Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 01-12-2024 4:11pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Huỳnh Yến Vy – IVFMD Phú Nhuận, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
 
Thụ tinh là quá trình nhiều chuỗi sự kiện tiếp nối nhau, bắt đầu là sự nhận diện của tinh trùng và noãn, sự xâm nhập của tinh trùng, kích hoạt tế bào noãn và kết thúc là sự hòa màng và tạo thành hợp tử. Sự thụ tinh bình thường là sự hiện diện của hai nhân tiền (2PN - pronucleus) sau 16–18 giờ thụ tinh. Sự thụ tinh bất thường 1PN là sự việc một tiền nhânphôi được quan sát thấy trong noãn trong ngày đánh giá thụ tinh, và tỉ lệ xuất hiện 1PN chiếm khoảng 4% – 8% trong kỹ thuật IVF cổ điển (conventional IVF) và 2% – 5% đối với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic Sperm Injection - ICSI).
 
Một vài cơ chế để giải thích cho sự xuất hiện của hợp tử 1PN, bao gồm quá trình sinh sản đơn tính, sự hình thành tiền nhân không đồng bộ, sự hợp nhất sớm của tiền nhân đực và cái. Tỷ lệ bộ gen lưỡng bội và đơn bội của hợp tử 1PN phụ thuộc vào cơ chế hình thành 1PN và tỷ lệ phôi lưỡng bội có nguồn gốc từ hợp tử 1PN là 45% - 50% đối với IVF cổ điển và 7% - 14% phôi từ hợp tử 1PN đối với ICSI. Do lo ngại rằng hợp tử 1PN có thể biểu hiện chất lượng giao tử không tối ưu, nên Hướng dẫn của Hiệp hội Sinh sản và Phôi học Con người Châu Âu (European Society of Human Reproduction and Embryology - ESHRE) khuyến cáo không nên chuyển những phôi này. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu đã báo cáo về các trường hợp mang thai lâm sàng và trẻ sinh sống khỏe mạnh từ phôi có nguồn gốc từ hợp tử 1PN. Do đó, việc sử dụng phôi có nguồn gốc từ hợp tử 1PN có phù hợp để chuyển phôi cho bệnh nhân hay không đã được tranh luận trong nhiều năm.
 
Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT) là kỹ thuật sử dụng trong y học sinh sản, giúp chẩn đoán những bất thường về mặt di truyền ở phôi IVF. PGT-M (preimplantation genetic testing for monogenic disorders) ra đời giúp sàng lọc những bất thường đơn gen đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao sinh con mắc bệnh khi thực hiện IVF. Chính vì thế, tiềm năng sử dụng những phôi bình thường có nguồn gốc từ hợp tử 1PN sau khi xét nghiệm di truyền tiền làm tổ đối với những bất thường đơn gen vẫn còn cần nhiều nghiên cứu để chứng minh.
 
Do gánh nặng về thể chất và cảm xúc đáng kể liên quan đến các phương pháp điều trị IVF và tính phức tạp, chi phí tài chính và rủi ro liên quan đến công nghệ PGT, nghiên cứu này đã tìm cách kiểm tra xem phôi có nguồn gốc từ 1PN (được coi là thụ tinh bất thường) có phù hợp để sinh thiết hay không.
 
Mục tiêu: Nghiên cứu so sánh kết quả xét nghiệm di truyền tiền làm tổ để tìm rối loạn đơn gen (PGT-M) và đánh giá kết quả chu kỳ điều trị của phôi có nguồn gốc từ một tiền nhân (1PN) so với hai tiền nhân (2PN).
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu được tiến hành từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 12 năm 2022 trên 244 cặp vợ chồng điều trị IVF kết hợp với xét nghiệm di truyền tiền làm tổ liên quan đến bệnh đơn gen (PGT-M). Nghiên cứu thực hiện trên 5.981 noãn từ 351 chu kỳ điều trị IVF kết hợp PGT-M.
 
Kết quả:
Nghiên cứu bao gồm 494 (8,2%) phôi có nguồn gốc 1PN và 3.559 (59,5%) phôi có nguồn gốc từ 2PN. Phôi có nguồn gốc từ 1PN có tiềm năng phát triển thấp hơn đáng kể so với phôi có nguồn gốc từ 2PN. Có 37,9% phôi có nguồn gốc từ 2PN đạt đến giai đoạn phôi nang và phù hợp để sinh thiết, chỉ có 24% phôi có nguồn gốc từ 1PN trải qua sinh thiết ở giai đoạn phôi nang (P < 0,01). Trong đó, tỷ lệ phôi nang chất lượng tốt thấp hơn đáng kể đối với phôi có nguồn gốc từ 1PN so với phôi 2PN (lần lượt là 22,3% so với 48,1%; P < 0,01).
 
Tỷ lệ kết quả phân tử bất thường cao hơn đáng kể ở phôi có nguồn gốc từ 1PN so với phôi có nguồn gốc từ 2PN (lần lượt là 39,6% so với 22,7%; P < 0,01).
 
Khi so sánh kết quả di truyền của phôi 1PN, tỷ lệ sinh thiết bất thường cao hơn đáng kể ở phôi có nguồn gốc từ 1PN so với phôi có nguồn gốc từ 2PN (lần lượt là 39,6% so với 22,1%; P < 0,01)
 
Kết quả lâm sàng của phôi có kết quả PGT-M bình thường, có 85 phôi có nguồn gốc từ 2PN và 24 phôi có nguồn gốc từ 1PN.
  • Tỷ lệ thai sinh hóa trên mỗi chu kỳ chuyển phôi thấp hơn đáng kể đối với phôi có nguồn gốc từ 1PN so với phôi 2PN (lần lượt là 20,8% so với 45,9%; P< 0,03).
  • Tỷ lệ thai lâm sàng trên mỗi chu kỳ chuyển phôi của phôi có nguồn gốc từ 1PN thấp hơn so với phôi có nguồn gốc từ 2PN, (lần lượt là 20,8% so với 43,5%, P < 0,05).
  • Tỷ lệ trẻ sinh sống (live birth – LB) từ chu kỳ chuyển phôi có nguồn gốc 1PN là 16,7% (4/24), còn đối với phôi 2PN là 36,5% (31/85 phôi).
  • Tỷ lệ sẩy thai tương tự giữa 2 nhóm khi chuyển phôi 1PN và 2PN (lần lượt là 4,2% và 7,1%).
 
Kết luận: Đối với bệnh nhân có số lượng phôi ít, phôi có nguồn gốc từ 1PN sau khi sinh thiết có kết quả PGT-M bình thường không ảnh hưởng đến tỷ lệ thai lâm sàng và LB. Do đó, nghiên cứu đề xuất áp dụng PGT-M cho phôi có nguồn gốc từ phôi 1PN để cải thiện tỷ lệ thai lâm sàng tích lũy và LB.
 
Tài liệu tham khảo:
Lebovitz, O., Noach-Hirsh, M., Taieb, S., Haas, J., Zilberberg, E., Nahum, R., ... & Aizer, A. (2024). Embryos derived from single pronucleus are suitable for preimplantation genetic testing. Fertility and Sterility.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK