Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 29-11-2024 10:20am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Huỳnh Yến Vy – IVFMD Phú Nhuận, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
 
Bảo tồn khả năng sinh sản (Fertility preservation – FP) đang trở thành một kỹ thuật mới trong ngành hỗ trợ sinh sản – giúp phụ nữ có khả năng sinh con bằng noãn tự thân khi suy giảm khả năng sinh sản liên quan đến tuổi tác hoặc sau các liệu pháp điều trị chống ung thư cho bệnh nhân ung thư. Có nhiều lựa chọn để bảo tồn khả năng sinh sản, bao gồm bảo quản đông lạnh phôi, noãn hoặc mô buồng trứng.  Trong đó, phương pháp đông lạnh noãn (oocyte cryopreservation - OC) dần trở nên phổ biến hơn. Đông lạnh noãn là phương pháp dễ tiếp cận hơn giúp bảo tồn khả năng sinh sản không những vì lí do y tế mà còn trì hoãn việc sinh con theo kế hoạch, còn được gọi là trữ noãn xã hội. Cơ sở cho việc trì hoãn khả năng sinh sản theo kế hoạch là để làm giảm nguy cơ con lệch bội liên quan đến tuổi tác của mẹ và dự trữ buồng trứng giảm. Với những tiến bộ trong quy trình trữ rã, phương pháp thủy tinh hóa đã cải thiện đáng kể khả năng sống sót của noãn sau rã đông, so với các phương pháp đông lạnh chậm truyền thống. Do đó, đông lạnh noãn là một lựa chọn phổ biến cho những cá nhân chưa muốn kết hôn hoặc là trĩ hoãn việc sinh con vì lí do kinh tế. Tuy nhiên, những nhược điểm tiềm ẩn của việc đông lạnh noãn bao gồm tỷ lệ noãn sống sau rã đông thấp hơn so với đông lạnh phôi, tình trạng trẻ sinh sống từ noãn đông lạnh.
 
Mục tiêu: Mô tả về việc đông lạnh noãn chủ động, cụ thể là tỷ lệ quay trở lại thực hiện thụ tinh ống nghiệm, tỷ lệ rã đông noãn, tỷ lệ mang thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống.
 
Thiết kế nghiên cứu:
- Nghiên cứu đánh giá hệ thống theo các Mục báo cáo được đề xuất dành cho các đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp (Preferred Reporting Items for Systematic Reviews and Meta-Analyses) của 7 cơ sở dữ liệu (MEDLINE, EMBASE, Emcare, CINAHL, Thư viện Cochrane, Web of Science: Bộ sưu tập cốt lõi và Scopus) cho đến ngày 1 tháng 1 năm 2024.
Lựa chọn nghiên cứu:
Tổng cộng có 27 nghiên cứu đủ điều kiện để phân tích trong 1540 nghiên cứu được sàng lọc. Trong đó, các quốc gia có số lượng nghiên cứu cao nhất bao gồm Hoa Kỳ (7 nghiên cứu) và Vương quốc Anh (6 nghiên cứu). Các quốc gia khác bao gồm Tây Ban Nha (3 nghiên cứu), Bỉ (2 nghiên cứu) và Israel (2 nghiên cứu), ngoài ra còn có Úc (1 nghiên cứu), Bỉ (1 nghiên cứu), Canada (1 nghiên cứu), Chile (1 nghiên cứu), Thụy Điển (1 nghiên cứu) và Đài Loan (1 nghiên cứu).
Trong 27 nghiên cứu, có 19 nghiên cứu hồi cứu, 15 nghiên cứu hồi cứu đơn trung tâm, 4 đa trung tâm về chu kì đông lạnh noãn chủ động, không bao gồm những bệnh nhân được chỉ định đông lạnh noãn vì lí do y tế. Các nghiên cứu này được đánh giá nguy cơ sai lệch bằng công cụ ROBINS-I.
 
Kết quả:
- Tổng cộng có 13.724 bệnh nhân đông lạnh noãn chủ động trong tổng 17.418 chu kỳ chọc hút thu nhận noãn. Lý do đông lạnh noãn xã hội được báo cáo trong 8 nghiên cứu, bao gồm chưa tìm được đối tượng phù hợp, bảo tồn khả năng sinh sản, bảo hiểm y tế về khả năng sinh sản, giảm áp lực việc mang thai hoặc kết hôn và lý do tài chính. Có 4 nghiên cứu báo cáo tổng số lượng noãn được chọc hút hoặc đông lạnh, bao gồm ít nhất 21.000 noãn được chọc hút và trên 24.000 noãn đông lạnh. Số lượng noãn trung bình của mỗi bệnh nhân dao động từ 9–14 noãn.
- Về phương pháp đông lạnh noãn, 6 nghiên cứu sử dụng cả phương pháp thủy tinh hóa và đông lạnh chậm để bảo quản noãn, 16 nghiên cứu chỉ báo cáo kết quả cho phương pháp thủy tinh hóa và 5 nghiên cứu không chỉ rõ phương pháp nào đã được sử dụng.
- Tỷ lệ quay trở lại, rã đông và chuyển phôi là 10,8%.
- Độ tuổi trung bình tại thời điểm rã đông hoặc chuyển phôi là 40 và dao động từ 36 – 43 tuổi trong các nghiên cứu khác nhau. Trong số các nghiên cứu báo cáo tỷ lệ sống của noãn sau rã đông là 81,4%. Có 1.693 chu kỳ chuyển phôi đã được báo cáo trong số 13 nghiên cứu. Có 6 nghiên cứu báo cáo tỷ lệ làm tổ trung bình là 44,4% (584/1.314).
- Tổng cộng 575 trẻ sinh sống được báo cáo từ chu kì noãn đông lạnh. Tỉ lệ trẻ sinh sống (live birth rate – LBR) là 28,9% (575/1989). Ngoài ra, có 24 ca sinh đôi và 1 ca sinh ba trong 7 nghiên cứu. Tỷ lệ mang thai lâm sàng là 34,2% (379/1107, trong 11 nghiên cứu).
- Ngoài ra, một nghiên cứu báo cáo rằng trong số 46 bệnh nhân quay trở lại thực hiện rã đông, chỉ có 8 trường hợp có trẻ sinh con sống hoặc mang thai diễn tiến. Có 8 nghiên cứu khác đã báo cáo 75 ca sinh sống xảy ra ngoài quá trình đông lạnh noãn xã hội, thông qua thụ thai tự nhiên, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (intrauterine insemination – IUI), chuyển phôi đông lạnh từ chu kỳ mới hoặc thụ tinh trong ống nghiệm bằng noãn tươi hoặc noãn hiến tặng.
 
Kết luận: Mỗi bệnh nhân nên được tư vấn về đông lạnh noãn trước khi thực hiện bao gồm tỷ lệ sống của noãn sau rã đông, tỉ lệ trẻ sinh sống sau khi đông lạnh noãn khi quyết định trì hoãn việc sinh con.
 
Tài liệu tham khảo: Kirubarajan, A., Patel, P., Thangavelu, N., Salim, S., Sadeghi, Y., Yeretsian, T., & Sierra, S. (2024). Return rates and pregnancy outcomes after oocyte preservation for planned fertility delay: a systematic review and meta-analysis. Fertility and Sterility.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK