Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 28-08-2021 3:45pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương

Chuyển phôi đơn phôi nang chất lượng tốt (High-quality single blastocyst transfer - SBT) ngày càng được khuyến cáo cho bệnh nhân vì mang lại hiệu quả đối với kết quả thai lâm sàng và tỷ lệ đa thai giảm đáng kể so với chuyển hai phôi nang (double blastocyst transfer - DBT). Tuy nhiên, hiện nay không có sự thống nhất về việc liệu chiến lược chuyển phôi này có phù hợp với các phôi nang chất lượng thấp hay không. Hơn nữa, ảnh hưởng của tốc độ phát triển của phôi nang chất lượng thấp đối với kết quả thai lâm sàng còn gây tranh cãi. Do đó, Yuxia He và cộng sự (2021) đã tiến hành nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của tốc độ phát triển và hình thái phôi nang lên kết quả thai lâm sàng và sơ sinh trong chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (frozen embryo transfer - FET) của các phôi nang chất lượng thấp.
 
Nghiên cứu hồi cứu đánh giá trên 2.038 chu kỳ FET của phôi nang chất lượng thấp từ bệnh nhân ≤ 40 tuổi từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 12 năm 2019 và được phân chia dựa trên tốc độ phát triển của phôi nang và số lượng phôi được chuyển: D5-SBT (n = 476), D5-DBT (n = 365), D6-SBT (n = 730) và D6-DBT (n = 467). Nhóm SBT được chia nhỏ hơn dựa trên hình thái phôi: D5-AC/ BC (n = 407), D5-CA/CB (n = 69), D6-AC/BC (n = 580) và D6-CA/CB (n = 150). Các phôi nang được phân loại theo hệ thống phân loại Gardner.
 
Kết quả cho thấy, khi phôi nang đạt tốc độ phát triển như nhau, tỷ lệ trẻ sinh sống và đa thai của DBT cao hơn đáng kể so với SBT. Hơn nữa, không có sự khác biệt thống kê về tỷ lệ sẩy thai sớm và trẻ sinh sống giữa nhóm AC/BC và CA/CB. Khi bệnh nhân trong nhóm SBT được phân chia theo tốc độ phát triển của phôi nang, tỷ lệ thai lâm sàng và trẻ sinh sống của nhóm D5-SBT cao hơn đáng kể so với nhóm D6-SBT (42,44% so với 20,82%; 32,35% so với 14,25%). Hơn nữa, đối với các phôi nang trong cùng một nhóm hình thái (nhóm AC/BC hoặc CA/CB), tỷ lệ thai lâm sàng và trẻ sinh sống ở nhóm D5 cũng cao hơn đáng kể so với nhóm D6. Bên cạnh đó, không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm SBT và DBT về tuổi thai, chiều cao, cân nặng của trẻ sơ sinh và tỷ lệ trẻ nhẹ cân.
 
Nghiên cứu cho thấy, khi chuyển phôi nang nên chú trọng đến tốc độ phát triển của phôi đối với những phôi nang chất lượng thấp vì kết quả thai lâm sàng của phôi nang D5 tốt hơn đáng kể so với phôi nang D6. Đối với những phôi nang D5 chất lượng thấp, SBT có thể được khuyến cáo cho bệnh nhân vì kết quả thai  chấp nhận được và tỷ lệ đa thai giảm đáng kể so với DBT. Đối với phôi nang D6 chất lượng thấp, chiến lược DBT được khuyến cáo cho bệnh nhân để cải thiện kết quả thai kỳ. Khi phôi nang có tốc độ phát triển như nhau, chiến lược chuyển phôi lựa chọn phôi nang có tế bào ICM loại “C” hoặc tế bào TE loại “C” không ảnh hưởng đến kết quả thai lâm sàng và sơ sinh.
 
Tài liệu tham khảo: Yuxia He, Shiping Chen, Jianqiao Liu và cộng sự. Effect of blastocyst morphology and developmental speed on transfer strategy for grade “C” blastocyst in vitrified‐warmed cycles. Journal of Ovarian Research. 2021.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Stress oxi hóa và vô sinh nam - Ngày đăng: 25-08-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK