Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 04-10-2021 10:50am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận

Tỉ lệ vô sinh vẫn đang tăng lên ở các quốc gia, cũng như tổng số tinh trùng của nam giới ngày càng giảm dần, còn nữ giới thì trì hoãn thời gian sinh con. Ngoài ra, tình trạng béo phì, hút thuốc lá và các lối sống không lành mạnh khác lại tăng, mà những yếu tố này có liên quan đến khả năng sinh sản của nam và nữ giới. Bên cạnh đó, tỉ lệ làm tổ thất bại và sẩy thai sớm cao sau điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) vẫn còn cao mặc dù đã lựa chọn phôi để chuyển với chất lượng hình thái tốt.
Chế độ dinh dưỡng và lối sống không lành mạnh trong và trước giai đoạn mang thai có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phôi và thai kỳ sau này. Theo Trung tâm dinh dưỡng Hà Lan khuyến nghị chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ gồm 6 nhóm thực phẩm như trái cây, rau củ, thịt, cá, thực phẩm từ lúa mì, chất béo sẽ cải thiện tăng 65% tỉ lệ thai diễn tiến sau TTTON. Hơn nữa, nam giới béo phì và chế độ dinh dưỡng có liên quan đến chất lượng tinh trùng và biến đổi thượng di truyền (epigenetic), có thể ảnh hưởng đến chất lượng phôi và kết quả thai. Giả thuyết được đặt ra là chế độ dinh dưỡng và lối sống của nam giới sẽ ảnh hưởng đến các con đường tham gia vào quá trình sinh lý (hay bệnh lý) của chất lượng tinh trùng như phản ứng viêm, sinh tạo mạch, biến đổi thượng di truyền, dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi tiền làm tổ.
 
Qua đó, nghiên cứu này (2020) được thực hiện nhằm khám phá mối tương quan giữa chế độ dinh dưỡng và lối sống của bố mẹ đối với sự phát triển của phôi tiền làm tổ. Tổng 113 bệnh nhân nữ (n= 490 phôi) và 41 nam giới (n=185 phôi) tham gia nghiên cứu trải qua điều trị ICSI. Các đặc điểm nền, chế độ dinh dưỡng, lối sống (như ăn nhiều rau củ, trái cây, axit folic, hút thuốc lá, uống rượu bia) của phụ nữ và nam giới đều được ghi nhận và tính điểm nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng phôi tiềm làm tổ.
Các phôi được nuôi trong hệ thống nuôi cấy kết hợp camera quan sát liên tục (time – lapse monitoring_TLM) Embryoscope đến ngày 3. Những thông số động học được ghi nhận là thời điểm 2 tiền nhân xuất hiện (tPNa), cả 2 tiền nhân biến mất (tPNf), thời điểm phôi đạt 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 tế bào (t2, t3, t4, t5, t6, t7, t8). Việc đánh giá ghi nhận thông số động học hình thái phôi được thực hiện bởi các chuyên viên phôi học trong nhóm nghiên cứu thì thấy được tỉ lệ đồng thuận khá cao (chỉ số ICC > 0,95) khi quan sát được giai đoạn hợp tử và thời điểm phôi phân chia thứ nhất đến giai đoạn 5 tế bào (tPNa, tPNf, t2, t3, t4, t5). Còn tỉ lệ đồng thuận của việc ghi nhận t6, t7, t8 giữa các chuyên viên phôi học chỉ ở mức trung bình (ICC = 0,23 – 0,40). Chất lượng phôi và tiềm năng làm tổ của phôi được đánh giá và chấm điểm bằng mô hình KIDScore.
 
KIDScore được phát triển dựa vào những thông số động học hình thái của các phôi tiền làm tổ trong 3 ngày đầu có nguồn gốc từ điều kiện nuôi cấy và phương pháp thụ tinh khác nhau (IVF cổ điển và ICSI). KIDScore chia phôi thành 5 điểm (từ điểm 1 – điểm 5) dựa vào 6 thông số động học hình thái là: hợp tử phải có 2 tiền nhân, tPNf, t2, t3, t5 và số lượng tế bào của phôi tại thời điểm 66 giờ sau khi ICSI hoặc IVF cổ điển. Phôi đạt điểm 1 có sự phát triển chậm và tiềm năng làm tổ thấp (cơ hội làm tổ chỉ 5%), còn phôi điểm 5 có sự phân chia bình thường cho tỉ lệ làm tổ cao (khoảng 36%). Phôi ngày 3 được chia thành 5 loại với giá trị AUC tiên lượng khả năng phát triển lên phôi nang là 0,75 và giá trị AUC tiên lượng tiềm năng làm tổ là 0,65 (Petersen và cộng sự, 2016). Adolfsson và cộng sự (2018), đã chứng tỏ KIDScore sẽ gia tăng giá trị tiên lượng tỉ lệ làm tổ và thai lâm sàng khi so sánh với chỉ số đánh giá phôi bằng hình thái học.
 
Kết quả cho thấy:
-      Có mối tương quan giữa điểm số nguy cơ của chế độ dinh dưỡng và lối sống của bố mẹ với điểm số chất lượng hình thái của phôi ngày 3 KIDScore.
-      Ở tổng quần thể phụ nữ trong nghiên cứu, tổng điểm số nguy cơ kết hợp của trái cây, rau củ, axit folic trong chế độ dinh dưỡng (OR = 0,86; 95% CI: 0,76 – 0,98; p = 0,02) và chế độ ăn ít thực vật (OR = 0,76; 95% CI: 0,59 – 0,96; p = 0,02) có tương quan nghịch với điểm số phôi ngày 3 KIDScore. Còn ở nhóm phụ nữ thừa cân (BMI > 25 kg/m2), điểm số tổng nguy cơ chế độ dinh dưỡng và lối sống (OR = 0,74; 95% CI: 0,56 – 0,98; p = 0,04), điểm số nguy cơ chế độ dinh dưỡng (OR = 0,74; 95% CI: 0,55 – 0,98; p = 0,03), ăn ít thực vật (OR = 0,53; 95% CI: 0,32 – 0,87; p = 0,01) là có mối tương quan nghịch với điểm số phôi ngày 3 KIDScore.
-      Ở nam giới, việc hút thuốc có tương quan nghịch với điểm số phôi ngày 3 KIDScore (OR = 0,53; 95% CI: 0,33 – 0,85; p < 0,01). Còn điểm số tổng nguy cơ chế độ dinh dưỡng và lối sống, điểm số nguy cơ của chế độ dinh dưỡng, lối sống, hay điểm số nguy cơ riêng của việc ăn thực vật, ăn trái cây, uống rượu bia không có liên quan đến điểm số chất lượng phôi ngày 3 ( p > 0,05).
 
Như vậy, chế độ ăn ít thực vật ở nữ giới trước thời kỳ mang thai và hút thuốc lá ở nam giới sẽ làm giảm đáng kể tiềm năng làm tổ của phôi sau ICSI. Do đó, việc điều chỉnh lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp các cặp vợ chồng tăng cơ hội có thai kỳ khoẻ mạnh.
 
Nguồn: Preconceptional Maternal Vegetable Intake and Paternal Smoking Are Associated with Pre-implantation Embryo Quality, Reproductive Sciences (2020) 27:2018–2028 https://doi.org/10.1007/s43032-020-00220-8
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK