Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 24-10-2024 3:27pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trương Trần Minh Anh – IVF Tâm Anh

Tổng quan
Hiện nay, kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) được xác định là kỹ thuật chủ yếu để điều trị vô sinh do yếu tố nam giới nghiêm trọng, trong đó chất lượng tinh trùng là yếu tố dự báo sự thành công của chu kỳ điều trị. Phân mảnh DNA tinh trùng (Sperm DNA fragmentation - SDF) được xem như một dấu hiệu về chất lượng tinh trùng nội sinh với khả năng tác động tiêu cực đến quá trình thụ thai tự nhiên và kết quả của công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART). Xét nghiệm SDF được khuyến cáo cho những nam giới vô sinh không rõ nguyên nhân hoặc các cặp đôi bị sảy thai tái phát. Người ta đề xuất rằng đối với nam giới có SDF cao trong tinh trùng xuất tinh, việc sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn có thể dẫn đến tỉ lệ mang thai lâm sàng (PR), tỉ lệ sinh sống (LBR) cao hơn và tỉ lệ sẩy thai (MR) thấp hơn so với việc sử dụng tinh trùng xuất tinh vì tránh được SDF do stress oxy hóa trong quá trình vận chuyển sau tinh hoàn và một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn có thể cải thiện kết quả ART trong trường hợp này. Mục đích của bài tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp này là xác định xem kết quả ICSI có tốt hơn khi sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn so với tinh trùng xuất tinh đối với nam giới có SDF cao hay không.
 
Vật liệu và phương pháp
Thu thập bằng chứng từ các cơ sở dữ liệu Cochrane Central, EMBASE, MEDLINE, Web of Science và Scopus (1946–2023) vào tháng 2 năm 2023 để tìm các nghiên cứu so sánh có liên quan trên người theo tuyên bố Mục báo cáo ưu tiên cho Tổng quan hệ thống và Phân tích tổng hợp (PRISMA).
 
Kết quả
Trong 9 nghiên cứu (hơn 536 người tham gia) đã được đưa vào đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp. Các ước tính gộp cho thấy tỉ lệ mang thai cao hơn đáng kể ở nhóm tinh trùng từ tinh hoàn theo xét nghiệm cấu trúc nhiễm sắc thể tinh trùng (SCSA)/xét nghiệm tính toàn vẹn nhiễm sắc thể tinh trùng (SCIT) (OR 2,51; p=0,001) và xét nghiệm đánh dấu đầu cuối deoxynucleotidyl transferase dUTP (TUNEL) (OR 3,65; p = 0,005); không có sự khác biệt giữa 2 nhóm theo xét nghiệm phân tán nhiễm sắc chất tinh trùng (SCD) (OR 2; p=0,197). Tỉ lệ trẻ sinh sống cũng cao hơn đáng kể ở nhóm tinh trùng từ tinh hoàn theo SCSA/SCIT (OR 2,59; p=0,005). Không có sự khác biệt đáng kể nào về tỉ lệ thụ tinh theo SCSA/SCIT (OR 0,771; p=0,072), SCD (OR 0,767; p=0,398) và TUNEL (OR 1,188; p=0,241) hoặc tỉ lệ sảy thai theo SCSA/SCIT (OR 0,545; p=0,232).
 
Bàn luận
SDF có thể xảy ra ở cả cấp độ tại tinh hoàn và sau tinh hoàn, nhưng nguyên nhân chính là do stress oxy hóa trong quá trình vận chuyển tinh trùng đến mào tinh hoàn. Quan sát này đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu tìm hiểu việc sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn để ICSI cho những cặp đôi mà nam giới có SDF cao. Đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp này cho thấy rằng việc sử dụng tinh trùng tinh hoàn làm tăng đáng kể tỉ lệ PR và LBR. Tuy nhiên các bài báo cáo vẫn còn hạn chế về dữ liệu như đặc điểm nữ giới, đối với những phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng thường có kết quả ART kém hoặc tuổi tác của cả nam và nữ. Ở nam giới trên 40 tuổi có SDF cao có thể liên quan đến sự hình thành phôi nang thấp và tỉ lệ sảy thai cao hơn, khi tuổi tác nữ giới tăng, khả năng sửa chữa SDF của noãn cũng sẽ bị suy giảm. Việc điều trị SDF cao nên bao gồm việc thay đổi lối sống và điều trị các tình trạng tiềm ẩn như phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc điều trị kháng sinh nếu có nhiễm trùng. Khi SDF cao, các cặp đôi vẫn có thể thực hiện kỹ thuật ICSI, nếu thất bại nhiều lần thì có thể cân nhắc đến sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn. Ngoài ra, Agarwal và cộng sự (2020, 2022) đưa ra khuyến nghị tối ưu hóa chất lượng tinh trùng SDF cao ở nam giới bằng chất chống oxy hóa, xuất tinh thường xuyên và đề xuất sử dụng các kỹ thuật lựa chọn tinh trùng như ICSI dựa vào hình thái tinh trùng, lọc rửa tinh trùng bằng phương pháp ZyMOT hoặc lựa chọn tế bào bằng dòng chảy từ tính (MACS). Bài phân tích này xem việc chọc hút và trích xuất tinh trùng từ tinh hoàn là tương đương nhau nên không rõ liệu kỹ thuật nào vượt trội hơn đối với nam giới có SDF cao.
 
Mặc dù tỉ lệ mang thai và trẻ sinh sống được cải thiện đáng kể với tinh trùng từ tinh hoàn khi thực hiện ICSI so với tinh trùng xuất tinh từ nam giới có SDF cao. Tuy nhiên những phát hiện này còn bị hạn chế bởi tính khả dụng và chất lượng bằng chứng. Mặc dù đề xuất này có triển vọng nhưng vẫn cần có các thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên được chuẩn hóa để xác định chắc chắn việc sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn có cải thiện kết quả ISCI cho nam giới có SDF cao hay không. Cho đến khi có bằng chứng như vậy, thu nhận tinh trùng từ tinh hoàn để ICSI không nên được thực hiện thường quy.
 
Nguồn: KHOO, Christopher C., et al. Does testicular sperm improve intracytoplasmic sperm injection outcomes for nonazoospermic infertile men with elevated sperm DNA fragmentation? A systematic review and meta-analysis. European Urology Focus, 2024, 10.3: 410-420.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK