Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 06-04-2021 9:36am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Noãn và phôi người được bao bọc bởi một lớp chất nền glycoprotein gọi là ZP. Trong điều kiện sinh lý, ZP bị mỏng dần bởi tác động của enzyme ly giải protein, giúp phôi thoát màng và làm tổ. Trong nuôi cấy phôi in vitro, ZP của phôi trở nên cứng và dày hơn do tác động của môi trường nuôi cấy nhân tạo hoặc quá trình đông lạnh, làm cho phôi khó có thể tự thoát màng. Kỹ thuật hỗ trợ thoát màng (AH) ra đời cho phép làm mỏng hoặc làm thủng ZP, giúp phôi thoát màng dễ dàng hơn. Hiện nay, có 3 phương pháp được sử dụng để hỗ trợ phôi thoát màng là sử dụng cơ học, acid Tyrode và laser. Trong đó, hỗ trợ thoát màng bằng laser (Laser-assisted hatching (LAH)) được sử dụng nhiều hơn nhờ những ưu điểm mà kỹ thuật này mang lại như thao tác nhanh gọn giúp thời gian phôi ở ngoài tủ cấy ngắn, vận hành đơn giản, định vị chính xác, tiếp xúc gián tiếp, an toàn và hiệu quả. Hỗ trợ phôi thoát màng bằng cách sử dụng laser để đục thủng (D-LAH) hoặc làm mỏng ZP (T-LAH) là hai phương pháp được sử dụng phổ biến. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm so sánh hiệu quả của 2 phương pháp này lên kết quả điều trị của bệnh nhân tuy nhiên kết quả vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Do đó, Jujiang Wang và cộng sự (2021) đã thực hiện nghiên cứu này để đánh giá ảnh hưởng của hai phương pháp T-LAH và D-LAH lên kết quả lâm sàng trong chu kì chuyển phôi đông lạnh ngày 4.
Nghiên cứu hồi cứu thực hiện từ tháng 1.2014 đến tháng 10.2018 trên 1410 bệnh nhân từ 22 đến 47 tuổi. Bệnh nhân tham gia nghiên cứu được phân bố vào 2 nhóm: T-LAH (nhóm 1) và D-LAH (nhóm 2). Ở phương pháp T-LAH, ZP được làm mỏng từ 60-80% độ dày màng với chiều rộng chiếm 25% chu vi ZP. Trong khi ở phương pháp D-LAH, ZP bị đục thủng một lỗ nhỏ với đường kính 40µm. Nhóm nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của hai phương pháp dựa trên các thông số như: tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ sẩy thai, đa thai, thai ngoài tử cung, tỉ lệ trẻ sinh sống, sinh non và khuyết tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn so sánh kết quả lâm sàng của cả hai phương pháp trên bệnh nhân ở các độ tuổi khác nhau và có độ dày niêm mạc tử cung khác nhau.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tỉ lệ làm tổ và thai lâm sàng cao hơn đáng kể ở nhóm T-LAH so với nhóm D-LAH tương ứng 32,73% so với 29,09% (p< 0,01) và 50,98% so với 43,95% (p< 0,01). Tỉ lệ trẻ sinh sống cũng cao hơn ở nhóm T-LAH, nhưng sự khác biệt không đáng kể (39,11% so với 36,89%, p>0,05). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ sẩy thai, đa thai, thai ngoài tử cung, sinh non hay khuyết tật bẩm sinh giữa hai nhóm. Ở nhóm bệnh nhân <35 tuổi, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ làm tổ cao hơn và có ý nghĩa thống kê ở nhóm T-LAH so với những người cùng độ tuổi trong nhóm D-LAH tương ứng 58,04% so với 49,25% (p<0,05) và 38,35% so với 33,33% (p<0,05). Ở nhóm bệnh nhân >35 tuổi, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các thông số lâm sàng giữa 2 nhóm. Bên cạnh đó, những bệnh nhân có độ dày nội mạc tử cung từ 8–10 mm có những cải thiện đáng kể về tỉ lệ làm tổ (33,01% so với 28,7%; p<0,05) và tỉ lệ thai lâm sàng (52,46% so với 43,58%, p<0,05) ở nhóm T-LAH so với nhóm D-LAH.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phương pháp T-LAH vượt trội hơn D-LAH trong việc cải thiện tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai lâm sàng trong chu kì chuyển phôi đông lạnh ngày 4, đặc biệt ở những bệnh nhân dưới 35 tuổi và có độ dày nội mạc tử cung từ 8–10 mm.

Nguồn: Yujiang Wang et al (2021), A comparison of the clinical effects of thinning and drilling on laser-assisted hatching. Lasers in Medical Science 10.1007/s10103-020-03230-9.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK