Theo kết quả của nhiều nghiên cứu đã được báo cáo, sang chấn tâm lý hay stress có ảnh hưởng xấu đến kết quả thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này chỉ khảo sát về stress do vô sinh hoặc do quá trình điều trị vô sinh gây ra, chưa có nghiên cứu nào đánh giá các stress trong cuộc sống ngoài nguyên nhân vô sinh ảnh hưởng thế nào đến kết quả IVF. Vì lý do này, một nhóm nghiên cứu ở Bệnh viện Đại học Aarhus ở Đan Mạch đã tiến hành nghiên cứu mối liên hệ giữa stress trong đời sống thường nhật với kết quả điều trị vô sinh của hơn 800 bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm.
“Sang chấn tâm lý” trong hầu hết các nghiên cứu đã thực hiện đều không liên quan đến sự kiện ngoại cảnh (như stress do tâm lý bị vô sinh, do quá trình điều trị vô sinh…). Stress trong nghiên cứu này được định nghĩa là các sự kiện hay yếu tố ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng cuộc sống như bệnh tật, tai nạn, thay đổi công việc, điều kiện sống, các vấn đề liên quan tài chính, luật pháp… Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá các yếu tố gây stress và đáp ứng của 809 bệnh nhân điều trị IVF chu kỳ đầu tiên từ năm 2001 đến 2006.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Nhóm phụ nữ có thai gặp số biến cố trong cuộc sống gây sang chấn tâm lý trước khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm thấp hơn so với nhóm phụ nữ không có thai, và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (số biến cố ở 2 nhóm lần lượt là 2,5 và 3, p = 0,017). Các biến cố gây stress được xem là một yếu tố dự đoán đơn biến có ý nghĩa thống kê đối với khả năng thành công sau điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.
Nghiên cứu còn cho thấy có sự tương quan nghịch giữa số lượng stress trong cuộc sống và số trứng thu được trong quá trình chọc hút trứng. Tuy nhiên, lại không có sự liên quan giữa nồng độ FSH và tỷ lệ mang thai cũng như giữa nồng độ FSH và stress. Chỉ số khối cơ thể (BMI), hút thuốc lá, uống cà phê mỗi ngày được kết luận là không liên quan đến tỷ lệ thai lâm sàng. Hai yếu tố được cho là ảnh hưởng lớn nhất đến tỷ lệ thành công của IVF là bệnh mãn tính và bị bạo hành.
Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy stress làm gia tăng lượng hormone GnIH (gonadotropin-inhibitory hormone). Hormone này được phát hiện cách đây 9 năm ở loài chim và gần đây vừa được phát hiện cũng có ở loài người. Stress làm tăng GnIH, hormone này ức chế trực tiếp GnRH – một hormone quan trọng trong sự sinh sản ở người. GnRH bị ức chế sẽ gây nên những rối loạn liên quan đến vô sinh. “Kết quả này giúp các bác sĩ lâm sàng có cái nhìn mới trong việc chẩn đoán và điều trị hiếm muộn”, Elizabeth Kirby, trưởng nhóm nghiên cứu, kết luận.
Nguồn: Orgyn.com
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...