Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 06-11-2024 6:25am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trương Trần Minh Anh – IVF Tâm Anh
 
Tổng quan
Lạc nội mạc tử cung buồng trứng (ovarian endometriomas - OMA) là u nang chứa mô nội mạc tử cung lạc chỗ và cũng là một dạng của lạc nội mạc tử cung, ảnh hưởng 17-44% bệnh nhân. Thành phần gây viêm độc hại trong u nang có thể gây ra xơ hóa, biến dạng cấu trúc và suy thoái mạch máu ở vỏ buồng trứng, dẫn đến mất các nang nguyên thủy, giảm số lượng nang noãn, kích hoạt sớm quá trình chiêu mộ nang noãn và giảm dự trữ buồng trứng. Sắt tự do từ OMA khuếch tán ra khỏi u nang có thể làm thoái hóa tế bào noãn. Mặc dù một số nghiên cứu chỉ ra rằng tổn thương này không ảnh hưởng đáng kể về mặt lâm sàng và sự hiện diện của OMA tự thân không gây vô sinh, nhưng vẫn có báo cáo về việc số lượng noãn thu được sau khi kích thích buồng trứng ở những bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung thấp hơn so với nhóm không bị ảnh hưởng. Tác động của OMA đối với chất lượng noãn và kết quả sinh sản đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Mục tiêu của bài tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp này là thực hiện đánh giá tác động của OMA lên các dấu hiệu gián tiếp về chất lượng noãn ở những bệnh nhân đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (IVF/ICSI) so với những phụ nữ không có bất thường về giải phẫu hoặc chức năng buồng trứng.
 
Vật liệu và phương pháp
Nghiên cứu bao gồm các thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên, các nghiên cứu ca đối chứng và các nghiên cứu theo dõi được công bố trên MEDLINE, Cơ quan đăng ký thử nghiệm có đối chứng Cochrane và cơ sở dữ liệu ClinicalTrials.gov cho đến tháng 10 năm 2023.
 
Kết quả
Ba mươi mốt nghiên cứu (n=2.809 phụ nữ trong nhóm mắc OMA thực hiện IVF/ICSI và n=10.186 phụ nữ trong nhóm đối chứng) đã được đưa vào phân tích tổng hợp, cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào về tỉ lệ thụ tinh (OR 1,10, 95% KTC 0,94-1,30), tỉ lệ hình thành phôi nang (OR 0,86, 95% KTC 0,64-1,14) và tỉ lệ hủy bỏ chu kỳ (OR 1,06, 95% KTC 0,78-1,44). Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc OMA có tổng số lượng noãn chọc hút và trưởng thành (MII) thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (chênh lệch trung bình -1,59, 95% KTC -2,25 đến -0,94; chênh lệch trung bình -1,86, 95% KTC -2,46 đến -1,26, tương ứng), kết quả cũng tương tự đối với số lượng phôi chất lượng tốt (chênh lệch trung bình -0,49, 95% KTC -0,92 đến -0,06). Chỉ số độ nhạy buồng trứng là tương tự nhau giữa các nhóm (chênh lệch trung bình -1,55, 95% KTC -3,27 đến 0,18).
 
Bàn luận
Nghiên cứu này cho thấy tổng số lượng noãn và noãn trưởng thành thu nhận được giảm đáng kể ở nhóm bệnh nhân OMA. Có nhiều tranh cãi về việc sự giảm này là do OMA hay là do bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật buồng trứng trước đó, việc này có khả năng sẽ ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng và đáp ứng đối với quá trình kích thích buồng trứng. Một nghiên cứu quan sát cắt ngang đã báo cáo rằng OMA không liên quan đến việc tăng nguy cơ vô sinh, trong khi việc phẫu thuật để điều trị lạc nội mạc tử cung có liên quan nguy cơ này. Kết quả tỉ lệ thụ tinh ở nhóm OMA tương đương so với nhóm đối chứng vì trong 31 bài báo chỉ có 5 bài phân tích kết quả chu kỳ IVF cổ điển, trong khi đó các bài nghiên cứu trước đây đã ghi nhận tỉ lệ thụ tinh thấp hơn ở bệnh nhân lạc nội mạc tử cung khi thực hiên IVF cổ điển so với ICSI. Kết quả các nghiên cứu này ủng hộ giả thuyết rằng màng trong suốt của noãn dày hơn ở những bệnh nhân OMA, vì vậy thực hiện ICSI có thể cải thiện đáng kể tỉ lệ thụ tinh so với IVF cổ điển. Đối với kết quả phát triển phôi không có sự khác biệt đáng kể so với nhóm đối chứng cho thấy OMA không ảnh hưởng đến chất lượng noãn. Một số nghiên cứu cho rằng phẫu thuật điều trị OMA có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của phôi nang nhưng không có ảnh hưởng đáng kể đối với phôi giai đoạn phân chia. Bên cạnh đó, nghiên cứu ghi nhận bệnh nhân OMA có xu hướng sử dụng liều gonadotrophin cao hơn trong kích thích buồng trứng nhưng tổng số noãn thu được thấp hơn. Tóm lại, sự hiện diện của OMA có thể làm giảm số lượng noãn thu được nhưng dường như không ảnh hưởng đến chất lượng noãn khi thực hiện IVF/ICSI. Tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ tác động của OMA lên nang noãn và tỉ lệ nguyên bội, giúp xây dựng chiến lược điều trị hiệu quả cho bệnh nhân OMA.
 
Nguồn: GAYETE-LAFUENTE, Sonia, et al. Indirect markers of oocyte quality in patients with ovarian endometriosis undergoing IVF/ICSI: a systematic review and meta-analysis. Reproductive BioMediKTCne Online, 2024, 104075.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK