Các nhà nghiên cứu đã báo cáo về mối liên quan giữa tiền sử tiểu đường ở những người thân thế hệ thứ 1 với nguy cơ mà một người phụ nữ có thể bị tiểu đường khi mang thai.
Trong nghiên cứu lớn đầu tiên về tính di truyền gia đình của tiểu đường thai kỳ, các nhà nghiên cứu thuộc đại học Michigan Medical (Ann Arbor, MI, Mỹ) và trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (Atlanta, GA, Mỹ) đã điều tra mối liên quan giữa tiểu đường ở cha mẹ hoặc anh em với tiểu đường thai kỳ.
Họ đã sử dụng bản khảo sát National Health and Nutrition Examination (NHANES) III, để xác định tiền sử tiểu đường gia đình của 4566 phụ nữ đã có con, hiện không mang thai, được phân loại là bị tiểu đường đã được chẩn đoán (không phải tiểu đường thai kỳ), hoặc có tiền sử tiểu đường thai kỳ, hoặc không có cả 2 tình huống này.
Có 713 phụ nữ có mẹ bị tiểu đường (cha không bị); 393 phụ nữ có cha bị tiểu đường (mẹ không bị); 139 phụ nữ có cả cha lẫn mẹ đều bị tiểu đường; và 214 phụ nữ chỉ có 1 người anh/em bị tiểu đường.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố tuổi tác, chủng tộc hoặc dân tộc, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khuynh hướng tiểu đường cao hơn có ý nghĩa thống kê ở những phụ nữ có mẹ bị tiểu đường (tỉ số chênh 3, khoảng tin cậy 95% là 1,2-7,3), hoặc cha (tỉ số chênh 3,3, khoảng tin cậy 95% là 1,1-10,2), hoặc anh em bị tiểu đường (tỉ số chênh 7,1, khoảng tin cậy 95% là 1,6-30,9), so với những phụ nữ không có tiền sử gia đình bị tiểu đường. Trong đó, nguy cơ cao nhất nằm ở nhóm đối tượng có 1 người anh em bị tiểu đường.
Các nhà nghiên cứu (Kim C và cộng sự) viết rằng mặc dù nguy cơ tiểu đường cao hơn nếu cả cha mẹ đều bị tiểu đường, nguy cơ tiểu đường thai kỳ vẫn gia tăng ở mức độ tương tự khi chỉ có một trong 2 người hay cả 2 người đều bị tiểu đường. Họ ghi nhận rằng việc điều chỉnh chỉ số khối cơ thể đã làm yếu đi mối liên quan giữa tiểu đường ở cha và tiểu đường thai kỳ, nhưng không ảnh hưởng đến sự kết hợp giữa tiểu đường ở mẹ và tiểu đường thai kỳ.
So sánh các phát hiện của mình với các nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu bình luận rằng những ảnh hưởng hiện tại và trong thời kỳ đầu của cuộc sống như học vấn và thu nhập thấp có thể làm mờ đi mối liên quan giữa tiểu đường thai kỳ và tiền sử tiểu đường của anh chị em, do sự điều chỉnh các yếu tố này làm gia tăng tỉ số chênh của tiểu đường thai kỳ với tiền sử chỉ có anh em bị tiểu đường. Do đó, họ nói rằng, có 1 người anh em bị tiểu đường “có thể là yếu tố nguy cơ cao hơn so với những dữ liệu được ghi nhận trước đây.”
Để kết luận, các nhà nghiên cứu đề nghị cần thêm các nghiên cứu sâu hơn để xác định các yếu tố di truyền có tính quyết định, nhờ đó mà những phụ nữ có nguy cơ tiểu đường – sau khi đã bị tiểu đường thai kỳ - có thể được xác định và là mục tiêu để can thiệp phòng ngừa.
BS. Nguyễn Khánh Linh
Nguồn: American Journal of Obstetrics & Gynecology 2009
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...