Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 06-11-2024 6:09am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNXN. Nguyễn Thị Thanh Huệ
Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột
 
Đã có nhiều tài liệu về tuổi mẹ cao có liên quan đến khả năng sinh sản và kết quả sinh sản, tuy nhiên tác động của lão hóa đối với tiềm năng sinh sản nam giới vẫn còn gây tranh cãi. Trong ba thập kỷ qua ở các nước phương Tây, số ca sinh có xu hướng giảm ở nhóm có tuổi cha từ 25 đến 30 tuổi và đồng thời tăng ở nhóm có tuổi cha trong khoảng từ 35 đến 44 tuổi. Trong một nghiên cứu lớn của Hoa Kỳ từ năm 1972 đến 2015, độ tuổi làm cha mẹ có xu hướng ngày càng tăng không phân biệt các nhóm dân tộc. Ngoài các lý do về kinh tế - xã hội và dịch tễ học, liệu rằng tuổi cha cao có thể ảnh hưởng đến kết quả sinh sản hay không và ở mức độ như thế nào? Trong thực tế, sự lão hóa của nam giới có thể dẫn đến việc phải mất một thời gian dài để thụ thai, nguy cơ sảy thai cao hơn, bất thường di truyền và thần kinh ở trẻ được sinh ra. Tuổi mẹ là 35 tuổi được đề xuất là ngưỡng vượt quá khả năng mang thai và có nguy cơ phá thai và dị tật ở con cái tăng lên, nhưng cho đến nay, chưa có giới hạn tuổi cha được thiết lập. Do đó, nghiên cứu được nhóm tác giả thực hiện nhằm mục đích đánh giá xem liệu có mối liên quan nào giữa tuổi nam và chất lượng tinh dịch hay không và xác lập ngưỡng tuổi cha có thể có dựa trên sự suy giảm các thông số tinh dịch.

Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện từ năm 1992 đến năm 2022 với 2612 đối tượng đủ điều kiện được đưa vào nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, không có mối tương quan giữa tuổi tác với thể tích tinh dịch (r = − 0,032, p = 0,10), nồng độ tinh trùng (r = 0,004, p = 0,83), tổng số lượng tinh trùng (r = − 0,009, p = 0,62). Tuy nhiên, tuổi tương quan nghịch với tinh trùng di động (r = -0,131, p < 0,0001), di động tiến tới (r = − 0,112, p < 0,0001), tỷ lệ tinh trùng có hình thái bình thường (r = − 0,053, p = 0,007). Ngoài ra, nhóm tuổi từ 40 trở lên có liên quan đến việc giảm đáng kể khả năng di động và di động tiến tới.

Khác với lão hóa nữ, tuổi tác như một yếu tố nguy cơ đối với khả năng sinh sản. Tác động của tuổi cha cao đối với chức năng sinh sản là một vấn đề còn nhiều tranh luận. Kết quả của nghiên cứu hiện tại cho thấy tuổi cha cao có liên quan đến việc giảm khả năng di động của tinh trùng và tỷ lệ tinh trùng có hình thái bình thường. Kết quả này phù hợp với kết quả từ một phân tích tổng hợp lớn trên 93.839 đối tượng từ 90 nghiên cứu. Trong đó, các tác giả đã ghi nhận sự giảm về thể tích tinh dịch, tổng tinh trùng di động, di động tiến tới và tinh trùng có hình thái bình thường, cũng như tính toàn vẹn DNA của tinh trùng liên quan đến tuổi tác. Thể tích tinh dịch giảm, được cho là do suy giảm testosterone liên quan đến tuổi. Mối liên hệ tiêu cực giữa tuổi tác và tính toàn vẹn DNA của tinh trùng cũng đã được báo cáo trước đó. Một số cơ chế có thể giải thích tác động bất lợi của tuổi tác đối với chất lượng tinh dịch. Khi tuổi tăng, nhu mô tinh hoàn trải qua những thay đổi lão hóa liên quan đến cả khoang kẽ. Điều này góp phần giải thích ảnh hưởng của lão hóa đối với khả năng di động của tinh trùng và hình thái tinh trùng, cũng như tác động đến tính toàn vẹn DNA của tinh trùng. Bên cạnh đó, stress oxy hóa cũng có thể là một nguyên nhân, vì các dấu hiệu sinh học tuần hoàn của stress oxy hóa tăng theo tuổi tác, song song với sự suy giảm hệ thống miễn dịch chống oxy hóa. Hơn nữa, sau 40 tuổi, sự gia tăng các gốc oxy hóa phản ứng có tương quan nghịch với khả năng di động của tinh trùng. Đáng chú ý, tinh trùng dễ bị tổn thương bởi stress oxy hóa, do sự hạn chế về số lượng của enzyme chống oxy hóa chống lại các gốc tự do. Ngoài ra, màng tinh trùng giàu axit béo không bão hòa, cần thiết để duy trì đặc tính của màng và cho cả phản ứng acrosome và tương tác với noãn. Tuy nhiên, chúng cũng rất nhạy cảm với peroxy hóa lipid, do sự hiện diện của liên kết carbon-hydro với năng lượng phân ly thấp ở vị trí methylene bisallylic, do đó giải thích mối tương quan giữa peroxy hóa lipid và giảm khả năng di động của tinh trùng. Cuối cùng, tinh trùng khiếm khuyết tạo ra lượng ROS cao bất thường do rối loạn chức năng chuỗi vận chuyển ty thể. Stress oxy hóa không chỉ có thể làm giảm tính toàn vẹn chức năng và di truyền của tinh trùng, mà còn làm giảm sự hình thành steroid tế bào Leydig và chức năng của các tế bào Sertoli để hỗ trợ biệt hóa tế bào mầm bình thường. Khi tuổi cha trên 40 tuổi, các cơ chế này có thể giải thích cho sự thay đổi liên quan chất lượng tinh dịch kém đi dẫn đến kết quả sinh sản kém hơn và tăng nguy cơ sảy thai.

Tóm lại, tuổi cha cao có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tinh trùng di động và hình thái bình thường từ độ tuổi trên 40. Tuy nhiên nghiên cứu hiện tại còn nhiều hạn chế, cần có các nghiên cứu sâu hơn với cỡ mẫu lớn hơn và các xét nghiệm liên quan để làm rõ cơ chế và kết quả lâm sàng, cung cấp bằng chứng về tác động tuổi cha đối với chất lượng tinh dịch.

TLTK: Castellini, C., Cordeschi, G., Tienforti, D. et al. Relationship between male aging and semen quality: a retrospective study on over 2500 men. Arch Gynecol Obstet 309, 2843–2852 (2024). https://doi.org/10.1007/s00404-024-07448-8

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK