Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 24-08-2021 6:42pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Hiện nay có hai kỹ thuật chính được sử dụng trong điều trị vô sinh hiếm muộn là Kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization- IVF) và Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (IntraCytoplasmic Sperm Injection- ICSI). Kỹ thuật IVF cổ điển thường được chỉ định cho những trường hợp vô sinh do yếu tố nữ giới như bất thường trong ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung, rối loạn phóng noãn, vô sinh không rõ nguyên nhân hoặc do yếu tố nam giới như chất lượng tinh trùng yếu nhẹ. Trong khi đó, ICSI được chỉ định cho những trường hợp vô sinh do yếu tố nam, thất bại thụ tinh IVF cổ điển ở chu kỳ trước đó, thụ tinh kém chu kỳ trước, các trường hợp ít noãn hoặc trong các chu kỳ sử dụng noãn rã đông. Hiện nay, ICSI là kỹ thuật được chỉ định phổ biến và chiếm đến 71,3% số chu kỳ điều trị vô sinh, hiếm muộn.
 
Trong những năm đầu thập niên 2000, chiến lược chia đôi noãn của cùng một bệnh nhân để thực hiện cả hai kỹ thuật ICSI và IVF cổ điển được thực hiện tại một số trung tâm IVF. Thông qua chiến lược này, có thể xác định được giao tử có thích hợp để tự thụ tinh bằng IVF cổ điển hay cần phải hỗ trợ thụ tinh thông qua ICSI. Nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau đã so sánh kết quả và hiệu quả khi thực hiện IVF cổ điển và ICSI trên cùng một đoàn hệ noãn của bệnh nhân. Cho đến nay, hiệu quả của IVF cổ điển và ICSI trên phương diện kết quả phôi học và kết quả thai vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Do đó, Sandrine Chamayou và cộng sự (2021) đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá xem giữa IVF cổ điển và ICSI, kỹ thuật nào sẽ cho hiệu quả cao nhất khi đánh giá trên khả năng tạo ra phôi nang hữu dụng.
 
Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2020 trên 211 bệnh nhân thực hiện IVF và ICSI trên cùng một đoàn hệ noãn và chuyển phôi nang đã được xác định kỹ thuật thụ tinh cho bệnh nhân. Bên cạnh các chỉ số đánh giá như tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ phôi phân chia, tỉ lệ phôi nang trên số hợp tử, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ sinh sống, nghiên cứu còn sử dụng thêm chỉ số KPI mới là tỉ lệ phôi nang tính trên mỗi noãn MII sử dụng và số noãn MII cần để tạo nên một phôi nang hữu dụng ngày 5 để đánh giá kết quả.
 
Trong tổng số 2602 phức hợp noãn- tế bào hạt được thu nhận (trung bình 12,3 phức hợp cho mỗi chu kỳ chọc hút), có 1302 phức hợp thuộc nhóm ICSI và 1300 phức hợp thuộc nhóm IVF cổ điển. Sau khi tách noãn, có 900 noãn MII được thụ tinh bằng kỹ thuật IVF và 904 noãn được thụ tinh bằng kỹ thuật ICSI. Kết quả phôi học cho thấy tỉ lệ thụ tinh ở nhóm ICSI cao hơn đáng kể so với nhóm IVF (80,6% so với 66,2% ; p< 0,001). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ phôi phân chia (97,3% so với 96,1%; p > 0,05) và tỉ lệ phôi nang trên số hợp tử tạo thành (54,7% so với 51,8%; p> 0,05) giữa 2 nhóm kỹ thuật ICSI và IVF. Khi đánh giá tỉ lệ tạo phôi nang dựa trên số noãn MII, kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ này cao có ý nghĩa thống kê ở nhóm ICSI so với nhóm IVF (44,1% so với 34,3%; p< 0,001). Dựa vào số liệu trên, số lượng noãn trung bình để tạo ra 1 phôi nang hữu dụng bằng kỹ thuật ICSI và IVF tương ứng là 2,3 và 2,9 noãn. Trong 188 phôi nang được tạo ra bằng kỹ thuật ICSI được chuyển, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ sinh sống tương ứng là 42,6% và 38,2%. Trong 178 phôi nang được tạo ra bằng kỹ thuật IVF được chuyển, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ sinh sống tương ứng là 35,4% và 35,4%. Không có sự khác biệt về kết quả thai lâm sàng giữa hai nhóm kỹ thuật (p > 0,05).
 
Trong 211 bệnh nhân, có 122 bệnh nhân (trung bình tuổi vợ là 34,3 tuổi) thực hiện phác đồ kích thích buồng trứng dài ngày và 89 bệnh nhân (trung bình tuổi vợ là 34,9 tuổi) thực hiện phác đồ ngắn. Về nguyên nhân vô sinh, có 91 bệnh nhân vô sinh không rõ nguyên nhân (trung bình tuổi vợ là 34,9 tuổi), 20 bệnh nhân vô sinh do yếu tố nam giới (trung bình tuổi vợ là 34,9 tuổi) và 100 bệnh nhân vô sinh do yếu tố nữ giới (rối loạn phóng noãn, lạc nội mạc tử cung, PCOS,…) với độ tuổi trung bình là 33,5 tuổi. Phân loại bệnh nhân dựa vào độ tuổi, có 159 bệnh nhân từ 19 đến 37 tuổi và 52 bệnh nhân từ 38 đến 45 tuổi.
 
Phân tích kết quả ICSI và IVF cổ điển trên các phân nhóm nhỏ về phác đồ kích thích buồng trứng, nguyên nhân vô sinh và độ tuổi trung bình của bệnh nhân, nghiên cứu thấy rằng tỉ lệ thụ tinh cao hơn đáng kể khi thực hiện ICSI so với IVF cổ điển trên tất cả các phân nhóm. Tỉ lệ phôi phân chia tương đương sau ICSI và IVF, ngoại trừ phân nhóm kích thích buồng trứng bằng phác đồ dài và vô sinh do yếu tố nữ giới có tỉ lệ phôi tạo bởi kỹ thuật ICSI cao hơn (p < 0,01). Tỉ lệ tạo phôi nang trên số lượng hợp tử tương đương giữa hai nhóm kỹ thuật, ngoại trừ phân nhóm kích thích buồng trứng bằng phác đồ dài cho kết quả phôi tạo bằng kỹ thuật ICSI cao hơn (p< 0,01).
 
Tỉ lệ tạo thành phôi nang trên số noãn MII bằng kỹ thuật ICSI cao hơn đáng kể ở tất cả các phân nhóm, có ý nghĩa thống kê ở phân nhóm sử dụng phác đồ kích thích ngắn và dài, vô sinh không rõ nguyên nhân, vô sinh do yếu tố nữ giới và từ 19-37 tuổi. Do đó, số lượng noãn trung bình để tạo ra một phôi nang hữu dụng bằng kỹ thuật ICSI luôn thấp hơn kỹ thuật IVF. Nghiên cứu này báo cáo rằng ở những bệnh nhân sử dụng phác đồ kích thích dài, chỉ cần 1,8 noãn thụ tinh bằng kỹ thuật ICSI có thể tạo thành 1 phôi nang hữu dụng, trong khi những bệnh nhân vô sinh do yếu tố nam giới, cần tới 3 noãn thụ tinh bằng kỹ thuật IVF mới có thể tạo ra 1 phôi nang hữu dụng. Tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ sinh sống tương đương giữa các phân nhóm bất kể kỹ thuật thụ tinh là IVF hay ICSI.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy số lượng phôi nang hữu dụng được tạo bởi kỹ thuật ICSI luôn cao hơn kỹ thuật IVF cổ điển. Nghiên cứu này còn khuyến cáo rằng chỉ số KPI mới về “ số lượng noãn cần để tạo ra phôi hữu dụng” nên được cân nhắc kiểm tra và sử dụng tại các trung tâm IVF.
 
Nguồn: Sandrine Chamayou và cộng sự (2021). More blastocysts are produced from fewer oocytes in ICSI compared to IVF – results from a sibling oocytes study and definition of a new key performance indicator. Reproductive Biology and Endocrinology. 10.1186/s12958-021-00804-2

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK