Tin tức
on Thursday 24-10-2024 3:24pm
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Cẩm Nhung – IVFMD Tân Bình
I. Giới thiệu
Lệch bội, được định nghĩa là tình trạng bất thường về số lượng nhiễm sắc thể, là dạng bất thường di truyền phổ biến nhất ở phôi người. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại làm tổ, đồng thời chiếm hơn một nửa các trường hợp sảy thai, phá thai và dị tật bẩm sinh. Nguyên nhân của lệch bội thường xuất phát từ các lỗi nhiễm sắc thể trong quá trình giảm phân I hoặc giảm phân II ở noãn. Tuy nhiên, những bất thường này không thể được phát hiện chính xác chỉ dựa vào đánh giá hình thái phôi, dù là qua các phương pháp truyền thống hay thông qua công nghệ đánh giá động học. Do đó, xét nghiệm di truyền tiền làm tổ đối với phôi lệch bội (PGT-A) hiện đang được xem là phương pháp sàng lọc tối ưu để đánh giá tình trạng nhiễm sắc thể và lệch bội ở phôi người. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quy trình sinh thiết phôi – một bước cần thiết trong PGT-A – là một trong những thách thức lớn nhất trong quy trình phòng thí nghiệm.
PGT-A, trước đây được gọi là sàng lọc di truyền tiền làm tổ, lần đầu được giới thiệu vào những năm 1990 với sự ứng dụng của phương pháp lai huỳnh quang tại chỗ (FISH) trên sinh thiết thể cực hoặc phôi bào. Phương pháp này đã chứng minh hiệu quả cao hơn so với phân tích tế bào trong việc xác định lệch bội hoặc các bất thường nhiễm sắc thể khác ở phôi người. Tuy nhiên, FISH có hạn chế khi không thể đánh giá toàn bộ các nhiễm sắc thể và thường gặp tỷ lệ khảm tương đối cao. Để khắc phục những hạn chế này, các nền tảng xét nghiệm di truyền mới đã được phát triển, cho phép sàng lọc toàn diện các nhiễm sắc thể (CCS) của cả 24 nhiễm sắc thể. Các nền tảng này bao gồm kỹ thuật microarray (aCGH), đa hình đơn nucleotide (SNP), định lượng PCR thời gian thực (qPCR), và giải trình tự gen thế hệ mới (NGS). Trong số các phương pháp này, NGS là kỹ thuật phù hợp nhất cho xét nghiệm lệch bội trên mẫu sinh thiết tế bào trophectoderm (TE) nhờ vào độ chính xác cao, khả năng thông lượng lớn, chi phí hợp lý và sự phổ biến rộng rãi trong các phòng thí nghiệm. Gần đây, NGS cũng đã được áp dụng để phân tích DNA tự do (cell-free DNA) được giải phóng vào môi trường nuôi cấy trong giai đoạn phôi nang. Mặc dù kỹ thuật này đơn giản hơn và ít xâm lấn hơn so với sinh thiết truyền thống, PGT-A không xâm lấn vẫn đối mặt với một số thách thức kỹ thuật và cần thêm nghiên cứu để tối ưu hóa.
Lợi ích của PGT-A bao gồm việc lựa chọn phôi nguyên bội để chuyển, giúp giảm thiểu tỷ lệ sẩy thai và đa thai. Ngoài ra, PGT-A còn giúp tăng tỷ lệ mang thai diễn tiến (OPR) và tỷ lệ sinh con sống (LBR), đồng thời rút ngắn thời gian đạt được thai kỳ thành công. Phương pháp này cũng hỗ trợ việc thực hiện chuyển phôi đơn (ET) theo yêu cầu, giảm thiểu nguy cơ đa thai không mong muốn. PGT-A được khuyến nghị sử dụng cho các bệnh nhân có nguy cơ cao về lệch bội phôi, như tuổi mẹ cao (advanced maternal age - AMA), bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần (recurrent implantation failure - RIF), sẩy thai liên tiếp (recurrent pregnancy loss - RPL), hoặc những trường hợp vô sinh nam nghiêm trọng (severe male factor infertility - SMF). Các lợi ích của việc sử dụng kỹ thuật sàng lọc toàn bộ nhiễm sắc thể (CCS) trên sinh thiết tế bào TE trong PGT-A đã được khẳng định qua các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng ngẫu nhiên (RCT). Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã báo cáo những kết quả trái ngược.
Do đó, cần có thêm dữ liệu mạnh mẽ hơn về kết quả lâm sàng của PGT-A khi sử dụng sinh thiết TE kết hợp với các phương pháp CCS như aCGH hoặc NGS. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu theo dõi đơn trung tâm, với mục đích phân tích kết quả lâm sàng liên quan đến việc sử dụng sinh thiết TE và sàng lọc 24 nhiễm sắc thể bằng aCGH hoặc NGS so với không sử dụng PGT-A trong các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở những bệnh nhân nguy cơ cao.
II. Phương pháp
Đây là nghiên cứu hồi cứu trên 1368 bệnh nhân bao gồm 520 chu kỳ với PGT-A và 848 chu kỳ không PGT-A. Đối tượng nghiên cứu bao gồm mẹ lớn tuổi (AMA), thất bại làm tổ nhiều lần (RIF), sẩy thai liên tiếp (RPL) và những trường hợp vô sinh nam nghiêm trọng (SMF)
III. Kết quả
PGT-A đã được chứng minh là có liên quan đến sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ làm tổ (IR) và tỷ lệ thai diễn tiến/tỷ lệ trẻ sinh sống (OPR/LBR) trên mỗi chu kỳ chuyển phôi trong các nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao. Cụ thể:
• Nhóm tuổi mẹ cao (AMA): IR và OPR/LBR lần lượt đạt 39,3% so với 16,2% (p < 0,001) và 42,0% so với 21,8% (p < 0,001).
• Nhóm thất bại làm tổ nhiều lần (RIF): IR và OPR/LBR lần lượt đạt 41,7% so với 22,0% (p < 0,001) và 47,0% so với 28,6% (p < 0,001).
• Nhóm sẩy thai liên tiếp (RPL): IR và OPR/LBR lần lượt là 45,6% so với 19,5% (p < 0,001) và 49,1% so với 24,2% (p < 0,001).
• Nhóm vô sinh nam nghiêm trọng (SMF): IR đạt 43,3% so với 26,5% (p = 0,011).
Ngoài ra, PGT-A cũng liên quan đến tỷ lệ sẩy thai sớm thấp hơn đáng kể trong các nhóm:
• AMA: 16,7% so với 34,3% (p = 0,001).
• RPL: 16,7% so với 50,0% (p < 0,001).
Tuy nhiên, khi xem xét tỷ lệ OPR/LBR trên tổng số chu kỳ (bao gồm cả những chu kỳ không có phôi để chuyển), lợi ích của PGT-A trong việc cải thiện kết quả lâm sàng ở tất cả các nhóm bệnh nhân không vượt trội đáng kể so với nhóm không sử dụng PGT-A. Điều này chỉ ra rằng PGT-A có thể cải thiện kết quả khi có phôi để chuyển, nhưng tổng tỷ lệ sinh con sống không tăng nhiều hơn so với chu kỳ không sử dụng PGT-A.
IV. Kết luận
PGT-A đã cho thấy những tác động có lợi ở các bệnh nhân có nguy cơ cao. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng những lợi ích này rõ rệt hơn ở các đối tượng được chọn lọc kỹ lưỡng so với toàn bộ nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao.
Nguồn: Kim, J. W., Lee, S. Y., Hur, C. Y., Lim, J. H., & Park, C. K. (2024). Clinical outcomes of preimplantation genetic testing for aneuploidy in high-risk patients: a retrospective cohort study. Clinical and Experimental Reproductive Medicine, 51(1), 75.
Từ khóa: PGT-A, AMA, RIF, RPL, SMF, NGS
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thời gian nuôi cấy tối ưu để phân tích DNA tự do đối với phôi nang đông lạnh trải qua xét nghiệm di truyền lệch bội tiền làm tổ không xâm lấn - Ngày đăng: 24-10-2024
Phôi bào đa nhân: nhận biết, nguồn gốc và ý nghĩa trong điều trị - Ngày đăng: 23-10-2024
Chọn lọc phôi nang chất lượng tốt thông qua hình ảnh timelapse từ giai đoạn nén: một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu - Ngày đăng: 23-10-2024
Ảnh hưởng của số lượng phôi bào đến kết quả hỗ trợ sinh sản (ART) trong chu kỳ chuyển đơn phôi tươi ngày 3 - Ngày đăng: 23-10-2024
Thủy tinh hóa cực nhanh: Giảm thiểu độc tính của chất bảo vệ đông lạnh và stress áp suất thẩm thấu trong đông lạnh noãn chuột - Ngày đăng: 23-10-2024
Tác động của nuôi cấy phôi đơn bước và chuyển tiếp đến kết cục sản khoa và chu sinh ở những thai kỳ đơn thai - Ngày đăng: 22-10-2024
Tính hữu dụng của phôi có nguồn gốc từ hợp tử 2.1PN dựa trên kết quả lâm sàng và phân tích bộ gen - Ngày đăng: 22-10-2024
Điều trị viêm nội mạc tử cung mãn tính bằng kháng sinh vẫn là một yếu tố nguy cơ gây sẩy thai sớm trong quá trình chuyển phôi đông lạnh nguyên bội sau đó - Ngày đăng: 19-10-2024
Tiềm năng của gel lô hội trong quá trình đông lạnh tinh trùng: một nghiên cứu ở gà trống - Ngày đăng: 19-10-2024
Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM) - Ngày đăng: 19-10-2024
Cửa sổ làm tổ độc nhất có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong chuyển phôi: Một phân tích hồi cứu - Ngày đăng: 05-10-2024
Tác động của tuổi cha cao lên kết quả các phương pháp hỗ trợ sinh sản (ART) - Ngày đăng: 05-10-2024
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Năm 2020
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK