Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 20-05-2021 8:41pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Lê Tiểu My  -Bệnh viện Mỹ Đức

Sẩy thai có tỷ lệ khoảng 13,5 - 15% tổng số các trường hợp thai lâm sàng, tỷ lệ sẩy thai thật sự có thể cao hơn do còn xảy ra ở giai đoạn sớm. Những phụ nữ bị sẩy thai thường rất căng thẳng, tuyệt vọng, nhất là nhóm sẩy thai liên tiếp (STLT) - được định nghĩa là có ít nhất 3 lần sẩy thai trước 22 tuần. Ở nhóm bệnh nhân này, tỷ lệ stress, trầm cảm, lo âu thường cao, và họ thường áp dụng các phương pháp hỗ trợ tinh thần như cầu nguyện, yoga, thiền, mát-xa (massage)… Tuy nhiên, bằng chứng về những phương pháp hỗ trợ nêu trên trong điều trị SLTL còn nhiều hạn chế. Thực tế, có nhiều nghiên cứu cho thấy các phương pháp trợ giúp về tinh thần có thể giúp ích cho bệnh nhân STLT, vì thiền định và chánh niệm là phương pháp hiệu quả trong giảm stress và trầm cảm.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng được thực hiện nhằm trả lời câu hỏi “một khóa thiền định và chánh niệm 7 tuần kèm theo chương trình chăm sóc cơ bản có giúp những bệnh nhân STLT giảm căng thẳng hơn so với chương trình chăm sóc cơ bản đơn thuần hay không?” vừa công bố kết quả phân tích. Chương trình thiền định và chánh niệm (meditation and mindfulness) được thực hiện với sự hướng dẫn của huấn luyện viên hỗ trợ và có thời gian theo dõi đến 12 tháng sau.

Có 76 bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu trên tổng số 163 bệnh nhân được tư vấn, và được phân chia ngẫu nhiên vào hai nhóm: nhóm chăm sóc cơ bản và nhóm được hướng dẫn thêm khóa thiền định và chánh niệm trong 7 tuần. Kết quả phân tích cho thấy:

Sau khi hoàn thành can thiệp trong thời gian 7 tuần, cảm giác căng thẳng giảm đáng kể ở cả nhóm can thiệp (p < 0,001) và ở nhóm chứng (p < 0,006). Mức độ giảm căng thẳng trong nhóm can thiệp lớn hơn đáng kể so với nhóm chứng với p = 0,027. Tại thời điểm 12 tháng theo dõi sau đó, cảm giác căng thẳng vẫn giảm đáng kể ở cả hai nhóm so với lúc ban đầu; p < 0,0001 ở nhóm can thiệp và p = 0,002 ở nhóm chứng. Không có sự khác biệt về tuổi, số lần sẩy thai, số con sinh sống và trình độ học vấn giữa hai nhóm trong nghiên cứu.

Đây là thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng đầu tiên về can thiệp thiền định và chánh niệm cho bệnh nhân STLT. Kết quả cho thấy chương trình thiền định và chánh niệm kéo dài 7 tuần kết hợp với các buổi sinh hoạt nhóm làm giảm căng thẳng đáng kể so với chương trình chăm sóc hỗ trợ tiêu chuẩn đơn thuần. Điều này cho thấy sự cần thiết của các nghiên cứu nhằm đề ra “liều lượng” thiền định và chánh niệm hiệu quả để giảm thiểu mức độ căng thẳng.
 
Lược dịch từ: Meditation and mindfulness reduce perceived stress in women with recurrent pregnancy loss: A randomized controlled trial with a 12-month follow-up, Reproductive BioMedicine Online (2021), doi: https://doi.org/10.1016/j.rbmo.2021.04.018


Các tin khác cùng chuyên mục:
Progestogens trong điều trị sẩy thai - Ngày đăng: 20-05-2021
Sẩy thai liên tiếp - Ngày đăng: 20-05-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK