Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 24-10-2024 3:32pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trương Trần Minh Anh – IVF Tâm Anh
 

Tổng quan
Trong quá trình đánh giá tình trạng vô sinh ở nam giới, xét nghiệm tinh dịch đồ truyền thống không thể phát hiện ra tình trạng rối loạn chức năng và các khiếm khuyết bên trong của tinh trùng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng không có sự khác biệt đáng kể nào về các thông số tinh dịch thông thường giữa người nam giới bình thường và vô sinh. Trong quá trình trưởng thành của tinh trùng, nhiễm sắc chất được nén chặt, quá trình protamine hóa của DNA tinh trùng có thể bị rối loạn hoặc một số tế bào mầm không trải qua quá trình apoptosis dẫn đến hình thành tinh trùng trưởng thành khiếm khuyết có chỉ số phân mảnh DNA (DNA fragmentation index - DFI) tăng. Một số nghiên cứu báo cáo rằng DFI tinh trùng tăng có thể tác động đến tỉ lệ sảy thai, tỉ lệ thụ tinh và các kết quả lâm sàng của chu kỳ thụ tinh ống nghiệm (IVF). Tác động của DFI đối với chuyển phôi (ET) vẫn còn gây tranh cãi. Trong nghiên cứu này, các mẫu tinh dịch trong các chu kỳ IVF-ET đã được thu nhận và xác định DFI tinh trùng để đánh giá tác động của sự phân mảnh DNA tinh trùng lên kết quả lâm sàng của IVF-ET.
 
Vật liệu và phương pháp
Một nghiên cứu hồi cứu đã được thực hiện với 549 chu kỳ chuyển phôi tươi và 1340 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh sau khi thụ tinh trong ống nghiệm/tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (IVF/ICSI) từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 4 năm 2021. Xét nghiệm phân mảnh tinh trùng được thực hiện theo phương pháp phân tích nhiễm sắc chất tinh trùng (SCSA).
 
Kết quả
Kết quả thống kê của 549 chu kỳ chuyển phôi tươi cho thấy tỷ lệ chuyển phôi ở nhóm tinh trùng DFI bình thường (43,9% so với 27,1%, P = 0,014) cao hơn đáng kể so với nhóm tinh trùng bất thường DFI và không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ mang thai sinh hóa (59,0% so với 50,8%, P = 0,232), tỉ lệ mang thai lâm sàng (53,1% so với 40,7%, P = 0,072) hoặc tỉ lệ sảy thai (17,3% so với 33,3%, P = 0,098) giữa hai nhóm. Kết quả của 1340 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh cho thấy tỉ lệ thai sinh hóa (57,9% so với 45,6%, P = 0,006) và tỉ lệ thai lâm sàng (50,3% so với 40,7%, P = 0,027) ở nhóm tinh trùng DFI bình thường cao hơn đáng kể so với nhóm tinh trùng DFI bất thường. Tỉ lệ chuyển phôi (40,9% so với 33,3%, P = 0,074) và tỉ lệ sẩy thai (18,6% so với 18,0%, P = 0,919) không khác biệt đáng kể giữa hai nhóm.
 
Bàn luận
Trong nghiên cứu hiện tại, phân tích 1638 chu kỳ IVF/ICSI cho thấy DFI tinh trùng có tương quan thuận với độ tuổi của nam giới và tương quan dương với ngày kiêng quan hệ, thể tích tinh dịch, tỉ lệ tinh trùng bất động và các thông số khác. Nhóm DFI tinh trùng cao trong chu kỳ chuyển phôi tươi có tỉ lệ chuyển phôi giảm đáng kể cho thấy DFI cao có thể sẽ dẫn đến sự phát triển phôi bất thường, mất phôi trước khi chuyển. Sự khác biệt về tỉ lệ chuyển phôi trong chu kỳ phôi đông lạnh là không đáng kể, điều này cho thấy tác động của tổn thương lạnh đến kết quả lâm sàng cũng nên được tính đến, như tác động của tổn thương lạnh có thể lớn hơn tác động của DFI tinh trùng đối với phôi ở giai đoạn bắt đầu thụ tinh. Tác động của DFI tinh trùng là đáng kể giữa giai đoạn làm tổ của phôi và mang thai lâm sàng. Khi phôi đạt đến trạng thái mang thai lâm sàng, tác động của DFI tinh trùng không còn đáng kể nữa. Dựa trên ảnh hưởng của DFI đối với kết quả mang thai trong chu kỳ IVF chuyển phôi tươi cho thấy gene của cha có thể bắt đầu đóng vai trò chính trong các giai đoạn phôi sau này. Zhang (2021) báo cáo rằng DFI tinh trùng có thể sử dụng như một chỉ số để đánh giá kết quả mang thai của thai kỳ ART và là một trong những yếu tố dự báo kết quả nhưng không cho thấy tác động đáng kể. Vì vậy DFI tinh trùng không mang tính hướng dẫn cho thực hành lâm sàng. Kết quả nghiên cứu này cho thấy mặc dù mẫu tinh dịch được thu nhận vào ngày chọc hút và đã được tối ưu hóa bằng các phương pháp lọc rửa, tuy nhiên tổn thương DNA quá mức không chỉ làm giảm chất lượng tinh trùng mà còn làm giảm đáng kể tỉ lệ chuyển phôi của các chu kỳ chuyển phôi tươi, tỉ lệ thai sinh hóa và thai lâm sàng của các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh.
 
Nguồn: ZHU, Chunhui, et al. Influence of sperm DNA fragmentation on the clinical outcome of in vitro fertilization-embryo transfer (IVF-ET). Frontiers in Endocrinology, 2022, 13: 945242.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK