Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 18-04-2025 2:26pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Đoàn Thị Thùy Dương - IVF Tâm Anh
 
Giới thiệu
Chuyển phôi nang đã trở thành một phương pháp phổ biến trong điều trị vô sinh nhờ tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn so với chuyển phôi giai đoạn phân chia. Tuy nhiên, tác động của phương pháp này lên kết quả chu sinh vẫn còn gây tranh cãi. Một số nghiên cứu cho rằng tỉ lệ sinh non và trẻ sơ sinh lớn hơn so với tuổi thai (large for newborn gestational age - LGA) cao hơn trong các trường hợp chuyển phôi nang so với chuyển phôi giai đoạn phân chia. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng chuyển phôi nang không ảnh hưởng đến cân nặng và tuổi thai sơ sinh của trẻ sinh đơn. Lý do dẫn đến sự khác biệt trong kết quả nghiên cứu có thể do đối tượng đưa vào nghiên cứu, cũng như sự khác biệt trong kỹ thuật nuôi cấy, đông lạnh - rã đông phôi. Trong thập kỷ qua, công nghệ đông lạnh hiện đại và cải tiến trong nuôi cấy phôi đã làm thay đổi kết quả lâm sàng, dẫn đến những kết luận khác nhau giữa các nghiên cứu trước đây và gần đây. Ngoài ra, đặc điểm bệnh nhân như tuổi mẹ, thời gian vô sinh và phương pháp thụ tinh không đồng đều giữa hai nhóm cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Để giải quyết vấn đề này, nghiên cứu áp dụng phương pháp ghép điểm xu hướng (propensity score matching) nhằm tạo ra nhóm đối chứng cân bằng, giúp so sánh kết quả chu sinh của trẻ sinh đơn giữa chuyển phôi nang và chuyển phôi giai đoạn phân chia trong các chu kì chuyển phôi trữ (frozen embryo transfer - FET).
 
Phương pháp
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 4 năm 2023 trên 706 trường hợp sinh đơn thai trong chu kì FET, trong đó có 180 trường hợp chuyển phôi phân chia và 526 trường hợp chuyển phôi nang. Nghiên cứu tiến hành so sánh các kết quả chính như cân nặng khi sinh và tuổi thai sơ sinh. Ngoài ra, nghiên cứu còn phân tích hồi quy tuyến tính đa biến để phân tích xem loại phôi được chuyển trong chu kì FET có tương quan với cân nặng hay tuổi thai hay không.
 
Kết quả
Nghiên cứu cho thấy nhóm chuyển phôi nang có tuổi mẹ trẻ hơn và thời gian vô sinh ngắn hơn, tỉ lệ thụ tinh bằng tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic sperm injection - ICSI) thấp hơn và tỉ lệ chuyển phôi kém chất lượng cao hơn so với nhóm chuyển phôi giai đoạn phân chia. Các yếu tố khác như chỉ số khối cơ thể (BMI) của mẹ, loại vô sinh, nguyên nhân vô sinh, số lần sinh và quy trình chuẩn bị nội mạc tử cung tương đương giữa hai nhóm.
Về kết quả chu sinh, kết quả chỉ ra rằng không có sự khác biệt giữa hai nhóm về cân nặng khi sinh, tuổi thai trẻ sơ sinh, giới tính, phương thức sinh, tình trạng LGA, tình trạng trẻ sơ sinh nhỏ hơn so với tuổi thai (Small for newborn gestational age - SGA) và sinh non (preterm birth - PTB). Bên cạnh đó, sau khi phân tích hồi quy tuyến tính, kết quả chỉ ra rằng loại phôi không ảnh hưởng đến cân nặng hay tuổi thai trẻ sơ sinh. Kết quả cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ bao gồm BMI của mẹ (P=0,01), giới tính của trẻ (P=0,01) và tuổi thai của trẻ (P=0,01).
 
Bàn luận
Nghiên cứu này đã sử dụng phương pháp ghép điểm xu hướng để tạo ra một nhóm đối chứng cân bằng và phát hiện ra rằng không có sự khác biệt đáng kể giữa hai loại phôi chuyển về cân nặng sơ sinh, tuổi thai, tỉ lệ sinh non hay tỉ lệ LGA. Cân nặng trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi BMI của mẹ, tuổi thai và giới tính thai nhi, nhưng không bị ảnh hưởng bởi loại phôi chuyển. Điều này được lý giải trong các nghiên cứu trước đây rằng có thể do khác biệt trong tiêu chí chọn mẫu, môi trường nuôi cấy phôi hoặc các sai lệch trong nghiên cứu hồi cứu.
Mặc dù chuyển phôi nang không gây tác động tiêu cực đáng kể, nhưng vẫn cần theo dõi thêm để đánh giá ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Trong tương lai, nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu về khả năng học tập và nguy cơ mắc bệnh của trẻ sinh từ hai phương pháp chuyển phôi này.
 
Kết luận
Nghiên cứu cho thấy việc chuyển phôi nang không ảnh hưởng đến cân nặng và tuổi thai sơ sinh của những đứa trẻ sinh đơn trong các chu kì FET. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu hồi cứu nên những phát hiện này cần được xác thực trong các nghiên cứu tiến cứu hoặc các thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên.
 
Nguồn: Zeng, Y., Chen, J., Zhang, H., Nie, X., Tan, Y., & Yin, Y. (2025). Comparison of the perinatal outcomes of live-born singletons between blastocysts and cleavage-stage embryo transfer in FET cycles via propensity score matching. BMC Pregnancy and Childbirth, 25(1), 200.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, thứ bảy 19 . 7 . 2025

Năm 2020
Năm 2020

New World Saigon hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 06 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK
Loading...