Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 26-11-2024 2:03am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trần Thị Hoa Phượng – IVF Tâm Anh
 
Trong những năm gần đây, việc chuyển phôi đông lạnh (FET) đã trở thành xu hướng trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), thay thế dần phương pháp chuyển phôi tươi. Sự thay đổi này là nhờ những tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật thủy tinh hóa, giúp bảo quản phôi an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, FET cũng có nhiều ưu điểm khác như giảm nguy cơ quá kích buồng trứng (OHSS), tăng tỷ lệ thành công và tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các kỹ thuật sàng lọc di truyền phôi trước khi làm tổ. Ba phác đồ chính để chuẩn bị nội mạc tử cung cho FET là: chu kỳ tự nhiên, chu kỳ nhân tạo và chu kỳ kích thích nhẹ. Trong đó, chu kỳ tự nhiên đang ngày càng được ưa chuộng hơn nhờ việc giảm thiểu sự can thiệp của hormone ngoại sinh, giúp tăng tỷ lệ mang thai và giảm biến chứng. Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thành công của chu kỳ FET là nồng độ progesterone trong huyết thanh. Chức năng của thể vàng trong việc sản xuất progesterone là hỗ trợ quá trình làm tổ và duy trì thai kỳ trong NC-FET có thể không đủ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt progesterone. Một phân tích tổng hợp của Sofia và cộng sự, 2020 cho thấy việc bổ sung progesterone thông qua hỗ trợ pha hoàng thể (LPS) trong NC-FET có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ trẻ sinh sống (LBR) và tỷ lệ thai lâm sàng (CPR). Điều này cho thấy rằng việc bổ sung progesterone để đạt được nồng độ huyết thanh đủ trong thai kỳ có thể là một chiến lược hiệu quả để cải thiện kết quả lâm sàng trong NC-FET. Vì vậy, mục tiêu chính của nghiên cứu này là đánh giá liệu việc bắt đầu bổ sung progesterone dạng tiêm dưới da (subcutaneous - SC) vào ngày chuyển phôi khi nồng độ progesterone trong huyết thanh dưới 10 ng/mL trong chu kỳ tự nhiên thực sự (true natural cycle frozen embryo transfers - tNC-FET) có dẫn đến tỷ lệ mang thai tương đương với những bệnh nhân có nồng độ progesterone huyết thanh bình thường trong thai kỳ (≥10 ng/mL) hay không.
 
Phương pháp: Phân tích tổng hợp có đối chứng ngẫu nhiên về việc hỗ trợ pha hoàng thể tại một trung tâm được thực hiện từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 4 năm 2023 với 181 ca tNC-FET đã chứng minh rằng việc bổ sung progesterone cho LPS có liên quan đến việc tăng LBR và CPR trong các chu kỳ NC-FET, đưa ra bằng chứng bổ sung về sự thiếu hụt của thể vàng trong một số chu kỳ tự nhiên. Tiêu chí lựa chọn bao gồm bệnh nhân có tử cung bình thường hoặc đã điều trị các dị tật tử cung như tử cung có vách ngăn, u xơ tử cung dưới niêm mạc hoặc polyp nội mạc tử cung, loại trừ các phôi kém chất lượng hoặc bất thường ống Muller. Bệnh nhân được phân nhóm theo nồng độ progesterone trong huyết thanh (≥10 ng/mL và <10 ng/mL) vào ngày chuyển phôi (ET). Progesterone (25 mg) được tiêm vào ngày ET khi nồng độ progesterone trong huyết thanh <10 ng/mL, duy trì liên tục cho đến tuần thai thứ 10. Mẫu máu để xét nghiệm mang thai được thu nhận sau 12 ngày thực hiện ET. Các dữ liệu thu thập bao gồm đặc điểm nhân khẩu học, nồng độ LH trong huyết thanh (IU/L) vào ngày đạt đỉnh LH, nồng độ progesterone trong huyết thanh (ng/mL) vào ngày đạt đỉnh LH và ngày chuyển phôi, độ dày nội mạc tử cung (mm) vào ngày chuyển phôi, giai đoạn phôi chuyển (phôi ngày 3/phôi nang) và số phôi chuyển để đánh giá các kết quả lâm sàng bao gồm tỷ lệ mang thai, tỷ lệ thai lâm sàng (CPR), tỷ lệ sẩy thai, tỷ lệ đa thai, thai sinh hóa và tỷ lệ thai diễn tiến (OPR).
 
Bệnh nhân được siêu âm qua ngả âm đạo lần thứ nhất vào ngày 2 hoặc 3 chu kỳ kinh nguyệt để đảm bảo không có bất kỳ u nang buồng trứng hoặc thể vàng, lần thứ hai vào ngày thứ 8 để đánh giá sự xuất hiện của nang trội. Nồng độ LH huyết thanh và progesterone được đo hàng ngày để xác định ngày đạt đỉnh LH, FET được thực hiện 4 ngày sau khi LH tăng đối với phôi ngày thứ ba và sáu ngày sau giai đoạn phôi nang. Nhóm nghiên cứu tiêm 25 mg progesterone tiêm dưới da mỗi ngày ở những bệnh nhân có nồng độ progesterone huyết thanh <10 ng/mL vào ngày ET và ngừng sau ET 12 ngày nếu không có thai. Nghiên cứu đã sử dụng SPSS 26 để phân tích dữ liệu và trình bày kết quả dưới dạng trung bình ± SD hoặc dưới dạng số, phần trăm. Các kiểm định thống kê (χ2, Fisher, t-Student, U Mann-Whitney) đã được lựa chọn để so sánh các nhóm.
 
Kết quả: Khoảng một nửa số bệnh nhân (49,7%) có nồng độ progesterone đủ (≥10 ng/mL) với độ tuổi trung bình là 35,37 ± 4,72 vào ngày ET, số còn lại là những bệnh nhân có nồng độ progesterone huyết thanh <10 ng/mL với độ tuổi trung bình là 35,35 ± 5,3 tuổi vào ngày ET. Không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm nồng độ progesterone ≥10 ng/mL và <10 ng/mL về tỷ lệ thai lâm sàng (57,8% so với 52,7%), tỷ lệ thai diễn tiến (34,4% so với 29,7%), tỷ lệ đa thai (1,1% so với 2,2%) và tỷ lệ sẩy thai (7,8% so với 5,5%). Tuy nhiên, lại có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm nồng độ progesterone ≥10 ng/mL và progesterone <10 ng/mL về tỷ lệ thai sinh hoá (3,3% so với 12,1%, P=0,02) và tỷ lệ thai lâm sàng (54,4% so với 40,7%, P=0,03) vào ngày ET. Số lượng chuyển phôi ngày 3 cao hơn đáng kể phôi nang ở những bệnh nhân có nồng độ progesterone huyết thanh <10 ng/mL vào ngày ET (5,6% so với 18,7%; P = 0,01). Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về nồng độ progesterone trong huyết thanh giữa những bệnh nhân trải qua quá trình chuyển phôi đông lạnh rã đông vào ngày 3 và ngày 5 (lần lượt là 7,99 ± 6,86 so với 11,34 ± 5,23 ng/mL; P < 0,001 đối với giai đoạn phôi ngày ba và giai đoạn phôi nang).
 
Thảo luận: Nồng độ progesterone huyết thanh đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thai kỳ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nồng độ progesterone thấp, việc bổ sung progesterone thông qua hỗ trợ pha hoàng thể có thể giúp cải thiện tỷ lệ mang thai thành công. Điều này đặc biệt quan trọng trong các tNC-FET, Trong nghiên cứu này, chỉ có 49,7% bệnh nhân có nồng độ progesterone huyết thanh ngưỡng (≥10 ng/mL) vào ngày ET và 50,3% bệnh nhân có nồng độ progesterone (<10 ng/mL). Do đó, gần một nửa các chu kỳ NC-FET có thể đã được hỗ trợ nhờ LPS. Bên cạnh đó, số lượng phôi chuyển ngày 3 cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân có nồng độ progesterone huyết thanh <10 ng/mL vào ngày ET. Do đó, ngưỡng nồng độ progesterone huyết thanh vào ngày ET 10 ng/mL có thể không phù hợp để chuyển phôi ngày 3. Qua đó thấy được, không phải nồng độ, mà là thời gian tiếp xúc với P4 trước khi LH tăng đột biến có liên quan đến tỷ lệ mang thai thấp hơn. Phát hiện chính trong nghiên cứu chính là phác đồ hỗ trợ thông qua việc tiêm progesterone có hiệu quả và do đó không có sự khác biệt đáng kể nào giữa hai nhóm về OPR. Đồng thời, nghiên cứu còn chỉ ra rằng mặc dù tỷ lệ mang thai tương tự nhau, nhưng CPR lại kém hơn ở các chu kỳ có progesterone huyết thanh thấp đã được bổ sung progesterone SC vào ngày ET do tỷ lệ mang thai sinh hóa cao hơn. Do đó, việc bổ sung progesterone SC không thể duy trì hỗ trợ pha hoàng thể cần thiết khi bắt đầu vào ngày ET nếu chức năng thể vàng nội sinh không đầy đủ. Nghiên cứu còn tồn tại nhiều hạn chế như cỡ mẫu nhỏ, không có báo cáo LBR và nồng độ progesterone huyết thanh không được đo sau khi bắt đầu bổ sung progesterone. Tuy nhiên điểm mạnh của nghiên cứu là bổ sung progesterone SC dưới dạng LPS trong tNC-FET dựa trên nồng độ progesterone huyết thanh vào ngày ET. Cần có thêm các nghiên cứu để hiểu nồng độ progesterone tối ưu, hiệu quả của việc bổ sung và lợi ích tiềm năng của việc bổ sung sớm hơn trong các ca FET.
 
Nguồn:
Demirel, C., Özcan, P., Tülek, F., Timur, H. T., & Pasin, Ö. (2023). Initiating luteal phase support with sc progesterone based on low serum progesterone on the transfer day in true natural cycle frozen embryo transfers. Frontiers in Endocrinology, 14, 1278042.
Gaggiotti-Marre, S., Álvarez, M., González-Foruria, I., Parriego, M., Garcia, S., Martínez, F., ... & Coroleu, B. (2020). Low progesterone levels on the day before natural cycle frozen embryo transfer are negatively associated with live birth rates. Human Reproduction, 35(7), 1623-1629.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK