Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 01-11-2024 10:03am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
DS. Nguyễn Thảo Nhi – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

1.      Tổng quan
Tỷ lệ giới tính khi sinh thường được định nghĩa bằng số lượng nam trên tổng số em bé. Tỷ lệ đó có thể thay đổi để thích nghi với điều kiện môi trường, đáp ứng với sức khỏe người mẹ và cũng được quan sát ở những cặp đôi trải qua các phương pháp hỗ trợ sinh sản (ART). Có một số bằng chứng cho thấy rằng việc chuyển phôi đơn lẻ làm tăng tỷ lệ nam giới, được báo cáo sau khi chuyển đến giai đoạn phôi nang ở thụ tinh nhân tạo (IVF). Mặt khác, lại có sự tăng lên rõ rệt tỷ lệ nữ khi sử dụng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) cho nam giới vô sinh. Ở người, giới tính được quyết định vào thời điểm thụ tinh, trong khi thực sự chưa rõ vì sao chuyển phôi nang đơn lẻ ở ART lại thúc đẩy sự mất cân bằng tỷ lệ này, điều này gợi ý đến việc thực hiện các nghiên cứu sâu hơn.

Sự chọn lọc phôi nang để chuyển chủ yêú dựa vào các tiêu chí hình thái và tốc độ phát triển. Phân loại phôi nang thường diễn ra vào ngày thứ 5 nuôi cấy với 3 thông số: số lượng tế bào của khối nội phôi bào (ICM) (mức A-C) và ngoại bì lá nuôi (TE) (mức A-C) cùng mức độ nở rộng khoang phôi (mức 1-6). Ebner và cộng sự (2016) báo cáo rằng phôi nang đực có gấp 2,53 lần cơ hội cao hơn đạt mức A TE so với phôi cái. Ở cỡ mẫu lớn hơn gồm 7246 phụ nữ trải qua chuyển phôi nang tươi hay đông lạnh cho thấy điểm TE và các giai đoạn phát triển sẽ ảnh hưởng đến khả năng đứa bé sinh ra là nam. Và với nghiên cứu hồi cứu sau với 6361 chu kỳ chuyển phôi nang đông lạnh – rã đông đơn lẻ từ hai trung tâm sinh sản lớn ở Thượng Hải và Vũ Hán sẽ có ích cho những tìm hiểu về sự phân bố giới tính theo hình thái phôi nang trong ART.

2.      Phương pháp
2.1.           Vật liệu
Nghiên cứu thu thập 3304 phôi nang đông lạnh ở Thượng Hải  (Tháng 1/2007 – tháng 5/2020) và 3057 phôi từ Vũ Hán (Tháng 1/2019 – tháng 12/2020). Các phác đồ kích thích buồng trứng được áp dụng cho 6161 bệnh nhân: phác đồ dài và ngắn chủ vận hormon giải phóng gonadotropin (GnRH), kích thích buồng trứng sử dụng progestin (PPOS), đối kháng GnRH (GnRH-A) và kích thích vi mô. Chu kỳ với sự thụ tinh IVF hoặc ICSI được tiếp nối bởi chuyển phôi đông lạnh – rã đông (FET) đơn lẻ sẽ tạo nên thai đơn.

2.2.           Quy trình
Noãn được lấy ra sau khoảng 36 giờ sau khi tiêm Human Chorionic Gonadotropin (HCG). Tất cả đều được thụ tinh bằng IVF hoặc ICSI, quá trình được đánh giá dựa vào sự xuất hiện tiền nhân sau 16-18 giờ. Một hoặc 2 phôi phân cắt có chất lượng tốt nhất cho chu kỳ tươi được chọn để chuyển hoặc bảo quản đông lạnh 5 đến 6 phôi phân cắt tốt nhất. Phôi dư sẽ tiếp tục được nuôi cấy và trong nghiên cứu này chỉ phân tích FET với dung dịch bảo quản lạnh gồm 15% dimethyl sulfoxid, 15% ethylen glycol và 0,5 M sucrose.

Vào ngày thứ 5, 6, 7 của quá trình nuôi cấy, phôi nang được đánh giá về hình thái theo phân loại của Gardner và Schoolcraft, thường vào khoảng 8 đến 10 giờ sáng. Trong nghiên cứu, các phôi nang được chia thành 3 nhóm theo thứ tự mức độ nở rộng, ICM, TE: “tốt” (3-6AA, 3-6AB, 3-6BA); “trung bình” (3-6BB, 3-6AC, 3-6CA) và “kém” (3-6BC, 3-6CB, 3-6CC). Tất cả các phôi (embryos) sau đó được nuôi cấy ở 37℃, 5% O2 và 6% CO2.

2.3.           Phân tích thống kê
Tiêu chí tuyển chọn cho các nhóm phôi nang “tốt – trung bình – kém” được ghép cặp theo tuổi mẹ và bố, BMI mẹ, thời gian vô sinh, FSH cơ bản, LH cơ bản, loại vô sinh, nguyên nhân (bố, mẹ, kết hợp hay vô căn), phương pháp thụ tinh, ngày chuyển phôi (có ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ giới tính).

3.      Kết quả
3.1.           Kết quả thống kê
Trong tổng số 6361 đứa bé sinh ra từ 1354 phôi “tốt”, 3592 phôi “trung bình” và 1415 phôi “kém”. Không có ảnh hưởng đáng kể của loại vô sinh, vô sinh ở nam giới ở 3 nhóm, đồng thời tương tự với tuổi cha mẹ và thời gian vô sinh giữa nhóm “tốt” và “trung bình”. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa tuổi cha mẹ và BMI mẹ giữa nhóm “tốt” và “kém” cùng nhóm “trung bình” và “kém”. Ngoài ra, 3 nhóm phôi nang trên được thống kê cao hơn ở nhóm IVF so với sử dụng ICSI, ngày chuyển phôi cũng đóng vai trò quan trọng. Những sự khác biệt này có thể tác động lên tỷ lệ giới tính, do đó, nghiên cứu đã thực hiện phép so sánh điểm xu hướng để kiểm soát yếu tố gây nhiễu. Cuối cùng, có 791 phôi “tốt”, 791 phôi “trung bình” và 791 phôi “kém” có những đặc điểm khá giống nhau được chọn.

Sau khi ghép cặp, nhận thấy rằng tỷ lệ giới tính (tức là số bé trai) cao hơn đáng kể ở nhóm IVF so với ICSI. Ngoài ra, cân nặng giữa 2 nhóm này không có sự khác biệt đáng kể cho thấy tính đại diện của các dữ liệu sau khi ghép cặp.

3.2.           Mối liên hệ giữa hình thái phôi nang và tỷ lệ giới tính
Chuyển phôi nang chất lượng “tốt” có tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với nhóm “kém”. Không có sự khác biệt rõ ràng giữa các điểm ICM đến tỷ lệ giới tính. Tuy nhiên, nhóm điểm A TE cho tỷ lệ cao hơn với 61,68% so với điểm C là thấp nhất ở 49,35%. Thêm nữa, nhóm có điểm nở rộng 6 cao hơn đến 29,53% so với nhóm 4 và 3, nhưng nhóm điểm 5 khá bất ngờ lại có sự giảm đi. Cuối cùng, ngày chuyển phôi không có sự khác biệt đáng kể lên tỷ lệ bé trai.

3.3.           Tác động của phương pháp thụ tinh lên tỷ lệ giới tính
Nghiên cứu này chỉ ra tỷ lệ giới tính cao hơn khá nhiều ở nhóm IVF so với nhóm ICSI. Ở cả 2 nhóm này, chất lượng phôi nang ảnh hưởng thuận. Điều thú vị là phôi nang có điểm nở rộng là 6 ở nhóm IVF có tỷ lệ này cao hơn, trong khi ở nhóm ICSI, mặc dù phôi nang có điểm 6 có tỷ lệ giới tính cao hơn so với các điểm còn lại thì không có sự khác biệt đáng kể nào giữa 3 nhóm này. Khi so sánh ở phân nhóm, chuyển phôi nang ở ngày 6 có tỷ lệ sinh con trai cao hơn ở cả IVF cà ICSI.

3.4.           Tương tác của phương pháp thụ tinh và hình thái phôi nang trên tỷ lệ giới tính
Để khám phá sâu hơn sự tương tác giữa kiểu thụ tinh và hình thái phôi nang trên sự phân bố giới tính, các phân tích cho thấy các nhóm phôi nang “tốt” và “kém” thụ tinh IVF cho kết quả về tỷ lệ giới tính cao hơn so với nhóm ICSI. Thêm nữa, có sự tăng lên đáng kể tỷ lệ này của nhóm IVF ở cả phôi nang đạt điểm ICM là A và B, cũng so sánh với nhóm ICSI. Đối với điểm TE, nhóm điểm B và C từ IVF cũng cao hơn so với sử dụng ICSI. Ngoài ra, tỷ lệ giới tính cao hơn được quan sát ở phôi nang từ IVF với điểm nở rộng 3, 4 khi so với nhóm ICSI và cao hơn 6,95% ở ngày thứ 5 chuyển phôi nang.

4.      Bàn luận
Qua nghiên cứu này, chúng ta nhận thấy rằng chất lượng phôi nang, điểm TE và độ nở rộng có liên quan đến cả hai nhóm IVF và ICSI trong khi không có mối liên hệ cụ thể nào giữa điểm ICM và tỷ lệ giới tính. Mặc dù có chiều hướng liên quan giữa việc chuyển phôi và tỷ lệ giới tính, một số kết quả lại mâu thuẫn. Ví dụ, dữ liệu cho thấy rằng việc chuyển phôi nang cho tỷ lệ bé trai cao hơn 9,8%, trong khi được báo cáo rằng phôi nữ hoạt động trao đổi chất nhiều nên dễ bị stress oxy hóa hơn, điều này làm nó có thể bị chậm phát triển hơn. Mặc dù chuyển hóa glucose cao cũng được quan sát ở phôi đực, những phôi này vẫn có thể phát triển khỏe mạnh hơn. Từ đó có lẽ có nhiều phôi nang đực đã được chọn cho việc chuyển phôi, dẫn đến sự chênh lệch giới tính này.

Dựa trên hình thái, phôi nang đủ tiêu chuẩn được chọn lựa để thực hiện chuyển phôi. Để đạt hiệu quả thai kỳ cao, những phôi nang nào có sự nở rộng tuyệt đối và tiềm năng tốt thể hiện ở điểm số TE và ICM cao được ưu tiên hơn, chính điều đó đã góp phần tạo ra tỷ lệ bé trai nhiều hơn ở nghiên cứu này. Borgstrom và cộng sự (2021) đã thiết kế một nghiên cứu theo dõi 4842 đứa bé sinh ra từ FET hoặc chuyển phôi tươi, ông nhận thấy rằng nếu điểm TE là A thì sẽ làm cơ hội sinh con tăng tới 31% là nam so với điểm B. Tương tự, phôi nang đạt điểm nở rộng là 6 cho tỷ lệ giới tính cao nhất, lặp lại khi so sánh nhóm IVF và ICSI hay chỉ xét đến phương diện IVF.

Tóm lại, nghiên cứu này đã mở rộng thêm tầm hiểu biết về mối quan hệ này: việc chuyển phôi nang chất lượng hơn dẫn đến tỷ lệ giới tính cao hơn. Khi so sánh với phương pháp IVF, tất cả thông số hình thái đều làm thiên về giới nữ ở nhóm ICSI, cho thấy sự tương tác giữa cách thụ tinh và hình thái phôi nang lên sự phân bố giới tính. Các nhà phôi học cần nhận ra ảnh hưởng này để đảm bảo sự cân bằng giới tính cho thế hệ sau mà không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ mang thai.



Tài liệu tham khảo
    Wang T, Zhu L, Yin M, et al. Sex ratio shift after frozen single blastocyst transfer in relation to blastocyst morphology parameters. Sci Rep. 2024;14(1):9539. doi:10.1038/s41598-024-59939-y
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK