Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 26-11-2024 8:28am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Đặng Ngọc Minh Thư – IVF Tâm Anh
 
Tổng quan
Đánh giá hình thái noãn là một phần quan trọng trong công việc hàng ngày tại các trung tâm IVF. Hình thái noãn ảnh hưởng đến kết quả phát triển phôi và hiệu quả của chu kỳ điều trị. Khoảng 10% noãn bất thường ở các chu kỳ chọc hút, được chia làm 2 loại là bất thường bên trong và bất thường bên ngoài tế bào chất. Các bất thường về hình thái bên ngoài tế bào chất bao gồm: PVS rộng, PB phân mảnh và bất thường màng trong suốt ZP.
 
Màng trong suốt (Zona Pellucida – ZP) là lớp glycoprotein của noãn, bao gồm 4 lớp ZP1, ZP2, ZP3, ZP4 đóng vai trò quan trọng trong cơ chế thụ tinh và bảo vệ noãn, phôi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy bất thường ZP bao gồm hình dạng không đồng nhất, dày hoặc nâu có liên quan đến tỉ lệ thụ tinh thấp hoặc không thụ tinh. Màng ZP lõm (indented zona pellucida – iZP), lần đầu được mô tả bởi Sousa và cộng sự (2015), có liên quan đến tỉ lệ trưởng thành của noãn, thai lâm sàng và trẻ sinh sống thấp hơn. ICSI được cho là phương pháp thụ tinh tốt nhất để tránh thất bại và có kết quả tốt ở những trường hợp noãn có màng ZP lõm. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào kết quả chuyển phôi tươi ở các trường hợp này, mà thiếu các nghiên cứu toàn diện hơn. Nghiên cứu này làm sáng tỏ thêm về đặc điểm phôi học và kết quả lâm sàng liên quan đến ZP lõm trong các chu kỳ chuyển phôi tươi và phôi đông lạnh (FET).
 
Vật liệu và phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu các trường hợp có ZP lõm tại một bệnh viện ở Chiết Giang, từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2021. Tổng cộng 56 bệnh nhân thực hiện 109 chu kì ART từ noãn có ZP lõm (nhóm iZP) và 547 bệnh nhân thực hiện 1095 chu kì ART từ noãn bình thường (nhóm nZP) được đưa vào nhóm nghiên cứu. Tiêu chí loại trừ bao gồm phôi bất thường về NST, bất thường liên quan đến tinh trùng nặng. 
Phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm SPSS (phiên bản 19.0).
 
Kết quả
Quan sát dưới kính hiển vi đảo ngược cho thấy các noãn có ZP lõm đều có đặc điểm chung là PVS hẹp hoặc không có PVS, do đó thể cực thứ nhất bị ép lại hoặc không xuất hiện được. Ngoài ra, cạnh ngoài ZP không đều. Trong quá trình ICSI, cả ZP và bào tương noãn đều đàn hồi kém, dễ bị vỡ.
So sánh đặc điểm nền giữa 2 nhóm, không có sự khác biệt về độ tuổi trung bình, BMI, AMH. Tuy nhiên, nhóm iZP có thời gian vô sinh dài hơn và nhiều trường hợp vô sinh nguyên phát hơn. Các thông số kích thích buồng trứng không cho thấy sự khác biệt trong phác đồ kích thích, tổng liều Gn hoặc thời gian. Tuy nhiên, liều hCG, nồng độ E2 huyết thanh vào ngày hCG và số nang trung bình khác nhau đáng kể (P=0,040; 0,011; 0,011 tương ứng).
 
Nhóm iZP có tỉ lệ chu kì ICSI và rescuse ICSI cao hơn so với nhóm nZP (58,3% so với 3,4%, P<0,001). Mặc dù số lượng COC, noãn MII và noãn thụ tinh bình thường là tương tự nhau, nhóm iZP cho thấy tỉ lệ noãn trưởng thành và thụ tinh thấp hơn đáng kể so với nhóm nZP (lần lượt là 81,2% so với 92,2% và 59,6% so với 74,9%; P<0,001). Hiệu quả phát triển phôi ở nhóm iZP thấp hơn so với nhóm nZP dựa trên các thông số: tỉ lệ phát triển phôi ngày 3 (91,2% so với 99,1%; P=0,004), tỉ lệ phôi hữu dụng ngày 3 (21,1% so với 29,3%, P=0,149), tỉ lệ phát triển phôi ngày 5 (32,5% so với 54,1%; P=0,006), tỉ lệ phôi hữu dụng tổng (46,5% so với 65,5%; P=0,004).
So sánh kết quả lâm sàng giữa 32 ca chuyển phôi tươi ở nhóm iZP và 287 ca ở nhóm nZP cho thấy, không có sự khác biệt về số lượng phôi chuyển và chất lượng phôi. Tuy nhiên, tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống thấp hơn đáng kể ở nhóm iZP  so với nhóm nZP (lần lượt là 34,5% so với 50,8%; 43,8% so với 65,9%; 34,4% so với 58,5%; lần lượt P=0,022; P=0,014, P=0,009). Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể ở kết quả lâm sàng trong chu kỳ chuyển phôi trữ ở 45 ca nhóm iZP và 440 ca nhóm nZP (lần lượt là 29,8% so với 33,9%; 44,4% so với 50,9% và 37,8% so với 40,9%). Tỉ lệ thai ngoài tử cung và sảy thai cũng như kết quả sản khoa, bao gồm đa thai, tỉ lệ giới tính, cân nặng khi sinh, dị tật và thời gian mang thai không có sự khác biệt giữa 2 nhóm.
 
Kết luận
Màng ZP có vai trò rất quan trọng trong quá trình thụ tinh. Bất thường hình thái ZP có thể gây cản trở sự liên kết giữa tinh trùng và noãn. Cụ thể, các noãn có ZP lõm có tỉ lệ thụ tinh thấp hơn đáng kể từ IVF và ICSI, cho thấy giảm khả năng thụ tinh có thể là yếu tố gây vô sinh ở các trường hợp này. Ngoài ra, 58,3% chu kỳ IVF cần phải rescure ICSI sau khi thất bại thụ tinh, nhưng vẫn không đạt kết quả như mong đợi. Nhóm ZP lõm có tỉ lệ noãn chưa trưởng thành cao hơn trong cả chu kỳ IVF/ICSI tổng thể và riêng lẻ so với nhóm đối chứng (P<0,001), tương đồng với những nghiên cứu trước đó. Ngoài ra, một nghiên cứu khác chứng minh rằng mức độ bất thường của ZP lõm có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ trưởng thành của noãn (Fang và cộng sự 2024). Sự chưa trưởng thành của noãn có thể là do PVS hẹp, khiến việc tống xuất thể cực trở nên khó khăn. Vì lý do này, những noãn bào này đôi khi được mô tả giống MI.
 
Dữ liệu hiện tại dẫn đến suy đoán rằng các noãn bất thường ZP lõm là kết quả của quá trình tổng hợp bất thường các glycoprotein ZP. Không có sự đồng nhất về tác động của đột biến trong các gen mã hóa các glycoprotein ZP của con người đối với đa hình ZP. Bằng chứng từ các nghiên cứu trên chuột đột biến gen cho thấy rằng ZP lõm có thể liên quan đến quá trình tổng hợp ZP1 bất thường (Rankin và cộng sự 1999). Trong khi các biến thể trình tự trong gen mã hóa protein ZP của con người, đặc biệt là ZP2 và ZP3, có liên quan đến các bất thường phổ biến trong đa hình ZP, những đột biến này cũng có thể biểu hiện cho các đa hình. Gần đây, một nghiên cứu của Zhang và cộng sự báo cáo rằng ZP lõm cho thấy sự điều hòa giảm đáng kể các gen liên quan đến con đường truyền tín hiệu tương tác ECM – thụ thể và con đường bám dính cục bộ. Sự điều hòa giảm này có thể dẫn đến sự hình thành ZP bất thường. Do đó, cần phải tiến hành nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ giữa protein ZP và chứng đa hình ZP ở người.

Tóm lại, nghiên cứu này làm sáng tỏ các đặc điểm phôi học và kết quả lâm sàng không tối ưu liên quan đến noãn có ZP lõm. Do đó, đối với bệnh nhân có ZP lõm, nên ICSI trực tiếp và thực hiện chuyển phôi trữ để tăng hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, cần có các nghiên cứu sâu hơn để hiều rõ vấn đề này.
 
Nguồn: Lin J, Fang L, Yao L, Wang H, Lan H, Zhang Y, Tong X. The embryological characteristics and clinical outcomes of oocytes with indented zona pellucida. J Obstet Gynaecol. 2024 Dec;44(1):2428944. doi: 10.1080/01443615.2024.2428944. Epub 2024 Nov 21. PMID: 39569578.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK