Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 08-11-2024 6:01am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trần Thị Hoa Phượng – IVF Tâm Anh
 
Bối cảnh: Ngày càng nhiều bé gái và phụ nữ trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trên toàn thế giới, chỉ tính riêng năm 2020, trên toàn thế giới có khoảng 0,9 triệu ca ung thư mới được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi từ 0 đến 39. Thật không may các liệu pháp ngăn ngừa và điều trị ung thư đều tác động xấu đến tuyến sinh dục, hậu quả để lại rủi ro đáng kể đến triển vọng sinh sản của bé gái và phụ nữ trẻ. Vì vậy, trong hai thập kỷ qua, một phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản mới đã được phát triển là bảo quản lạnh mô vỏ buồng trứng với ưu điểm phù hợp với các bé gái trước tuổi dậy thì. Mô vỏ buồng trứng, chứa hàng nghìn nang nguyên thủy ở các bé gái và phụ nữ trẻ, sau đó được cắt thành từng dải, khử nước trong chất bảo vệ đông lạnh và đông lạnh bằng thuỷ tinh hoá hoặc đông lạnh chậm. Mô buồng trứng có thể rã đông và cấy ghép trở lại để phục hồi chức năng sinh sản và chức năng nội tiết ngay khi bệnh nhân khoẻ mạnh sau liệu trình điều trị. Mặc dù bảo quản lạnh và cấy ghép mô buồng trứng đã có từ hai thập kỷ nay, nhưng vẫn có sự khác biệt đáng kể trong việc thực hiện quy trình này trên toàn thế giới và dữ liệu còn hạn chế. Vậy nên mục tiêu của bài đánh giá này là tổng hợp, cập nhật các dữ liệu hiện có về việc sử dụng cấy ghép mô buồng trứng tươi và đông lạnh (Khattak và cộng sự, 2022).
 
Phương pháp: Bài tổng hợp bao gồm các nghiên cứu đoàn hệ, nghiên cứu quan sát tổng hợp, báo cáo ca bệnh, báo cáo trường hợp, bản tóm tắt hội nghị và các tài liệu không công bố. Các dữ liệu được tổng hợp bao gồm kết quả về chức năng sinh sản buồng trứng như tỷ lệ mang thai, trẻ sinh sống và sẩy thai; cùng với các chức năng nội tiết như nồng độ estrogen, progesterone, FSH, LH và AMH. Sự phục hồi về chức năng nội tiết tố được xác định bằng sự gia tăng estrogen và giảm FSH, LH cùng với sự xuất hiện của kinh nguyệt. Hoạt động nội tiết trở lại bình thường sau khi ghép: FSH <25 IU/l, LH <15 IU/l và estrogen >200 pmol/l. Các yếu tố như độ tuổi khi đông lạnh và cấy ghép trước khi hoá trị, số lượng và vị trí mô buồng trứng được cấy ghép cũng ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi chức năng nội tiết và sinh sản.
 
Kết quả: Đánh giá bao gồm 87 nghiên cứu (735 phụ nữ). 20 nghiên cứu báo cáo, ≥5 trường hợp cấy ghép buồng trứng và được đưa vào phân tích tổng hợp (568 phụ nữ).
 
Kết quả chức năng sinh sản: Tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ trẻ sinh sống và sẩy thai ở nhóm sau khi cấy ghép mô buồng trứng đông lạnh, lần lượt là 37% (KTC 95%: 32-43%), 28% (KTC 95%: 24-34%), 37% (KTC 95%: 30-46%) so với ghép mô buồng trứng tươi là 52% (KTC 95%: 28–96), 45% (KTC 95%: 23–86%), 33% (KTC 95%: 13–89%).
 
Kết quả chức năng nội tiết: giá trị trung bình gộp của estrogen trước khi ghép là 101,6 pmol/l (KTC 95%: 47,9-155,3), tăng lên sau khi ghép là 522,4 pmol/l (KTC 95%: 315,4-729; khác biệt trung bình là 228,24; KTC 95%: 180,5-276). Nồng độ estrogen tăng >200 pmol/l được ghi nhận ở 117 phụ nữ (75%) sau ghép với thời gian trung bình là 19,5 tuần (khoảng tứ phân vị: 14–24 tuần; khoảng biến thiên: 5–208 tuần). Giá trị trung bình gộp của FSH trước khi ghép là 66,4 IU/l (KTC 95%: 52,8-84), giảm xuống sau khi ghép là 14,1 IU/l (KTC 95%: 10,9-17,3; MD: 61,8; 95% CI: 57-66,6) với thời gian trung bình để FSH trở lại giá trị <25 IU/l (135/187 phụ nữ chiếm 72%) là 19 tuần (khoảng tứ phân vị: 15-26 tuần; khoảng biến thiên: 0,4-208 tuần). Giá trị trung bình gộp của LH trước khi ghép là 41,5 IU/l (95% CI: 32,5–50,5), giảm xuống sau khi ghép là 19 IU/l (KTC 95%: 5,8–32,2; khác biệt trung bình là 23,4; KTC 95%:15,6–31,1) với thời gian trung bình để FSH trở lại giá trị <15 IU/l (46/69 phụ nữ chiếm 67%) là 19,5 tuần (khoảng tứ phân vị: 14–27 tuần; khoảng biến thiên: 8–156 tuần). Về nồng độ AMH, nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả ở những phụ nữ có AMH < 1 ng/ml trước khi ghép, vẫn có 19 trường hợp mang thai ở 71 bệnh nhân (với tỷ lệ thai lâm sàng = 27%). Thời gian trung bình để có kinh nguyệt sau điều trị là 18 tuần (khoảng tứ phân vị:  14–22 tuần; khoảng biến thiên: 3–48 tuần). Thời gian hoạt động trung bình của buồng trứng đông lạnh sau ghép là 2,5 năm (khoảng tứ phân vị: 1,4-3,4 năm; khoảng biến thiên: 0,7-5 năm).
 
Bàn luận: Bài phân tích tổng hợp này bao gồm dữ liệu từ 568 phụ nữ cho thấy chức năng sinh sản và nội tiết của buồng trứng có thể được phục hồi bằng cách sử dụng ghép buồng trứng tươi hoặc đông lạnh-rã đông. Kết quả gộp cho thấy FSH và LH giảm đáng kể và estrogen tăng sau khi ghép buồng trứng. Thời gian trung bình để FSH trở lại giá trị <25 IU/l là 19 tuần, LH trở lại giá trị <15 IU/l là 19,5 tuần và kinh nguyệt là 18 tuần. Tổng cộng có 189 trẻ sinh sống được báo cáo trong bài tổng quan. Hai nghiên cứu theo dõi gần đây bao gồm 67 người tham gia đã báo cáo tỷ lệ mang thai >50% và tỷ lệ sinh sống hơn 40% (Hoekman và cộng sự, 2020Shapira và cộng sự, 2020). Tỷ lệ mang thai được ghi nhận là cao hơn ở những người tham gia có mô buồng trứng được bảo quản đông lạnh ở độ tuổi ≤35. Hơn nữa, tỷ lệ mang thai cao hơn cũng được ghi nhận ở các trường hợp sử dụng phương pháp thuỷ tinh hoá, tỷ lệ và hình thái mô cũng được bảo toàn hơn so với đông lạnh chậm. Đây là nghiên cứu tổng hợp lớn nhất về kết quả ghép mô buồng trứng cho đến hiện tại, với điểm mạnh là nguồn dữ liệu đa dạng, khách quan. Tuy nhiên, bài tổng hợp còn tồn tại một vài hạn chế như thời điểm xét nghiệm nội tiết tố chưa thống nhất, dẫn đến việc khó đánh giá chính xác tình trạng tiền mãn kinh trước cấy ghép, khó xác định thời điểm mang thai. Cần có thêm các nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn của các quần thể được mô tả rõ để xác định các quy trình thu nhận, bảo quản lạnh và cấy ghép mô buồng trứng tối ưu. Mặc dù đông lạnh mô buồng trứng được phát triển như một lựa chọn thay thế để bảo tồn khả năng sinh sản, nhưng nó cũng có thể được cân nhắc để bảo tồn chức năng nội tiết.
 
Nguồn tài liệu:
  1. Khattak, H., Malhas, R., Craciunas, L., Afifi, Y., Amorim, C. A., Fishel, S., ... & Coomarasamy, A. (2022). Fresh and cryopreserved ovarian tissue transplantation for preserving reproductive and endocrine function: a systematic review and individual patient data meta-analysis. Human reproduction update28(3), 400-416.
  2. Hoekman, E. J., Louwe, L. A., Rooijers, M., van der Westerlaken, L. A., Klijn, N. F., Pilgram, G. S., ... & Hilders, C. G. (2020). Ovarian tissue cryopreservation: Low usage rates and high live‐birth rate after transplantation. Acta obstetricia et gynecologica Scandinavica99(2), 213-221.
  3. Shapira, M., Dolmans, M. M., Silber, S., & Meirow, D. (2020). Evaluation of ovarian tissue transplantation: results from three clinical centers. Fertility and sterility114(2), 388-397.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK