Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 13-12-2024 3:18pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Đỗ Dương Ngọc – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF Vạn Hạnh

Hiếm muộn là tình trạng không thể thụ thai ở cặp vợ chồng có quan hệ tình dục thường xuyên và không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào sau 12 tháng. Ước tính tình trạng hiếm muộn chiếm khoảng 17,5% dân số. Có rất nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn trong đó có rối loạn chức năng tuyến giáp. Do đó, cần một đánh giá toàn diện về ảnh hưởng chức năng tuyến giáp đến tình trạng hiếm muộn nữ.
 
Phương pháp nghiên cứu
Một đánh giá toàn diện đã được thực hiện bằng cách nghiên cứu dữ liệu trong PubMed/Medline, EMBASE và Scielo. Tiêu chí đưa vào bao gồm các bài tổng quan hệ thống, phân tích tổng hợp, thử nghiệm lâm sàng, đánh giá tường thuật, nghiên cứu hồi cứu, cắt ngang và nghiên cứu theo dõi triển vọng được công bố bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha.
 
Kết quả
Tổng cộng có 134 bài báo đáp ứng các tiêu chí. Các rối loạn chức năng tuyến giáp ảnh hưởng đến tình trạng hiếm muộn nữ bao gồm: suy giáp tự miễn (TAI), suy giáp dưới lâm sàng (SCH), suy giáp trên lâm sàng (OH), cường giáp dưới lâm sàng và cường giáp trên lâm sàng.
  • Suy giáp tự miễn (TAI)
TAI là tình trạng viêm mãn tính tự miễn của tuyến giáp, được đặc trưng bởi sự hiện diện của kháng thể peroxidase tuyến giáp (TPOAb) hoặc kháng thể antithyroglobulin (TGAb), với tỷ lệ mắc bệnh trên toàn cầu dao động từ 4,8% đến 25,8%. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mắc TAI có kháng thể kháng phospholipid cao, trường hợp nồng độ TPOAb vượt quá 100 IU/mL và nồng độ TSH vượt quá 2,5 mIU/L có thể dẫn đến tình trạng giảm dự trữ buồng trứng. Hơn nữa, đối với bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung TAI chiếm tỷ lệ từ 25% đến 46%.
  • Suy giáp dưới lâm sàng (SCH)
Nghiên cứu 1154 phụ nữ vô sinh tại Đan mạch cho thấy SCH được xác định khi ngưỡng TSH > 3,7 mIU/L. SCH không gây tác động đáng kể lên dự trữ buồng trứng. Hướng dẫn năm 2017 của Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA) đề xuất cân nhắc điều trị LT4 với liều 25–50 μg/ngày cho trường hợp có suy giáp dưới lâm sàng và kháng thể tuyến giáp âm tính. Mặc khác, hướng dẫn của Hiệp hội tuyến giáp Châu Âu (ETA) khuyến nghị điều trị khi nồng độ TSH >4 mIU/L, bất kể tình trạng kháng thể. Đối với phụ nữ đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)/ICSI, được chỉ định điều trị LT4 trước khi kích thích buồng trứng khi TSH > 4 mUI/L, bất kể có TAI hay không. Tuy nhiên, nếu mức TSH>2,5 và <4 mUI/L, ETA gợi ý bắt đầu LT4 khi có TAI. Đồng thuận giữa ATA và ETA duy trì mức TSH dưới 2,5 mUI/L.
  • Suy giáp trên lâm sàng (OH)
Tỷ lệ mắc OH ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dao động từ 0,2% đến 4,5%. Suy giáp nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ vô sinh và biến chứng trong thai kỳ. Việc bắt đầu điều trị LT4 được khuyến cáo để giá trị TSH <2,5 mIU/L trước khi chuyển phôi.
  • Cường giáp dưới lâm sàng và cường giáp trên lâm sàng
Tỷ lệ cường giáp dưới lâm sàng và cường giáp trên lâm sàng chiếm 2,1% ở phụ nữ hiếm muộn Tác động của cường giáp lên khả năng sinh sản của phụ nữ vẫn chưa rõ ràng, hầu hết phụ nữ bị cường giáp vẫn duy trì rụng trứng. Tuy nhiên, nếu cường giáp không được điều trị có thể dẫn đến nguy cơ sẩy thai tự nhiên cao.
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp và thụ tinh nhân tạo (IUI)
Hai nghiên cứu hồi cứu bao gồm 726 phụ nữ và 156 phụ nữ bình giáp có TPOAb âm tính đã thực hiện IUI, cho thấy giá trị TSH trước khi mang thai có giới hạn trên là 5 mIU/L, không ảnh hưởng đến kết quả IUI.
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp và thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON)
Việc sử dụng gonadotropin (hCG) để kích thích rụng trứng, có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp do sự đồng nhất về cấu trúc giữa TSH và hCG. Nghiên cứu tiến cứu tại Hà Lan với sự tham gia của 5435 phụ nữ mang thai cho thấy nồng độ hCG cao ở bệnh nhân bình giáp có liên quan đến nguy cơ cường giáp dưới lâm sàng.
Hơn nữa, nghiên cứu còn cho thấy rằng TAI có TPOAb dương tính, làm thay đổi phản ứng của tuyến giáp đối với hCG. Nghiên cứu triển vọng trên 1297 phụ nữ thực hiện IVF/ICSI, cho thấy phụ nữ bị viêm giáp tự miễn và có tình trạng thiếu hụt vitamin D, gây ảnh hưởng đến chất lượng phôi. Một phân tích tổng hợp cho thấy nồng độ TPOAb vượt quá 100 IU/mL liên quan đáng kể đến tỷ lệ sẩy thai cao và tỷ lệ sinh thấp ở những bệnh nhân đang điều trị hỗ trợ sinh sản.
 
Kết luận
Rối loạn chức năng tuyến giáp bao gồm TAI, SCH, OH, cường giáp dưới lâm sàng và cường giáp trên lâm sàng, có thể làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ. Tác động chính xác của rối loạn chức năng tuyến giáp đối với kết quả IUI vẫn chưa có kết luận và cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, đối với thụ trinh trong ống nghiệm, cần được điều trị trước khi thực hiện thủ thuật để cải thiện tỷ lệ thành công. Việc sử dụng LT4 được khuyến cáo để tối ưu hóa chức năng tuyến giáp và tăng cường kết quả sinh sản.
 
Tài liệu tham khảo: M.J. Concepción-Zavaleta et al. Thyroid dysfunction and female infertility. A comprehensive review. https://doi.org/10.1016/j.dsx.2023.102876

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK