Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 13-12-2024 3:24pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
KS CNSH. Nông Thị Hoài
Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột
 
Sẩy thai liên tiếp (Recurrent pregnancy loss - RPL) được định nghĩa là từ 2 lần mất thai lâm sàng liên tiếp trở lên, ảnh hưởng khoảng 2% phụ nữ đang mang thai. Nguyên nhân gây RPL rất đa dạng, bao gồm di truyền, bất thường tử cung, nội tiết, hội chứng kháng phospholipid, miễn dịch và yếu tố môi trường. Tuy nhiên, ngay cả sau khi đánh giá lâm sàng đầy đủ, có tới 50% trường hợp không xác định được nguyên nhân. Điều này khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi tìm kiếm câu trả lời và lựa chọn điều trị. Phần lớn phụ nữ có tiền sử RPL vẫn có thể sinh con, tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy họ có nguy cơ gặp phải các biến chứng sản khoa cao hơn. Nghiên cứu của Rasmark Roepke và cộng sự vào năm 2021 đã ghi nhận phụ nữ bị RPL khi mang thai tự nhiên có nguy cơ tiền sản giật, thai chết lưu, sinh non cao hơn. Một số phụ nữ bị RPL chọn thực hiện công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology - ART) như một cách để giảm nguy cơ sẩy thai liên tiếp để có thể sinh ra một đứa trẻ khoẻ mạnh. Tuy nhiên, trẻ sinh ra sau ART cũng đối mặt với nguy cơ cao hơn về các kết quả chu sinh bất lợi như sinh non, cân nặng sơ sinh thấp. Cân nặng sơ sinh thấp (<2500g) đặc biệt được quan tâm vì trẻ sinh ra với cân nặng này có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ có cân nặng >2500g. Ngoài ra, trẻ sinh non còn gặp rủi ro từ sự chưa trưởng thành của nhiều cơ quan, dẫn đến các vấn đề thần kinh, hô hấp và tiêu hóa. Cho tới nay, dữ liệu về kết quả chu sinh của trẻ sinh từ các cặp vợ chồng RPL thực hiện ART vẫn còn hạn chế. Do đó, nghiên cứu này nhằm đánh giá các kết quả chu sinh sau khi chuyển phôi đông lạnh (frozen embryo transfer - FET) ở trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng có RPL, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho họ khi chọn ART làm phương án điều trị.
 
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Công nghệ hỗ trợ Sinh sản (SART) trong giai đoạn 2014–2020, với tổng cộng 3299 phụ nữ thuộc nhóm RPL so sánh với 1408 phụ nữ không có vấn đề về vô sinh, chỉ thực hiện thắt ống dẫn trứng (Tubal ligation – TL).
 
Kết quả nghiên cứu ghi nhận không có sự khác biệt về tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân (dưới 2500g) giữa nhóm RPL (7,4%) và nhóm TL (7,4%). Đáng chú ý, phụ nữ nhóm RPL có nguy cơ sinh non thấp hơn đáng kể so với nhóm TL (20,3% so với 26,2%; OR: 0,75). Ngoài ra, không có khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong sơ sinh ( 0,4% so với 0,5%), phương thức sinh mổ (49,4% so với 54,4%) hoặc sinh thường (50,6% so với 46,6%) giữa nhóm RPL và TL. Nghiên cứu cũng xem xét việc sử dụng xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (Preimplantation genetic testing for aneuploidy PGT-A) nhằm sàng lọc phôi trước khi chuyển vào tử cung. Kết quả cho thấy, việc sử dụng PGT-A không làm tăng nguy cơ các biến cố chu sinh bất lợi trong nhóm phụ nữ RPL.
 
Một số hạn chế của nghiên cứu là thiết kế hồi cứu có thể gây sai lệch do dữ liệu thiếu chính xác hoặc không đầy đủ, thiếu thông tin về nguyên nhân cụ thể gây sẩy thai liên tiếp, nhóm chứng có đặc điểm khác biệt (tỷ lệ hút thuốc và BMI cao hơn) có thể gây nhiễu kết quả.
 
Tóm lại, phụ nữ có tiền sử RPL có thể yên tâm khi thực hiện chuyển phôi đông lạnh vì phương pháp này không làm tăng nguy cơ biến cố chu sinh. Điều này đặc biệt quan trọng khi ART bao gồm cả PGT-A trở thành lựa chọn phổ biến và an toàn giúp các cặp vợ chồng đạt được mong muốn làm cha mẹ. Nghiên cứu này mang lại hy vọng và sự an tâm cho những phụ nữ từng trải qua nhiều lần sẩy thai
 
TLTK: Virginia-Arlene Go, Martin Goros, Byeong Yeob Choi, Leslie V. Farland, Randal D. Robinson, and Winifred Mak, M.D. Perinatal outcomes of women with recurrent pregnancy loss undergoing frozen embryo transfer from the Society of Assisted Reproductive Technology database. Fertil Steril. 2024 Oct 18:S0015-0282(24)02310-0. doi: 10.1016/j.fertnstert.2024.10.016.Online ahead of print.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK