Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 20-08-2021 5:46pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Như Quỳnh – IVF Vạn Hạnh

Kĩ thuật hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology – ART) đã và đang phát triển mạnh mẽ trong hơn 40 năm qua. Ở thời kì đầu, chuyển phôi giai đoạn phôi phân chia (phôi ngày 2 hoặc ngày 3 sau thụ tinh) được ưu tiên do hạn chế về mặt môi trường nuôi cấy. Nguồn năng lượng phôi sử dụng trong giai đoạn phôi phân chia là pyruvate và các amino acid không thiết yếu, nhưng những thành phần này lại không thích hợp cho sự phát triển của phôi khi bắt đầu nén ở giai đoạn phôi dâu hoặc phôi nang. Nhờ vào nguồn kiến thức ngày càng mở rộng liên quan đến kĩ thuật nuôi cấy, hiện tại việc nuôi cấy phôi đến ngày 5 hoặc ngày 6 đã trở nên phổ biến ở các labo phôi học. Tuy nhiên, tùy vào chất lượng phôi hoặc đặc điểm lâm sàng mà vẫn có trường hợp phôi giai đoạn phân chia được lựa chọn để chuyển phôi.

Khi so sánh với việc nuôi phôi đến giai đoạn phân chia, lựa chọn nuôi phôi đến giai đoạn phôi nang có nhiều ưu điểm hơn: i) cho phép lựa chọn phôi có tiềm năng phát triển cao nhất, ii) cải thiện sự đồng bộ giữa phôi và khả năng chấp nhận làm tổ của nội mạc tử cung, iii) hỗ trợ chẩn đoán di truyền phôi thông qua kĩ thuật sinh thiết các tế bào TE, iv) giảm hiện tượng đa thai. Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng cho thấy chuyển phôi giai đoạn phôi nang mang lại kết quả khả quan hơn (về tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống) so với phôi giai đoạn phân chia. Hạn chế của việc nuôi cấy phôi dài ngày trong môi trường nuôi cấy là phôi bị ảnh hưởng bởi các gốc oxi hóa tự do hoặc bị stress oxi hóa cũng như nguy cơ không có phôi ngày 5 để chuyển.

Hiện tại, chuyển phôi giai đoạn phôi phân chia vẫn là một lựa chọn của bệnh nhân khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng hiệu quả của lựa chọn này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Mục tiêu nghiên cứu của tác giả Neblett và cộng sự (2021) là đánh giá tỉ lệ trẻ sinh sống sau khi chuyển phôi giai đoạn phân chia ở những trường hợp bệnh nhân có số lượng hợp tử (2PN) giới hạn và để thực hiện tư vấn bệnh nhân. Nghiên cứu thuộc dạng đoàn hệ hồi cứu với nguồn dữ liệu được thu thập từ năm 2014 đến năm 2017. Đối tượng nghiên cứu là những phụ nữ tuổi từ 18 – 45 tuổi, có ≤ 6 x 2PN được tạo bằng kĩ thuật ICSI hoặc IVF cổ điển. Nghiên cứu không bao gồm các trường hợp chuyển phôi trữ. Những bệnh nhân đã thực hiện nhiều chu kì kích thích buồng noãn thì chỉ ghi nhận kết quả của chu kì điều trị lần đầu tiên.
 
Đặc điểm chung để lựa chọn đối tượng nghiên cứu gồm: độ tuổi, chủng tộc, chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI), tình trạng sức khỏe, nồng độ hormone AMH, số lượng nang noãn sơ cấp, nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (thyroid-stimulating hormone – TSH) và nguyên nhân vô sinh. Phương pháp kích thích buồng noãn được lựa chọn dựa trên khả năng đáp ứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân sẽ bắt đầu được bổ sung progesterone vào ngày chọc hút noãn. Các đặc điểm của chu kì điều trị được nhận gồm thời gian kích thích buồng trứng, tổng liều gonadotropin sử dụng, nồng độ estradiol tối đa, độ dày nội mạc tử cung, số noãn trưởng thành khi chọc hút, tỉ lệ noãn trưởng thành, số phôi có hỗ trợ thoát màng, tỉ lệ thụ tinh, chất lượng hình thái phôi và số phôi được đông lạnh ở giai đoạn phôi nang. Phôi nuôi cấy được theo dõi bằng hệ thống time-lapse. Tiêu chuẩn đánh giá phôi ở giai đoạn phôi phân chia như sau:
- Phôi thuộc độ A nếu thời gian phân bào phù hợp, tỉ lệ phân mảnh < 10% và phôi bào phân chia đối xứng.
- Phôi thuộc độ B nếu thời gian phân bào nhanh hoặc chậm, tỉ lệ phân mảnh từ 11 – 25% và phôi bào đối xứng tương đối.
- Phôi thuộc độ C nếu thời gian phân bào khác biệt đáng kể so với khoảng tối ưu, tỉ lệ phân mảnh > 25% và phôi bào phân chia bất đối xứng.
Các tiêu chí đánh giá kết quả thai bao gồm: tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống, tỉ lệ sẩy thai, tỉ lệ thai sinh đôi.

Kết quả
Tổng cộng 146 bệnh nhân có ≤ 6 x 2PN, trong đó có 73 trường hợp thực hiện chuyển phôi giai đoạn phân chia, 73 trường hợp chuyển phôi vào ngày 5. Giữa 2 nhóm nghiên cứu không có sự khác biệt về tuổi, BMI và chủng tộc. Mặc dù các thông số liên quan đến đánh giá dự trữ buồng trứng như nồng độ hormone FSH, nồng độ hormone AMH và số lượng nang noãn sơ cấp không khác biệt, nhưng tỉ lệ nữ giới ở nhóm chuyển phôi phân chia bị giảm dự trữ buồng trứng cao hơn so với nhóm chuyển phôi ngày 5 (43,8% và 27,3%, P = 0,04).
Các đặc điểm liên quan đến chu kì kích thích buồng trứng như thời gian thực hiện kích thích buồng trứng, tổng liều gonadotropin sử dụng, nồng độ estradiol tối đa, nồng độ progesterone trong huyết thanh, độ dày nội mạc tử cung, tổng số noãn trưởng thành chọc hút được, tỉ lệ noãn trưởng thành và số lượng phôi có thực hiện hỗ trợ phôi thoát màng ở 2 nhóm là tương đương nhau.

Những đánh giá khác liên quan đến thai có kết quả như sau:
  • Tỉ lệ thụ tinh ở nhóm chuyển phôi phân chia thấp hơn nhóm chuyển phôi ngày 5 (58% và 72%, P < 0,001). Số lượng phôi chuyển ở nhóm chuyển phôi phân chia nhiều hơn so với nhóm phôi ngày 5 (2,1 ± 0,7 phôi và 1,6 ± 0,6 phôi, P < 0,001).
  • Tỉ lệ làm tổ ở nhóm chuyển phôi phân chia thấp hơn nhóm chuyển phôi ngày 5 với các tỉ lệ lần lượt là 20% và 54% (P < 0,001).
  • Tỉ lệ thai lâm sàng ở nhóm phôi phân chia là 33%, ở nhóm phôi ngày 5 là 62% (P < 0,001).
  • Tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm chuyển phôi phân chia và nhóm chuyển phôi ngày 5 lần lượt là 25% và 40%, P = 0,05. Hai nhóm không có khác biệt về tỉ lệ sẩy thai (28% ở nhóm chuyển phôi ngày 5, 15% ở nhóm chuyển phôi phân chia, P = 0,28) và tỉ lệ thai sinh đôi (8% ở nhóm chuyển phôi ngày 5, 13% ở nhóm chuyển phôi phân chia, P = 0,07).
Mặc dù các kết quả liên quan của việc chuyển phôi ngày 3 như tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống thấp hơn so với các trường hợp chuyển phôi ngày 5 nhưng tỉ lệ trẻ sinh sống ghi nhận ở mức 25% vẫn là kết quả đáng khích lệ ở nhóm bệnh nhân có số lượng phôi ít, nguy cơ phôi không thể tiếp tục phát triển thành phôi nang. Việc nuôi cấy phôi dài ngày có thể không cấn thiết ở tất cả bệnh nhân.

Lược dịch từ: Neblett II, M.F., Kim, T., Jones, T.L., Baumgarten, S.C., Coddington, C.C., Zhao, Y. and Shenoy, C.C., 2021. Is There Still a Role for a Cleavage Stage Embryo Transfer?. F&S Reports.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK