Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 29-11-2024 10:21am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Đặng Ngọc Minh Thư – IVF Tâm Anh
 
Tổng quan
Một trong những mục tiêu quan trọng của hỗ trợ sinh sản là thu được phôi chất lượng tốt để tăng tỉ lệ điều trị thành công. Đối với phôi giai đoạn phân chia, kích thước phôi bào, sự hiện diện của đa nhân và mức độ phân mảnh tế bào chất là những chỉ số quan trọng để đánh giá phôi. Gần đây, với sự phát triển của tủ nuôi cấy timelapse đã cho phép theo dõi dễ dàng sự phát triển phôi. Trong đó, phân mảnh nhiều ở giai đoạn phôi phân chia có tương quan với tỉ lệ làm tổ kém. Do đó, điều quan trọng là phải thu được phôi chất lượng tốt với ít hoặc không có phân mảnh.
 
Trước đây, phương pháp loại bỏ màng ZP để giảm phân mảnh đã được thực hiện trên phôi giai đoạn phân chia. Mặc dù phương pháp này đã đem lại một số hiệu quả tích cực, tuy nhiên kết quả cuối cùng vẫn chưa được xác nhận. Thông qua các đoạn video từ timelapse, Payne và cộng sự (1997) đã cho thấy các mảnh vỡ xuất hiện dọc rãnh phân chia; và gần đây còn ghi nhận ở quanh noãn hoàng, giữa vùng ZP và màng phôi. Các mảnh vỡ này lớn có thể dẫn đến mất lượng lớn tế bào chất, tác động xấu đến phôi. Do việc đào thải các mảnh vỡ này có thể làm giảm các bào quan thiết yếu của phôi, chẳng hạn như ti thể, mRNA, protein, do đó phôi có thể phát triển thành phôi chất lượng kém hoặc ngưng phát triển. Trong cơ thể sống, ZP rất cần thiết để tránh sự tấn công miễn dịch và bảo vệ phôi trong quá trình di chuyển từ ống dẫn trứng đến tử cung. Tuy nhiên, nuôi cấy phôi trong ống nghiệm không có các quá trình này xảy ra. Hơn nữa, một số báo cáo trước đây đã cho thấy các noãn bị tổn thương ZP đã có thể thụ tinh thông qua ICSI, và đã có trẻ sinh sống khỏe mạnh. Do đó, nghiên cứu này tiến hành loại bỏ ZP ở giai đoạn trước lần phân chia đầu tiên để giảm phân mảnh tế bào chất và cải thiện sự phát triển của phôi.
 
Vật liệu và phương pháp
Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 1/2021 trên 34 bệnh nhân tại phòng khám Mio, Nhật Bản. Tiêu chí lựa chọn bao gồm các bệnh nhân không mang thai và có tỉ lệ phát triển phôi nang hình thái tốt  ≤10% do phân mảnh hàng loạt ở lần phân chia đầu tiên và thứ hai trong ít nhất 2 chu kỳ. Các noãn thụ tinh bình thường 2PN từ IVF cổ điển (cIVF) và ICSI được phân bổ vào 2 nhóm: nhóm nghiên cứu có loại bỏ màng ZP (n=101) và nhóm đối chứng không loại bỏ ZP (n=72).
 
ZP được loại bỏ thông qua việc sử dụng dung dịch ưu trương ngâm hợp tử khoảng 5 phút, lúc này tế bào chất sẽ co lại, gia tăng khoảng cách với ZP. Sau đó, ZP được loại bỏ thông qua cắt bằng laser và sử dụng kim sinh thiết thổi vào nhiều lần để tách hoàn toàn tế bào chất và ZP. Phôi phân chia được đánh giá theo tiêu chuẩn của Veeck đã sửa đổi với loại 1 (≤20% phân mảnh), loại 2 (>20% – <40% phân mảnh) và loại 3 (≥40% phân mảnh). Phôi nang được đánh giá theo tiêu chuẩn của Gardner.
 
Kết quả
Tỉ lệ phôi phân chia ngày 2 đạt loại 1 cao hơn đáng kể ở nhóm không có ZP (58,4%) so với nhóm còn nguyên vẹn ZP (23,6%). Tỉ lệ phôi loại 2 và loại 3 cao hơn ở nhóm còn nguyên vẹn ZP (lần lượt là 52,8% và 23,6%), so với nhóm không có ZP (lần lượt là 32,7% và 8,9%). Tỉ lệ phát triển phôi nang, phôi nang chất lượng tốt và phôi nang có thể bảo quản đông lạnh vào ngày 5 cao hơn đáng kể ở nhóm không có ZP (lần lượt là 66,3%, 48,5% và 45,5%) so với nhóm còn nguyên vẹn ZP (lần lượt là 18,0%, 6,0% và 15,2%).
 
Do số lượng bệnh nhân ít, bao gồm cả phôi tươi và phôi đông lạnh, và dữ liệu không ngẫu nhiên, nên không thể phân tích so sánh giữa hai nhóm. Tuy nhiên, kết quả lâm sàng như sau: tỉ lệ mang thai đối với nhóm ZP nguyên vẹn là 5,9% trên mỗi bệnh nhân (1 trong số 17) và 5,3% trên mỗi phôi được chuyển (1 trong số 19). Tỉ lệ này đối với nhóm không có ZP là 37,5% trên mỗi bệnh nhân (9 trong số 24) và 24,3% trên mỗi phôi được chuyển (9 trong số 37). Trong số chín bệnh nhân được xác nhận lâm sàng là có thai với phôi không có ZP, sáu bệnh nhân đã sinh con khỏe mạnh và ba bệnh nhân bị sảy thai. Trong số những bệnh nhân có phôi ZP nguyên vẹn, một bệnh nhân được xác nhận lâm sàng là có thai sau chuyển phôi tươi vào ngày 2 và sinh con khỏe mạnh.
 
Bàn luận
Một số bệnh nhân có phôi thụ tinh bình thường nhưng không tạo ra được phôi chất lượng tốt do bị phân mảnh nghiêm trọng ở giai đoạn phân chia sớm, dẫn đến không cấy ghép được. Sự phân mảnh phôi có thể gây ra apoptosis hoặc hoại tử ở phôi bào, dẫn đến mất một lượng lớn tế bào chất và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các phôi bào xung quanh bằng cách tiết ra các chất có hại.
 
Nghiên cứu này tiến hành thăm dò để tìm hiểu xem việc loại bỏ nhân tạo ZP ở giai đoạn tiền nhân trong hợp tử 2PN bình thường từ những bệnh nhân này có cải thiện được tỉ lệ phôi chất lượng tốt, phát triển phôi nang và phôi nang hình thái tốt hay không. Kết quả cho thấy nhóm không có ZP có tỉ lệ phôi phân chia sớm, tỉ lệ phát triển phôi nang và tỉ lệ phát triển phôi nang chất lượng tốt cao hơn đáng kể so với nhóm có ZP nguyên vẹn. Ngoài ra, tỉ lệ bảo quản đông lạnh cũng cao hơn đáng kể ở nhóm không có ZP so với nhóm có ZP. Kết quả của nghiên cứu này chứng minh rằng trong những trường hợp khó điều trị, khi không thể thu nhận phôi có hình thái tốt, sự phát triển của phôi có thể được cải thiện đáng kể bằng cách loại bỏ nhân tạo ZP ở giai đoạn tiền nhân. Nghiên cứu cũng đã báo cáo các trường hợp mang thai thông qua chuyển phôi rã đông của phôi nang chất lượng tốt thu được bằng phương pháp này và trẻ sơ sinh khỏe mạnh đã chào đời. Nhóm tác giả tin rằng phương pháp không có ZP đã mở ra một cánh cửa mới trong y học hỗ trợ sinh sản và có thể mang đến cơ hội lấy được phôi nang có hình thái tốt từ phôi mà nếu không có phương pháp này, có lẽ sẽ không trở thành phôi nang. Việc phát triển các phương pháp điều trị dựa trên những ý tưởng mới luôn phải cân nhắc đến khả năng xảy ra các rủi ro liên quan. Trong tương lai, cần phát triển thêm các tiêu chí để lựa chọn những bệnh nhân có thể sử dụng phương pháp này, cũng như xác minh tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này bằng cách tiến hành phân tích ngẫu nhiên tiến cứu.
 
Nguồn: Yumoto, K., Shimura, T., Kawamoto, M., Sugishima, M., & Mio, Y. (2024). Artificial removal of the zona pellucida at the pronuclear stage: An exploratory study to improve embryo fragmentation. F&S Reports.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK