Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 20-11-2024 6:28am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Cẩm Nhung – IVFMD Tân Bình

Giới thiệu
Lệch bội là một nguyên nhân chính gây thất bại làm tổ và sẩy thai trong hỗ trợ sinh sản (ART). Mặc dù nguy cơ lệch bội tăng đáng kể ở phụ nữ lớn tuổi, tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể ở phôi cũng không hề thấp ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ phôi nguyên bội trong các chu kỳ cho-xin noãn có sự khác biệt đáng kể giữa các trung tâm. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng yếu tố tuổi mẹ cùng với các yếu tố gây ra do điều trị (iatrogenic) liên quan đến quy trình ART, đặc biệt là các phác đồ kích thích buồng trứng có kiểm soát (COS), vốn có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện của các bất thường nhiễm sắc thể ở phôi.
COS đóng vai trò then chốt trong ART, giúp tạo ra số lượng noãn và phôi đủ để tăng cơ hội thành công. Hiện nay, ba phác đồ COS phổ biến nhất gồm: GnRH-agonist (GnRH-a), GnRH-antagonist (GnRH-ant), và phác đồ PPOS. Nhiều nghiên cứu đã so sánh hiệu quả của các phác đồ này trong việc tạo ra tỷ lệ phôi nang nguyên bội cao hơn, nhưng kết quả vẫn chưa thống nhất. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phác đồ GnRH-a liều dài trong giai đoạn nang noãn sớm (EFLL) có tỷ lệ phôi nguyên bội cao hơn so với phác đồ GnRH-a liều ngắn trong giai đoạn hoàng thể giữa (MLSL). Trong khi đó, các nghiên cứu khác không tìm thấy sự khác biệt giữa PPOS và GnRH-ant, nhưng một số lại chỉ ra rằng phác đồ GnRH-ant có liên quan đến tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể cao hơn so với GnRH-a.

Nhận thấy sự thiếu hụt dữ liệu so sánh toàn diện về hiệu quả của các phác đồ COS (GnRH-a, GnRH-ant và PPOS) đối với tỷ lệ phôi nguyên bội trong các chu kỳ PGT-A, nhóm tác giả đã thực hiện một nghiên cứu hồi cứu đa trung tâm nhằm đánh giá mối quan hệ giữa phác đồ COS và tỷ lệ phôi nang nguyên bội.
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là nghiên cứu hồi cứu tlấy dữ liệu từ ba trung tâm hỗ trợ sinh sản. Nghiên cứu bao gồm các chu kỳ PGT-A sử dụng các phác đồ GnRH-a, GnRH-ant hoặc PPOS, và dữ liệu về nhân khẩu học, phác đồ điều trị, cùng kết quả phôi được thu thập từ các chu kỳ PGT-A thực hiện trong giai đoạn từ tháng 1 năm 2019 đến tháng 8 năm 2022.
 
Kết quả
Nghiên cứu này bao gồm 457 chu kỳ PGT-A từ ba trung hỗ trợ sinh sản, với 152, 126 và 179 chu kỳ được thực hiện lần lượt bằng các phác đồ PPOS, GnRH-a và GnRH-ant. Các đặc điểm cơ bản của ba nhóm không có sự khác biệt đáng kể về BMI của phụ nữ, loại vô sinh và thời gian vô sinh giữa các nhóm phác đồ PPOS, GnRH-a và GnRH-ant.
Nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan đáng kể nào giữa liều lượng Gonadotropin (Gn) sử dụng, thời gian dùng Gn và tỷ lệ phôi nang nguyên bội. Tuy nhiên, số lượng phôi nang nguyên bội trung bình trong phác đồ PPOS thấp hơn đáng kể so với các phác đồ GnRH-a và GnRH-ant (0,75 ± 0,92 so với 1,79 ± 1,78 và 1,80 ± 1,67).
Tỷ lệ phôi nang nguyên bội tính trên số phôi nang được sinh thiết (48,4% so với 49,1% so với 33,1%), trên số noãn thu được (15,0% so với 14,7% so với 10,5%), và trên số noãn trưởng thành MII (17,7% so với 16,4% so với 11,7%) đều cao hơn đáng kể trong các chu kỳ sử dụng phác đồ GnRH-ant và GnRH-a so với nhóm phác đồ PPOS.
Phân tích hồi quy cho thấy, so với phác đồ PPOS, phác đồ GnRH-ant có mối liên quan tích cực với tỷ lệ phôi nang nguyên bội và số lượng phôi nang nguyên bội trung bình, trong khi phác đồ GnRH-a không cho thấy mối liên hệ tương tự.
 
Thảo luận
Kết quả nghiên cứu này cho thấy phác đồ GnRH-ant là lựa chọn hiệu quả nhất cho các chu kỳ PGT-A. Đây là nghiên cứu đầu tiên thực hiện phân tích và so sánh tỷ lệ phôi nang nguyên bội giữa ba phác đồ kích thích buồng trứng (COS) phổ biến. Nghiên cứu phát hiện rằng các chu kỳ áp dụng phác đồ PPOS có số lượng và tỷ lệ phôi nang nguyên bội thấp hơn đáng kể so với các chu kỳ sử dụng phác đồ GnRH-a và GnRH-ant.

Phác đồ PPOS, với việc sử dụng progestin đường uống, mang lại lợi ích về chi phí so với các chất tương tự GnRH. Tuy nhiên, phác đồ này lại cho thấy tỷ lệ phôi nang nguyên bội thấp hơn, dù tính theo số phôi nang được sinh thiết hay số noãn thu được. Tuy nhiên, phác đồ PPOS có tỷ lệ MII cao hơn so với phác đồ GnRH-ant và tỷ lệ thụ tinh tương đương với cả hai phác đồ GnRH-a và GnRH-ant. Tương tự nghiên cứu này, một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) trên các chu kỳ xin-cho noãn đã cho thấy nhóm sử dụng phác đồ PPOS có tỷ lệ mang thai sinh hóa, tỷ lệ mang thai lâm sàng, và tỷ lệ sinh sống thấp hơn so với nhóm áp dụng phác đồ GnRH-ant, mặc dù cả hai nhóm đạt được số lượng noãn trưởng thành tương đương trong các chu kỳ xin-cho noãn.

Ngược lại, nghiên cứu của Marca và cộng sự (2019) ghi nhận rằng số lượng phôi nang, số lượng phôi nang nguyên bội trên mỗi bệnh nhân, cũng như số lượng phôi nguyên bội trên mỗi noãn đều tương đương giữa hai phác đồ PPOS và GnRH-ant. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy tỷ lệ nguyên bội tính trên mỗi phôi sinh thiết là tương đương ở các bệnh nhân sử dụng phác đồ PPOS hoặc GnRH-ant. Dù phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng mức progesterone cao vào ngày trigger không ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ nguyên bội và kết quả chuyển phôi đông lạnh (FET), một số báo cáo khác lại cho rằng mức progesterone cao có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của phôi. Thêm vào đó, thời gian hình thành phôi nang cũng được cho là yếu tố liên quan đến tỷ lệ phôi nguyên bội.

Các phác đồ GnRH-a và GnRH-ant là những phác đồ phù hợp cho việc điều trị kích thích buồng trứng có kiểm soát (COS). Tuy nhiên, các báo cáo hiện tại so sánh kết quả lâm sàng của hai phác đồ này dựa trên các phân tích gộp và đánh giá hệ thống trước đó lại không đồng nhất. Kết quả lâm sàng chủ yếu tập trung vào tỷ lệ mang thai lâm sàng, mang thai tiếp diễn, tỷ lệ trẻ sinh sống và dị tật bẩm sinh. So với phác đồ GnRH-a, phác đồ GnRH-ant có thời gian COS ngắn hơn và liều lượng Gn thấp hơn, mang lại lợi ích lớn hơn về thời gian và kinh tế.

Mục tiêu của COS là thu hút nhiều nang trứng nhằm tăng cơ hội thu được phôi nguyên bội để dẫn đến thai kỳ khỏe mạnh, tuy nhiên kích thích Gn liều cao có thể gây độc cho phôi và/hoặc làm tăng tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể bằng cách tăng cường sự phân ly bất thường của nhiễm sắc thể trong quá trình giảm phân. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng thời gian điều trị kích thích buồng trứng có liên quan đến tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể.

Tuy nhiên, nghiên cứu này không tìm thấy mối liên quan đáng kể nào giữa liều lượng Gn, thời gian sử dụng Gn và tỷ lệ phôi nang nguyên bội. Tương tự, một nghiên cứu hồi cứu trên 2230 chu kỳ IVF/PGT-A cho thấy liều Gn, thời gian kích thích buồng trứng, mức E2, kích thước nang trứng vào ngày kích rụng trứng, và số noãn thu được không ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ bội tính. Đây là nghiên cứu đầu tiên khảo sát mối liên hệ giữa ba phác đồ COS phổ biến và tỷ lệ phôi nang nguyên bội.
 
Kết luận
Phác đồ GnRH-ant được đánh giá là hiệu quả nhất cho các chu kỳ PGT-A. Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các chiến lược điều trị cá nhân hóa, dựa trên đặc điểm nhân khẩu học của từng bệnh nhân, đồng thời tối ưu hóa các phác đồ kích thích buồng trứng (COS) nhằm gia tăng cơ hội thành công trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART).
 
Nguồn: Huang, B., Li, H., Xu, B., Li, N., Wang, X., Li, Y., & Zhao, J. (2023). Correlation between controlled ovarian stimulation protocols and euploid blastocyst rate in pre-implantation genetic testing for aneuploidy cycles. Reproductive Biology and Endocrinology, 21(1), 118.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK