Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 08-10-2021 8:25am
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế

CNSH. Ngô Hoàng Tín - IVFVH

Trên thế giới, vô tinh (azoospermia - không có tinh trùng trong tinh dịch) chiếm khoảng 1% nam giới. Đối với trường hợp này, bệnh nhân cần thực hiện thủ thuật để thu mẫu tinh trùng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu hồi cứu gần đây được công bố vào năm 2016 bởi Cissen và cộng sự cho thấy chỉ có 43,7% trường hợp vô tinh không bế tắc thực hiện thành công thủ thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn (TESE). Đồng thời, nghiên cứu hồi cứu của Vloeberghs và cộng sự (2015) cũng cho thấy chỉ 40,5% trường hợp vô tinh không bế tắc có tinh trùng trưởng thành tại lần đầu thực hiện thủ thuật TESE. Đối với bệnh nhân không có tinh trùng sau phẫu thuật, họ có rất ít lựa chọn. Tuy nhiên, người ta cho rằng tinh tử (tinh trùng chưa biệt hóa và trưởng thành) có thể được sử dụng thay thế cho tinh trùng trưởng thành trong những trường hợp này (tiêm tinh tử đầu tròn – ROSI)). Trong số những bệnh nhân vô tinh không bế tắc, không có tinh trùng trưởng thành hoặc tinh trùng ở giai đoạn cuối của quá trình trưởng thành từ mẫu tinh hoàn sau thủ thuật, có báo cáo cho rằng khoảng 30% bệnh nhân sẽ có tinh tử trong mẫu phẫu thuật của họ. Nghiên cứu này tiến hành đánh giá tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp kết quả sau khi thực hiện ROSI.

Nghiên cứu tiến hành tổng quan hệ thống các nghiên cứu: (1) công bố báo cáo bệnh nhân nam trải qua ROSI; (2) cặp vợ chồng được chuyển phôi bằng cách sử dụng phôi tươi và / hoặc đông lạnh thu được từ quy trình ROSI; và (3) ấn phẩm, báo cáo kết quả mang thai (bao gồm tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ mang thai mỗi chu kỳ, tỷ lệ em bé sinh mỗi chu kỳ, tỷ lệ mang thai trên mỗi cặp vợ chồng và / hoặc tỷ lệ em bé sinh trên mỗi cặp vợ chồng). Tổng cộng có 22 nghiên cứu được đưa vào để phân tích, bao gồm 1099 cặp vợ chồng và 4218 ca chuyển phôi. Trong số 22 nghiên cứu được đưa vào phân tích, có 2 nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu và 20 là nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu.

Kết quả các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thụ tinh sau ROSI là 38,7% (95% KTC, 31,5 - 46,3), trong khi tỷ lệ có thai là 3,7% (95% KTC, 3,2 - 4,4). Tỷ lệ sinh sống thấp, với 4,3% trường hợp chuyển phôi có trẻ sinh sống (95% KTC, 2,3 - 7,7). Tỷ lệ có thai của mỗi cặp vợ chồng là 13,4% (95% KTC, 6,8 - 19,1) và tỷ lệ sinh sống là 8,1% (95% KTC, 6,1 - 14,4). Từ đó cho thấy, ROSI có thể có thai lâm sàng và trẻ sinh sống, nhưng tỷ lệ thành công thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ đạt được với tinh trùng trưởng thành.

Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sinh sống thành công giảm đi rất nhiều và tiên lượng tương đối xấu với nhóm bệnh nhân thực hiện ROSI. Tuy nhiên, nhìn chung phương pháp này có thể là một giải pháp thay thế khả thi mang lại cơ hội có con cho những bệnh nhân không có tinh trùng.
 
Nguồn: Hanson, B. M., Kohn, T. P., Pastuszak, A. W., Scott, R. T., Jr, Cheng, P. J., & Hotaling, J. M. (2021). Round spermatid injection into human oocytes: a systematic review and meta-analysis. Asian journal of andrology, 23(4), 363–369. https://doi.org/10.4103/aja.aja_85_20.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK