Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 05-10-2021 10:46pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Minh Anh – IVFMDTB

Bắt đầu từ tháng 12 năm 2019 một số ca mắc bệnh viêm phổi mới được ghi nhận tại Vũ Hán – Trung Quốc. Đến tháng 2/2020, tổ chức y tế thế giới (World Health Organization – WHO) chính thức đặt tên cho tình trạng này là bệnh coronavirus 2019 (COVID-19). COVID-19 do chủng coronavirus 2 (SARS-CoV-2) gây ra khiến người bệnh có triệu chứng viêm phổi từ nhẹ đến nặng. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh,  đến tháng 7 năm 2020, đã có hơn 12 triệu trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận trên toàn thế giới. Tới thời điểm hiện tại, người ta đã xác định được có khoảng 27 loại virus tồn tại trong tinh dịch và tinh trùng. Điều này đặt ra một câu hỏi liệu SARS-CoV-2 có tồn tại trong tinh dịch của các bệnh nhân bị nhiễm bệnh hay không. Trong năm 2020, hàng loạt công bố cho thấy không phát hiện SARS-CoV-2 hiện diện trong tinh dịch của bệnh nhân mắc COVID-19.  Các bằng chứng hiện có chỉ ra rằng nguy cơ virus phát tán vào tinh dịch là thấp, tuy nhiên vẫn không thể chủ quan và chấp nhận các nguy cơ tiềm tàng khi các mẫu tinh dịch được bảo quản trong thời gian xảy ra đại dịch. Nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể xuất hiện nếu có sự tồn tại của SARS-CoV-2 với nồng độ rất thấp trong tinh dịch và nito lỏng.
 
Định lượng PCR theo thời gian thực (qRT-PCR) là kỹ thuật được sử dụng để xác định xem có sự tồn tại của SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm hay không. Tuy nhiên kỹ thuật này có thể không phát hiện được axit nucleic trong các mẫu lâm sàng có tải lượng vi rút thấp, chẳng hạn như tinh dịch và máu. Do đó, nghiên cứu của nhóm tác giả Wang và cộng sự (2020) đã phát triển một phương pháp định lượng PCR mới (OSN-qRT-PCR) để phát hiện SARS-CoV-2 trong các mẫu lâm sàng với độ nhạy và độ đặc hiệu cao gấp 10 lần so với phương pháp qRT-PCR tiêu chuẩn. Trong nghiên cứu này với mục tiêu xác định các nguy cơ của quá trình trữ lạnh tinh dịch thu nhận tại thời điểm trong và sau khi xảy ra đại dịch, nhóm tác giả sử dụng phương pháp OSN-qRT-PCR để xét nghiệm mẫu máu và tinh dịch bảo quản tại Ngân hàng tinh trùng người tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
 
Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện trong 2 giai đoạn 1/1/2020 đến 30/1/2020 và 7/4/2020 đến 30/5/2020. Mẫu máu và tinh dịch được thu nhận từ 100 người tình nguyện, trong đó 50 mẫu máu và tinh dịch được thu nhận từ 50 người tình nguyện tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, 50 mẫu máu và tinh dịch còn lại được thu nhận từ 50 người khác khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Ở giai đoạn bùng phát dịch, xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 bằng dịch tuỵ hầu không được thực hiện ở những người tình nguyện. Tuy nhiên, giai đoạn 2 khi dịch bệnh đã giảm 50 người tình nguyện được thực hiện xét nghiệm này và cho kết quả âm tính. RNA tổng số được thu nhận từ 200 μL mẫu để tiến hành đánh giá.  Phương pháp OSN-qRT-PCR sẽ được sử dụng để xác định sự hiện diện của SARS-CoV-2. Để loại trừ nguy cơ âm tính giả, 10 mẫu có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 sau khi đánh giá bằng OSN-qRT-PCR sẽ được phân tích lần thứ 2 bằng phương pháp PCR kỹ thuật số (Crystal Digital PCR – cdPCR).
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả mẫu tinh dịch và máu của 100 bệnh nhân sau khi sàng lọc bằng OSN-qRT-PCR và cdPRC đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
 
Từ khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới, nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản đã hạn chế hoạt động. Mặc dù mối liên hệ giữa SARS-CoV-2 và kết quả điều trị hỗ trợ sinh sản vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều hiệp hội bao gồm Hiệp hội Sinh sản & Phôi học Châu Âu và Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ đã đưa ra các hướng dẫn về phác đồ điều trị mới cho bệnh nhân. Trong đó, họ khuyến khích nên thực hiện chiến lược trữ đông toàn bộ đối với các cặp vợ chồng đang  kích thích buồng trứng, đồng thời trữ đông giao tử đối với các trường hợp cần bảo tồn khả năng sinh sản. Mặc dù vẫn chưa có nhiều bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của SARS-CoV-2 trong tinh dịch, tuy nhiên những lo ngại về khả năng lây lan dù với nồng độ rất nhỏ trong quá trình trữ lạnh vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Vì vậy qua nghiên cứu này, tác giả đề nghị sử dụng phương pháp xét nghiệm OSN-qRT-PCR có độ nhạy cao hơn đối với các mẫu ngân hàng tinh trùng trước khi trữ nhằm xác định sự có mặt của SARS-CoV-2.
 
Nguồn: Huang C, Zhou SF, Gao LD, Li SK, Cheng Y, Zhou WJ, Huang ZH, Ji XR, Fan LQ, Zhang F, Chen ZW, Zhan ZF, Hu SX, Wang SP, Ma XJ, Zhu WB. Risks associated with cryopreserved semen in a human sperm bank during and after the COVID-19 pandemic. Reprod Biomed Online. 2021 Mar;42(3):589-594. doi: 10.1016/j.rbmo.2020.11.015.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK