Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 04-12-2024 1:59am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trần Tiến Ninh, Ths. Lê Thị Bích Phượng – Olea Fertility Nha Trang - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang
 
Giới thiệu
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART), tỉ lệ thai lâm sàng đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên tỉ lệ thai ngoài tử cung ngày càng tăng lên. Tỉ lệ thai ngoài tử cung trong chu kỳ IVF/ICSI được báo cáo là 2,1% – 8,6%, cao hơn đáng kể so với tỉ lệ 1% – 2% trong thụ thai tự nhiên. Hơn nữa, 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng gây tổn thương nghiêm trọng và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Nhiều yếu tố được xem là nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung trong điều trị ART như tiền sử thai ngoài tử cung, vô sinh do yếu tố ống dẫn trứng, bất thường vùng chậu, kỹ thuật ART.

Độ dày nội mạc tử cung (Endometrial thickness - EMT) là một chỉ số được theo dõi thường xuyên trong điều trị ART, phản ánh khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa EMT và kết cục thai kỳ, nhưng kết quả vẫn còn nhiều tranh cãi. Có nghiên cứu cho rằng nội mạc tử cung mỏng là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với thai ngoài tử cung và bệnh nhân với EMT < 9 mm có nguy cơ thai ngoài tử cung cao gấp bốn lần so với EMT > 12 mm. Một nghiên cứu khác cũng xác nhận rằng EMT > 12 mm có thể làm giảm nguy cơ thai ngoài tử cung. Ngược lại, một phân tích tổng hợp kết luận rằng EMT không ảnh hưởng đến kết cục thai ngoài tử cung.

Mối liên hệ giữa EMT, thai lâm sàng và thai ngoài tử cung vẫn còn nhiều tranh cãi. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn rõ ràng nào về EMT phù hợp để giảm tỉ lệ thai ngoài tử cung và tăng tỉ lệ thai lâm sàng. Vì vậy, Wang và cộng sự (2023) đã thực hiện nghiên cứu này để xác định EMT tối ưu nhằm cải thiện tỉ lệ thai lâm sàng và giảm tỉ lệ thai ngoài tử cung ở các bệnh nhân chuyển phôi tươi.

Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu trên 14.879 chu kỳ IVF/ICSI thực hiện chuyển phôi tươi theo các phác đồ tác dụng kéo dài giai đoạn nang trứng sớm từ tháng 9/2017 đến tháng 12/2020. Tiêu chuẩn loại là các chu kỳ chuyển phôi không phải vào ngày 3 hoặc ngày 5, bệnh nhân dị tật tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung, vô sinh do yếu tố di truyền. Sau khi sàng lọc, 11.738 chu kỳ IVF/ICSI được đưa vào phân tích.

Kết quả
Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt đáng kể về yếu tố ống dẫn trứng, EMT và phương pháp điều trị giữa nhóm bệnh nhân mang thai trong tử cung và ngoài tử cung (p < 0,05). Các yếu tố như phụ nữ lớn tuổi, nội mạc tử cung mỏng và rối loạn chức năng buồng trứng làm giảm tỉ lệ thai lâm sàng, trong khi chuyển phôi ngày 5, PCOS, chuyển hai phôi, tỉ lệ 2PN cao, tỉ lệ phôi chất lượng tốt và tỉ lệ tạo thành phôi nang chất lượng tốt cao đều làm tăng tỉ lệ thai lâm sàng. EMT và vô sinh do yếu tố ống dẫn trứng là các yếu tố nguy cơ độc lập đối với thai ngoài tử cung, trong khi phương pháp thụ tinh, tuổi phôi (ngày 3 hoặc ngày 5) và số lượng phôi chuyển không ảnh hưởng đến tỉ lệ thai ngoài tử cung.

Sau khi kiểm soát các yếu tố gây nhiễu, EMT được xác định là yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến tỉ lệ thai lâm sàng (aOR = 1,07; KTC 95%, 1,05–1,08; P = 0,00) và tỉ lệ thai ngoài tử cung (aOR = 0,88; KTC 95%, 0,82–0,94; P = 0,00). Có thể kết luận rằng nội mạc tử cung càng dày thì tỉ lệ thai lâm sàng càng cao và rủi ro thai ngoài tử cung càng thấp.

Trong nghiên cứu của Wang và cộng sự, 98% bệnh nhân có EMT từ 6 – 20 mm được chia thành 3 nhóm. Có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm về tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ thai ngoài tử cung (P = 0,00). Tỉ lệ thai lâm sàng ở nhóm 6 – 10 mm (54,88%) thấp hơn đáng kể so với nhóm 11 – 15 mm (64,23%) và nhóm 16 – 20 mm (64,40%) (P = 0,00), trong khi tỉ lệ thai ngoài tử cung ở nhóm 6 – 10 mm (2,72%) cao hơn so với hai nhóm còn lại (1,60% và 0,97%, P = 0,00). Ngoài ra, không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm 11 – 15 mm và nhóm 16 – 20 mm, điều này chỉ ra rằng EMT ≥ 11 mm có xu hướng làm tăng tỉ lệ thai lâm sàng và giảm tỉ lệ thai ngoài tử cung.

Thảo luận
Kết quả nghiên cứu của Wang và cộng sự chỉ ra rằng EMT và vô sinh do yếu tố ống dẫn trứng là các yếu tố nguy cơ độc lập đối với thai ngoài tử cung, trong khi phương pháp thụ tinh, tuổi phôi (D3 hoặc D5) và số lượng phôi chuyển không ảnh hưởng đến tỉ lệ thai ngoài tử cung. Vô sinh do yếu tố ống dẫn trứng được xác định là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với thai ngoài tử cung có thể do quá trình kích thích buồng trứng làm tăng estrogen, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung và trạng thái ống dẫn trứng dẫn đến tỉ lệ thai ngoài tử cung cao hơn.
Nhiều nghiên cứu báo cáo rằng nội mạc tử cung mỏng có liên quan đến tỉ lệ thai lâm sàng thấp hơn và tỉ lệ thai ngoài tử cung cao hơn, điều này cũng tương tự với phát hiện của Wang và cộng sự. Lí do có thể giải thích cho kết quả này là ảnh hưởng của sự gia tăng áp lực oxy khi phôi làm tổ gần các động mạch xoắn ở lớp nền nội mạc tử cung, dẫn đến phôi tiếp xúc với nồng độ oxy cao và bị kìm hãm sự phát triển. Hơn nữa, nhu động tử cung bất thường có thể làm tăng nguy cơ phôi bị đẩy ra khỏi vị trí làm tổ dẫn đến thai ngoài tử cung.
Wang và cộng sự phát hiện EMT ≥ 11 mm vào ngày chuyển phôi có thể đồng thời làm tăng tỉ lệ thai lâm sàng và giảm tỉ lệ thai ngoài tử cung. Fang và cộng sự cũng đã báo cáo nguy cơ thai ngoài tử cung giảm 50% khi EMT > 10 mm. Rombauts và cộng sự phát hiện bệnh nhân có EMT > 12 mm có nguy cơ thai ngoài tử cung thấp hơn 3 lần so với bệnh nhân có EMT < 9 mm. Trong nghiên cứu của Wang và cộng sự, bệnh nhân có EMT < 11 mm vẫn có khả năng mang thai và EMT dày (> 14 mm) không ảnh hưởng tiêu cực đến tỉ lệ thai lâm sàng. Tuy nhiên, có báo cáo chứng minh rằng tỉ lệ thai lâm sàng giảm đáng kể khi EMT > 14 mm và bệnh nhân EMT > 12 mm có nguy cơ nhau tiền đạo cao gấp 4 lần so với những bệnh nhân có EMT < 9 mm. Do đó, bệnh nhân cần phải chuẩn bị EMT phù hợp trước khi chuyển phôi.

Kết luận
Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng, EMT tỉ lệ thuận với tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ nghịch với tỉ lệ thai ngoài tử cung trong chu kỳ chuyển phôi tươi. EMT ≥ 11 mm vào ngày chuyển phôi có thể đồng thời làm tăng tỉ lệ thai lâm sàng và giảm tỉ lệ thai ngoài tử cung. Cần nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để đánh giá khả năng dự đoán kết cục thai kỳ của EMT và áp dụng cho điều trị ART.

Nguồn: Wang, S., Qi, L., Liu, Y., Shi, H., Chen, X., Wang, N., & Su, Y. (2023). Suitable endometrial thickness on embryo transfer day may reduce ectopic pregnancy rate and improve clinical pregnancy rate. BMC Pregnancy and Childbirth, 23(1), 517.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK