Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 04-09-2021 11:14am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Duy Tùng - C-IVFMD

Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, công nghệ hỗ trợ sinh sản (HTSS) đã có những bước tiến quan trọng giúp cải thiện hiệu quả của các chu kỳ điều trị. Các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (conventional in vitro fertilization - C-IVF) và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection – ICSI) dần được tiêu chuẩn hóa. Tuy nhiên, đặc điểm sinh học của giao tử không hoàn toàn giống nhau dẫn đến sự khác nhau trong kỹ thuật thao tác trên từng giao tử.  Một ví dụ điển hình là lựa chọn thời điểm chính xác để thực hiện thụ tinh cho noãn, do sự trưởng thành về nhân và tế bào chất ở noãn là không đồng thời và không giống nhau ở tất cả các noãn. Khi ngày càng nhiều bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) sẽ làm tăng khối lượng cũng như thay đổi lịch trình thực hiện công việc ở các phòng thí nghiệm phôi học. Theo ủy ban theo dõi công nghệ HTSS quốc tế (International Committee Monitoring Assisted Reproductive Technologies - ICMART), số lượng chu kỳ thực hiện TTTON đã tăng hơn 2 triệu ca (9.3%) năm 2016 so với năm 2015.
 
Việc tối ưu hóa quy trình là cực kỳ quan trọng khi số lượng chu kỳ TTTON tăng, do thời điểm thực hiện thụ tinh sẽ ảnh hưởng đến thời điểm đánh giá hợp tử và phôi về sau và cũng có khả năng ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của phôi. Khi thực hiện chọc hút ở các chu kỳ kích thích buồng trứng, noãn thu nhận được ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Thông thường noãn được cho là trưởng thành về nhân khi có sự xuất hiện của thể cực thứ nhất, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng sự trưởng thành về nhân xảy ra sớm hơn sự trưởng thành về tế bào chất và noãn cần được nuôi cấy một thời gian trước khi thực hiện thụ tinh để noãn hoàn tất quá trình trưởng thành tế bào chất. Sự trưởng thành về tế bào chất giúp noãn có thể thực hiện các chức năng tiếp theo như thụ tinh và phát triển thành phôi. Các nghiên cứu đầu tiên về C-IVF đề xuất noãn nên được nuôi cấy tối thiểu 3 giờ trước khi thực hiện thụ tinh và vẫn còn nhiều tranh cãi từ những năm 1980 đến nay do có những nghiên cứu chứng minh thời gian nuôi cấy trước khi cho thụ tinh không ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh cũng như chất lượng của phôi. Những nghiên cứu tương tự cũng được thực hiện với kỹ thuật ICSI về thời gian tách noãn ra khỏi tế bào hạt cũng như thời điểm thực hiện thụ tinh. Tuy nhiên, phần lớn những nghiên cứu này chỉ thực hiện với khoảng thời gian ngắn, không bao gồm những khoảng thời gian trước 1,5 giờ và sau 7 giờ. Nghiên cứu này được thực hiện để tìm hiểu ảnh hưởng của thời điểm thực hiện thụ tinh sau khi chọc hút noãn đến các kết quả trên hợp tử và phôi, bao gồm sự thụ tinh, khả năng phát triển đến giai đoạn phôi nang và kết quả thai ở cả C-IVF và ICSI với khoảng thời gian khảo sát từ 0 đến 8 giờ sau khi chọc hút noãn.
 
Nghiên cứu thực hiện dưới dạng hồi cứu, trên 6559 bệnh nhân điều trị TTTON với 9575 chu kỳ chọc hút noãn từ 1/1/2017 đến 31/7/2019. Tất cả những chu kỳ thu nhận được ít nhất một noãn trưởng thành đều được đưa vào nghiên cứu. Tiêu chuẩn loại bao gồm những trường hợp tinh trùng thu nhận từ thủ thuật, trữ đông noãn và không có noãn trưởng thành sau khi chọc hút. Kết quả chính của nghiên cứu sẽ tập trung vào tỷ lệ trẻ sinh sống. Những kết quả phụ khác cũng sẽ được phân tích bao gồm tỷ lệ noãn thụ tinh, tỷ lệ phát triển thành phôi nang, tỷ lệ thai lâm sàng và sảy thai. Thời gian chờ từ lúc chọc hút đến khi thực hiện thụ tinh được chia làm 8 nhóm khác nhau: 0 (0– < 0.5 giờ), 1 (0.5– < 1.5 giờ), 2 (1.5– < 2.5 giờ), 3 (2.5– < 3.5 giờ), 4 (3.5– < 4.5 giờ), 5 (4.5– < 5.5 giờ), 6 (5.5–6.5 giờ), và 7 (6.5– < 8 giờ). Số lượng noãn trong mỗi nhóm lần lượt là: 586, 1594, 1644, 1796, 1836, 1351, 641, và 127 (bao gồm cả thụ tinh bằng C-IVF và ICSI).

Một số kết quả mà nhóm nghiên cứu thu nhận được:
  • Tỷ lệ thụ tinh trung bình bằng phương pháp C-IVF dao động từ 54.1% đến 64.9% với tỷ lệ thụ tinh thấp hơn đáng kể giữa nhóm 0 (54.06% ± 27.54) và 1 (57.56% ± 25.59) so với nhóm 5 (64.87% ± 25.44) (p<0.0001).
  • Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thụ tinh giữa các nhóm giờ ở nhóm thực hiện thụ tinh bằng phương pháp ICSI. Tỷ lệ thụ tinh ở nhóm 0 cao hơn đáng kể so với những nhóm còn lại, tuy nhiên, số lượng quá ít để có ý nghĩa thống kê.
  • Tỷ lệ phát triển thành phôi nang giữa nhóm thực hiện C-IVF và ICSI không có sự khác biệt đáng kể. Tỷ lệ trung bình giữa tất cả các nhóm là 45.26%.
  • Tỷ lệ phát triển thành phôi nang ở nhóm thực hiện C-IVF cao nhất ở nhóm 6 (48.32%) và thấp nhất ở nhóm 5 (42.34%). Ở nhóm thực hiện ICSI, tỷ lệ cao nhất ở nhóm 0 (48.86%) và thấp nhất ở nhóm 7 (38.94%).
  • Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thai lâm sàng, sảy thai và trẻ sinh sống giữa nhóm C-IVF và ICSI.
 
Nhìn chung, nghiên cứu không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào về kết quả phôi học cũng như kết quả lâm sàng giữa nhóm thực hiện thụ tinh bằng C-IVF và ICSI cũng như thời điểm thực hiện thụ tinh. Mặc dù có sự khác biệt về tỷ lệ thụ tinh giữa một số nhóm nhưng cần những nghiên cứu trên cỡ mẫu lớn hơn để đạt được sự khác biệt đáng kể. Khi noãn đã thụ tinh thì không có sự khác biệt về khả năng phát triển cũng như tiềm năng làm tổ của phôi.
 
Nguồn: Esiso FM, Cunningham D, Lai F, et al. The effect of rapid and delayed insemination on reproductive outcome in conventional insemination and intracytoplasmic sperm injection in vitro fertilization cycles [published online ahead of print, 2021 Aug 17]. J Assist Reprod Genet. 2021;10.1007/s10815-021-02299-7. doi:10.1007/s10815-021-02299-7

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK