Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 27-10-2024 1:33pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Lê Thị Vân – IVF Vạn Hạnh

Giới thiệu
Trong quy trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), việc xác định xem noãn có được thụ tinh bình thường hay không phụ thuộc vào sự xuất hiện của hai tiền nhân (2PN) – đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quá trình thụ tinh đã diễn ra. Thông thường, hai tiền nhân này có kích thước gần như đồng nhất và xuất hiện vào khoảng thời gian từ 16 - 18 giờ sau khi thực hiện tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). Đối với những phôi mà không có 2PN, khả năng cao là chúng sẽ bị loại bỏ do nguy cơ cao xảy ra tình trạng phôi lệch bội, gây ra những rối loạn di truyền nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào số lượng tiền nhân để đánh giá sự phát triển của phôi không phải là công cụ chính xác và hiệu quả trong mọi trường hợp. Thực tế cho thấy, không có đủ bằng chứng di truyền chắc chắn cho thấy rằng mọi noãn thụ tinh bất thường (abnormally fertilized oocytes – AFO) đều có nhiễm sắc thể bất thường. Một dạng hợp tử có 2.1PN, trong đó có hai tiền nhân có kích thước bình thường nhưng kèm theo một tiền nhân nhỏ hơn (khoảng hai phần ba kích thước của một tiền nhân bình thường), đã được phân loại là AFO và bị loại bỏ. Điều này ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân  lớn tuổi, vì họ có xu hướng gặp phải nhiều hợp tử 2.1PN hơn trong quá trình điều trị. Việc cứu cánh cho những phôi có nguồn gốc từ 2.1PN có thể mang lại cơ hội cho những bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt khi họ không còn phôi bình thường khả thi hoặc khi dự trữ buồng trứng đang dần suy giảm. Mặc dù một tiền nhân nhỏ hơn có thể không gây ra bất thường về nhiễm sắc thể cho phôi, nhưng câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ và cần được nghiên cứu thêm để có được những hiểu biết chính xác hơn.
 
Để làm sáng tỏ các vấn đề trên, nghiên cứu này tập trung vào việc phân tích sự hình thành phôi nang và thực hiện các phân tích nhiễm sắc thể nhằm đánh giá tiềm năng phát triển của hợp tử 2.1PN.
 
 
Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu này khảo sát 164 chu kỳ từ các bệnh nhân đã trải qua điều trị IVF cổ điển hoặc ICSI trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 12 năm 2022. Để đảm bảo tính chính xác và tránh sai lệch trong quá trình lâm sàng, những bệnh nhân có bất thường về nhiễm sắc thể cũng như những người hiến noãn đã được loại trừ khỏi nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu gồm tuổi vợ từ 22 đến 48 và tuổi chồng từ 23 đến 59, với tổng số 1.819 noãn MII được thu thập từ 164 chu kỳ. Trong số đó, có 1.299 phôi là 2PN, 171 phôi là 2.1PN, còn lại không đạt tiêu chuẩn về số lượng tiền nhân và được loại bỏ như 0PN, 1PN, 3PN hoặc ≥4PN. Tất cả các phôi được theo dõi bằng hệ thống nuôi cấy quan sát phôi liên tục (time-lapse) và được đánh giá theo tiêu chuẩn hình thái, xét nghiệm PGT-A để đánh giá bất thường nhiễm sắc thể. Ngoài ra, mối liên hệ tiềm ẩn giữa độ tuổi và sự xuất hiện của hợp tử 2.1PN đã được xác định.
 
Kết quả
  • Tỷ lệ phôi nguyên bội có nguồn gốc từ 2.1PN
Tổng cộng 171 hợp tử 2.1PN đã được đưa vào nghiên cứu này: 101 hợp tử từ chu kỳ IVF cổ điển và 70 hợp tử từ chu kỳ ICSI. Trong số đó, có 44 hợp tử phát triển thành phôi nang. Kết quả cho thấy các phương pháp thụ tinh không ảnh hưởng đáng kể đến tiềm năng phát triển của hợp tử 2.1PN. Những phôi nang này sau đó được xử lý theo hai hướng: một phần bị loại bỏ (16 phôi), trong khi một phần khác được hiến tặng cho nghiên cứu (28 phôi), tùy thuộc vào sự đồng ý của bệnh nhân. Trong số 28 phôi nang đã được xét nghiệm PGT-A thì có 14 phôi nguyên bội (50,00%), 3 phôi khảm (10,71%) và 11 phôi còn lại là phôi lệch bội (39,29%). Hơn nữa, có xu hướng là phôi nang có nguồn gốc từ 2.1PN cho thấy tỷ lệ bình thường tương tự so với phôi nang có nguồn gốc từ 2PN được lấy từ các chu kỳ PGT-A trong cùng thời gian nghiên cứu (tỷ lệ nguyên bội là 50,00% so với 55,96% và tỷ lệ khảm là 10,71% so với 16,17%).

  • Dự đoán phôi nang có nguồn gốc từ 2.1PN
Các kiểu phân chia phôi sớm và chất lượng phôi ngày 3 là những yếu tố dự báo độc lập sự hình thành phôi nang từ phôi 2.1PN. Tỷ lệ hình thành phôi nang ở phôi ngày 3 phân chia bất thường giảm xuống còn 13,3% so với các phôi có phân chia bình thường (P = 0,000; OR = 0,133; 95% KTC 0,049 - 0,357). Các phôi loại B và C cho thấy tỷ lệ hình thành phôi nang tương đương với các phôi loại A (P=0,953; OR=1,030; 95% KTC 0,384 - 2,763). Tuy nhiên, tỷ lệ hình thành phôi nang ở các phôi loại D giảm xuống còn 3,2% so với các phôi loại cao hơn (P = 0,002; OR = 0,032; 95% KTC 0,004 - 0,282). Tỷ lệ hợp tử 2.1PN ở những bệnh nhân nữ từ 38 tuổi trở lên là 21,48% (32/149), cao hơn đáng kể so với tỷ lệ ở những bệnh nhân nữ trẻ hơn, cho thấy sự khác biệt giữa hợp tử 2.1PN và 2PN ở bệnh nhân ≥38 tuổi.
 
Kết luận
Tóm lại, các bác sĩ lâm sàng nên cân nhắc sử dụng phôi nguyên bội có nguồn gốc từ 2.1PN để chuyển sau khi xét nghiệm di truyền phôi trước khi làm tổ trong trường hợp không có phôi từ 2PN, đặc biệt là ở bệnh nhân lớn tuổi. Việc hiểu rõ và khắc phục các vấn đề liên quan đến noãn và quá trình thụ tinh sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các cặp vợ chồng đang mong mỏi có con, giúp họ có thêm hy vọng vào một hành trình đầy khó khăn này.
 
Nguồn tham khảo: Wang, Jiang, et al. "Evaluating the developmental potential of 2.1 PN-derived embryos and associated chromosomal analysis." Journal of Assisted Reproduction and Genetics (2024): 1-7.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK