Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 03-04-2021 10:35am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFAS

Ngày nay, giới trẻ dành phần lớn thời gian cho phát triển sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống độc thân tự do. Bên cạnh đó, các vấn đề như công việc bận rộn để tìm hiểu, điều kiện kinh tế khó khăn để có thể chuẩn bị cho sự chào đời của một đứa trẻ là các rào cản khiến kết hôn và có con muộn đang dần trở thành một xu hướng gần đây trên thế giới. Từ 1972 đến 2015, độ tuổi trung bình của người chồng tăng từ 27,4 đến 30,9 tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa độ tuổi của người chồng và khả năng sinh sản. Đặc biệt, một số nghiên cứu cho thấy khi người chồng > 40 tuổi, khả năng có thai tự nhiên bị giảm đáng kể. Với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, độ tuổi người chồng được cho là có liên quan đến giảm tỉ lệ hình thành phôi nang, tăng tỉ lệ sẩy thai và giảm tỉ lệ trẻ sinh sống. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác kết luận rằng không có mối liên hệ giữa tuổi người cha và kết quả điều trị. Nhằm giảm ảnh hưởng tiêu cực từ việc độ tuổi cao ở người vợ đến tính nguyên bội của phôi và kết quả điều trị, nhiều trung tâm tư vấn việc xin noãn và thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT-A). Ảnh hưởng của tuổi người cha đến kết quả điều trị vẫn còn nhiều tranh cãi và có phần bị coi nhẹ hơn so với người mẹ. 
 
Mục đích
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của tuổi người chồng lên kết quả phôi và kết quả thai từ những trường hợp chuyển phôi trữ đơn phôi nguyên bội.
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu, tất cả bệnh nhân được thực hiện ICSI và chuyển đơn phôi nguyên bội từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 12 năm 2018. Phôi được nuôi đến giai đoạn phôi nang (ngày 5, 6 hoặc 7) và sinh thiết tế bào lá nuôi phôi cho PGT-A. Sau đó, những phôi có kết quả nguyên bội sẽ được thực hiện chuyển phôi trữ đơn phôi khi chuẩn bị nội mạc tử cung đạt độ dày tối thiểu 7 mm. Bệnh nhân được chia thành 2 nhóm: Nhóm có chồng <40 tuổi và nhóm có chồng ≥40 tuổi, sử dụng tinh trùng tươi từ mẫu xuất tinh.
 
Kết quả nghiên cứu
Có tất cả 4.058 bệnh nhân thoả tiêu chuẩn nhận vào nghiên cứu với tuổi chồng trung bình là 37,2 ± 5,3 tuổi. Tuổi người chồng hơi lớn hơn so với độ tuổi trung bình của người vợ là 35,1± 3,8 tuổi. Mật độ tinh trùng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm < 40 tuổi và ≥ 40tuổi. Sau khi hiệu chuẩn lại tuổi vợ, nhóm người chồng ≥40 tuổi có tỉ lệ hình thành phôi nang thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm dưới 40 tuổi (50,6% so với 56,4%, p<0,01). Tỉ lệ lệch bội ở nhóm trên 40 tuổi cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm dưới 40 tuổi (71,1% so với 62,9%, p=0,03). Tỉ lệ thụ tinh, beta hCG dương tính và tỉ lệ sẩy thai không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm (p>0,05).
 
Kết luận
Trong nghiên cứu hiện tại, người chồng lớn tuổi có ảnh hưởng đến khả năng hình thành phôi nang và tính nguyên bội của phôi. Tuy nhiên, khi phôi được xác định là nguyên bội thì độ tuổi của chồng không ảnh hưởng đến kết quả thai. Do đó, không chỉ tuổi vợ mà tuổi chồng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và kết quả điều trị hiếm muộn.
 
Nguồn: Hanson, B. M., Kim, J. G., Osman, E. K., Tiegs, A. W., Lathi, R. B., Cheng, P. J., ... & Franasiak, J. M. (2020). Impact of paternal age on embryology and pregnancy outcomes in the setting of a euploid single-embryo transfer with ejaculated sperm: retrospective cohort study. F&S Reports1(2), 99-105.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK