Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 02-09-2021 5:09pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Ngọc Huệ - IVFMD Bình Dương

Vô tinh hay azoospermia được định nghĩa là tình trạng không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch, chiếm tỉ lệ khoảng 5-10% ở nam giới vô sinh (WHO, 2010). Nguyên nhân vô tinh được chia thành hai nhóm, vô tinh do tắc và vô tinh không do tắc. Ở những trường hợp vô tinh không do tắc, tinh trùng có thể được thu nhận qua phương pháp ly trích tinh trùng từ tinh hoàn - Testicular Sperm Extraction (TESE), chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn - Testicular Sperm Aspiration (TESA) hay vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn - Microdissection testicular sperm extraction (micro-TESE). Tinh trùng sau thu nhận sẽ được sử dụng cho ICSI, tuy nhiên trong một vài trường hợp mẫu tinh trùng thu nhận chỉ bao gồm các tinh trùng bất động, do đó việc lựa chọn được tinh trùng bất động còn sống là cần thiết. Có rất nhiều phương pháp lựa chọn tinh trùng bất động còn sống cho ICSI như xét nghiệm phản ứng nhược trương, đánh giá độ linh hoạt của đuôi tinh trùng, bổ sung pentoxifylline để làm chuyển động đuôi tinh trùng, hay lựa chọn tinh trùng bằng tia laser. Tùy theo điều kiện về trang thiết bị, nhân sự cũng như kinh nghiệm của từng labo mà các phương pháp khác nhau sẽ được lựa chọn. Mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá tỉ lệ thai lâm sàng (CPR) và tỉ lệ trẻ sinh sống sinh sống (LBR) cộng dồn ở các chu kì ICSI sử dụng tinh trùng di động so với tinh trùng bất động được thu nhận bằng kỹ thuật TESA hoặc TESE.

Đây là một nghiên cứu hồi cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 7 năm (tháng 1 năm 2013 đến tháng 12 năm 2019) trên 148 cặp vợ chồng với chồng có tinh trùng thu nhận từ TESE hoặc TESA. Các chu kì được chia thành 2 nhóm theo khả năng di động: nhóm A gồm 66 chu kì ICSI sử dụng tinh trùng di động và nhóm B gồm 82 chu kì ICSI sử dụng tinh trùng bất động. Nhóm B sẽ được bổ sung pentoxifylline và chia thành hai nhóm B1 và B2, trong đó nhóm B1 gồm 60 chu kì ICSI với tinh trùng di động sau khi bổ sung pentoxifylline, nhóm B2 gồm 22 chu kì ICSI sử dụng tinh trùng bất động sau bổ sung pentoxifylline.
 
Kết quả cho thấy:
- Tỉ lệ thụ tinh ở các nhóm A, B1 và B2 tương ứng 64,4% ở nhóm A, 56% nhóm B1 và 37,9% ở nhóm B2 (p<0,001).
- Tỉ lệ phôi chất lượng tốt cao hơn ở nhóm A và B1 so với nhóm B2, tương ứng 40,7% và 40,1% so với 19,1% (p= 0,015)
- Tỉ lệ thai lâm sàng cộng dồn ở nhóm A, B1 và B2 lần lượt là 53%, 41,7% và 13,6% (p= 0,005)
- Tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn trên mỗi lần chọc hút cao hơn đáng kể khi sử dụng tinh trùng di động so với tinh trùng di động hoặc bất động sau khi bổ sung pentoxifylline, tương ứng 42,4%, 30% và 13,6% ở nhóm A, B1 và B2, p= 0,03.
- Không có thai được ghi nhận khi chuyển phôi đông lạnh ở nhóm B2.

Như vậy, các kết quả từ nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ phôi chất lượng tốt, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn giảm khi sử dụng tinh trùng bất động, kể cả khi đã được bổ sung pentoxifylline nhưng ICSI vẫn là kỹ thuật có giá trị đối với nhóm bệnh nhân này. Do đó, trước khi tư vấn cho các cặp vợ chồng sử dụng tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng hoặc đông lạnh noãn chờ lấy thêm tinh trùng từ tinh hoàn thì người tư vấn nên cân nhắc và đề xuất phương pháp sử dụng tinh trùng bất động cho ICSI cho bệnh nhân.

 
Tài liệu tham khảo:

Aizer A, Lazarovich A và cộng sự. Cumulative IVF outcomes after retrieval of testicular spermatozoa: should we use immotile spermatozoa for ICSI?. Reproductive BioMedicine Online. 2021 Aug; 43(2):269-277.


Các tin khác cùng chuyên mục:
Stress oxi hóa và vô sinh nam - Ngày đăng: 25-08-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK