Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 20-05-2021 8:31pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFAS, Bệnh viện An Sinh

Thuốc tránh thai đường uống (oral contraceptives – OC) được sử dụng rộng rãi trong ngừa thai và chữa các bệnh lý nội tiết. Thuốc tránh thai đường uống bao gồm estrogen và progesterone tổng hợp. Cơ chế hoạt động của OC là ngăn chặn sự bài tiết gonadotropin nội sinh được sản xuất trước khi kích thích gonadotropin, từ đó OC thường được sử dụng trước khi kích thích buồng trứng nhằm ngăn ngừa sự gia tăng hoàng thể và hỗ trợ đồng bộ hoá sự phát triển của nang noãn, từ đó gia tăng số lượng noãn thu được và tăng cơ hội thành công điều trị.

Đối với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc rối loạn chức năng rụng trứng (như nhóm PCOS), OC vẫn được chỉ định để điều hoà kinh nguyệt hoặc điều trị các triệu chứng như mụn trứng cá hoặc rậm lông. Bên cạnh những ưu điểm, một số nghiên cứu cho thấy tác dụng phụ tiềm ẩn của việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống có liên quan đến giảm tỉ lệ trẻ sinh sống (LBR) sau khi chuyển phôi tươi ở bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Một số nghiên cứu cho thấy kết quả thai tương tự nhau khi có hoặc không có sử dụng OC trong điều trị IVF ở các chu kỳ GnRH đồng vận và GnRH đối vận. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại thấy ở chu kỳ GnRH đối vận, sử dụng OC cho tỉ lệ làm tổ và thai diễn tiến thấp hơn sau chuyển phôi tươi so với nhóm không dùng OC. Các nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế về cỡ mẫu và tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm phụ nữ phóng noãn bình thường. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác động của sử dụng thuốc tránh thai đường uống trước khi kích thích buồng trứng ở nhóm phụ nữ phóng noãn bình thường.
 
Mục tiêu
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của thuốc tránh thai (OC) đối với tỉ lệ trẻ sinh sống ở chu kỳ chuyển phôi tươi (fLBR) và tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn (cumulative live birth rate – cLBR) ở phụ nữ phóng noãn bình thường.
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu thực hiện tại Thượng Hải, Trung Quốc từ tháng 1, 2014 đến tháng 6, 2017. Có tất cả 3,110 phụ nữ phóng noãn bình thường (có chu kỳ phóng noãn từ 21 đến 35 ngày) trong độ tuổi từ 20-40 tuổi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm có hoặc không sử dụng thuốc tránh thai trong chu kỳ điều trị đầu tiên sử dụng trứng tự thân. Việc sử dụng thuốc tránh thai tuỳ vào tiền sử bệnh án của bệnh nhân. Nên được bắt đầu sử dụng vào ngày 2-5 trong chu kỳ và dùng mỗi ngày.
 
Noãn được thu nhận và thực hiện kết hợp tinh trùng bằng phương pháp IVF/ICSI. Phôi được nuôi cấy đến giai đoạn phân chia, nếu đủ tiêu chuẩn (chất lượng phôi và độ dày nội mạc tử cung đạt độ dày tối thiểu 7mm) thì bệnh nhân sẽ tiến hành chuyển phôi tươi. Những phôi không đủ tiêu chuẩn để chuyển ngày 3 sẽ được nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang (ngày 5/6), nếu đủ tiêu chuẩn sẽ tiến hành chuyển phôi tươi. Như vậy, bệnh nhân có thể chuyển phôi tươi vào ngày 3 hoặc ngày 5/6. Những phôi còn lại sẽ được trữ lạnh bằng phương pháp thuỷ tinh hoá và sử dụng cho những lần sau, nếu lần chuyển phôi tươi không thành công.
 
Kết quả chính
Tỉ lệ trẻ sinh sống sau chuyển phôi tươi và tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn.
 
Kết quả
Có tổng cộng 3,110 bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu (946 sử dụng thuốc tránh thai đường uống và 2,164 không sử dụng thuốc tránh thai đường uống - OC). Nhìn chung, những phụ nữ sử dụng OC trẻ hơn có ý nghĩa thống kê, có tỉ lệ FSH thấp hơn và tỉ lệ vô sinh nguyên phát cao hơn nhóm không dùng OC. Quá trình kích thích buồng trứng tương tự giữa hai nhóm dùng OC và không dùng OC; tuy nhiên chu kỳ GnRH đối vận sử dụng OC nhiều hơn đáng kể so với chu kỳ GnRH đồng vận (41,4% vs. 14,7%, p<0,001). Mặc dù số noãn thu nhận tương đương giữa hai nhóm, nhóm sử dụng OC có tỉ lệ chuyển phôi ngày 3, và có số phôi trữ nhiều hơn nhóm không dùng OC.
 
Tỉ lệ trẻ sinh sống sau khi chuyển phôi tươi (fLBR) ở nhóm có dùng OC thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không dùng OC (42,6% vs. 52,8%, p<0,001). Mặc dù tỉ lệ trẻ sinh sống sau chuyển phôi trữ tương tự giữa hai nhóm (42,7% vs. 41,1%, p=0,54), tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn thấp hơn có ý nghĩa thống kê ở nhóm sử dụng OC so với nhóm không sử dụng OC (62,8% vs. 67,6%, p=0,01). Không có sự khác biệt về tỉ lệ sẩy thai sớm, tỉ lệ đa thai giữa hai nhóm dùng và không dùng thuốc tránh thai đường uống.
 
Phân tích hồi quy logistic và COX đa biến điều chỉnh các đặc điểm cơ bản đã chứng minh rằng đồng bộ hoá chu kỳ IVF với OC có liên quan đáng kể với kết quả fLBR thấp (OR điều chỉnh 0,73, 95% CI 0,62-0,86) và cLBR thấp (tỷ lệ nguy cơ đã điều chỉnh 0,89, 95% CI 0,80-0,98).
 
Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên chứng minh tác động của thuốc tránh thai đường uống đối với tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn ở nhóm phụ nữ phóng noãn bình thường. Một số giả thuyết cho rằng sử dụng OC có thể khiến nội mạc tử cung bước vào giai đoạn “lý tưởng” sớm. Hơn nữa, OC cùng với tác động kích thích buồng trứng có thể gia tăng sự không đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung trong quá trình chuyển phôi tươi, từ đó giảm kết quả chuyển phôi tươi. Ngày nay, sử dụng phôi trữ lạnh đang là một xu hướng trên khắp thế giới, do đó tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn nên được đề xuất là thước đo chính xác hơn cho các nghiên cứu. Nghiên cứu vẫn còn những hạn chế như nhóm sử dụng OC trước không được chỉ định ngẫu nhiên, có thể dẫn đến sai lệch. Có 3 loại thuốc tránh thai được sử dụng trong nghiên cứu, tuy nhiên không được ghi nhận phân loại riêng biệt, các loại thuốc khác nhau có thể gây ra những ảnh hưởng đến kết quả điều trị IVF vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, kết quả cho thấy tác động tiêu cực của OC đến cả fLBR và cLBR sau khi điều chỉnh các đặc điểm cơ bản trong phân tích hồi quy đa biến.
 
Kết luận
Sử dụng thuốc tránh thai đường uống trước kích thích buồng trứng có liên quan đến việc giảm tỉ lệ trẻ sinh sống ở chu kỳ chuyển phôi tươi và tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn.
  
Nguồn: Lu, Y., Wang, Y., Zhang, T., Wang, G., He, Y., Lindheim, S. R., ... & Sun, Y. (2020). Effect of pretreatment oral contraceptives on fresh and cumulative live birth in vitro fertilization outcomes in ovulatory women. Fertility and Sterility, 114(4), 779-786.

Các tin khác cùng chuyên mục:
SIÊU ÂM THAI PHỤ NHIỄM SARS-CoV-2 - Ngày đăng: 04-05-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK