khi chuyển phôi nguyên bội ở nhóm phôi sụp thấp hơn so với nhóm chứng (46,67% với 63,1%, p <0,05) (5). Tuy nhiên, nghiên cứu của Cimadomo và cộng sự đã báo cáo rằng tỉ lệ sinh sống ở hai nhóm phôi nguyên bội có và không có hiện tượng sụp không có sự khác biệt đáng kể (39% và 46%, P=0,2). Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng tỉ lệ trẻ sinh sống và tỉ lệ sẩy thai ở hai nhóm có và không có sụp khoang phôi cũng không có sự khác biệt (P =0,2). Nghiên cứu tổng quan và phân tích gộp của Bickendorf và cộng sự (2023) cho thấy chuyển phôi có ít nhất 1 lần sụp khoang phôi có tỉ lệ thai diễn tiến (RR= 0,06; KTC 95% 0,53-0,83, I2= 60%) và tỉ lệ thai lâm sàng (RR= 0,77, KTC 95% 0,62-0,95, I2= 30%) thấp hơn đáng kể so với nhóm chuyển phôi không sụp. Cũng trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã báo cáo rằng chuyển phôi nang có ít nhất một lần sụp khoang phôi cho tỉ lệ sẩy thai cao hơn so với nhóm chứng (RR= 1,31, KTC 95% 0,95-1,8, I2=0%) và tỉ lệ này cũng cao hơn trong trường hợp chuyển phôi nguyên bội (6).
 
Kết luận
Cho đến nay, các nghiên cứu về phôi sụp đều là nghiên cứu hồi cứu với những hạn chế liên quan đến cỡ mẫu và thiết kế nghiên cứu, nhưng đa số y văn đều cho thấy hiện tượng sụp khoang phôi có thể được xem như một yếu tố dự đoán cho kết quả làm tổ và mang thai. Do đó, hiện tượng sụp khoang phôi có thể là một thông số bổ sung cần xem xét khi lựa chọn đơn phôi nang để chuyển. Và đa số các tác giả đều khuyến nghị không nên ưu tiên chuyển phôi sụp khi bệnh nhân có những phôi không sụp khác.
 
Tài liệu tham khảo
1.        Cimadomo D, Marconetto A, Trio S, Chiappetta V, Innocenti F, Albricci L, et al. Human blastocyst spontaneous collapse is associated with worse morphological quality and higher degeneration and aneuploidy rates: a comprehensive analysis standardized through artificial intelligence. Human Reproduction. 2022 Oct 1;37(10):2291–306.
2.        Sciorio R, Meseguer M. Focus on time-lapse analysis: blastocyst collapse and morphometric assessment as new features of embryo viability. 2021; Available from: https://doi.org/10.1016/j.
3.        Sciorio R, Saura RH, Thong KJ, Algam ME, Pickering SJ, Meseguer M. Blastocyst collapse as an embryo marker of low implantation potential: a time-lapse multicentre study. Zygote. 2020 Apr 1;28(2):139–47.
4.        Marcos J, Pérez-Albalá S, Mifsud A, Molla M, Landeras J, Meseguer M. Collapse of blastocysts is strongly related to lower implantation success: A time-lapse study. Human Reproduction. 2015 May 26;30(11):2501–8.
5.        Gazzo E, Peña F, Valdéz F, Chung A, Velit M, Ascenzo M, et al. Blastocyst contractions are strongly related with aneuploidy, lower implantation rates, and slow-cleaving embryos: A time lapse study. J Bras Reprod Assist. 2020;24(1):77–81.
6.        Bickendorf K, Qi F, Peirce K, Natalwala J, Chapple V, Liu Y. Spontaneous collapse as a prognostic marker for human blastocysts: a systematic review and meta-analysis. Human Reproduction. 2023 Oct 1;38(10):1891–900.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK