Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 02-04-2021 8:51am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Thị Kim Ngân - IVFMD Tân Bình

Vấn đề duy trì khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống ở những phụ nữ trải qua căn bệnh ung thư đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới (Lee, S. và cs., 2010). Những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nên được tư vấn bảo tồn khả năng sinh sản càng sớm càng tốt (Oktay, K. và cs., 2001; Lee, S. và cs, 2017).  Mặc dù đông lạnh noãn và phôi vẫn được xem là những thực hành tiêu chuẩn, nhưng đông lạnh mô buồng trứng đã có sự phát triển nhanh chóng và không còn được xem là một kỹ thuật thử nghiệm. Người ta dự kiến đây ​​sẽ là một liệu pháp tiêu chuẩn trong tương lai gần (Oktay, K. và cs., 2001). Một số nghiên cứu cho thấy bảo quản lạnh mô buồng trứng mang lại hiệu quả cao trong việc bảo tồn khả năng sinh sản, cho phép thụ thai tự nhiên và phục hồi chức năng buồng trứng (Diaz-Garcia, C. và cs., 2018). Tuy nhiên, để khẳng định tính an toàn của phương pháp này, cần thu thập thêm dữ liệu về những thay đổi không thể đảo ngược trong tế bào mô buồng trứng xảy ra sau quá trình bảo quản lạnh, chẳng hạn như mất khả năng tăng sinh, tổn thương DNA và tăng tốc độ lão hóa tế bào ở mô buồng trứng (Tatone, C. và cs., 2010). 

Một vài nghiên cứu thực nghiệm đã báo cáo rằng bảo quản lạnh gây ra sự ngắn lại của telomere và dẫn đến lão hóa tế bào (Karimi-Busheri, F. và cs., 2016; Honda, S. và cs., 2001). Telomere là một cấu trúc chuyên biệt bao gồm các protein và các trình tự lặp lại TTAGGG ở các đầu của nhiễm sắc thể sinh vật nhân thực. Telomere rất cần thiết cho sự ổn định của bộ gen và điều hòa sự tăng sinh của tế bào (Bernadotte, A. và cs., 2016). Chiều dài của một telomere ngắn dần với mỗi lần phân chia tế bào (Blackburn, E., và cs., 2015). Tổng số lần phân chia tế bào không vượt quá giới hạn Hayflick; tại giới hạn này, các telomere đã đạt đến độ dài tới hạn, điều đó có nghĩa là tế bào đã trở nên già đi (Hayflick, L., 1965; Olovnikov, A. M., 1996). Sự già đi của tế bào có thể làm các telomere ngắn lại và tổn thương DNA. Các phản ứng tổn thương DNA và tín hiệu lão hóa thay đổi kiểu hình tế bào thông qua việc kích hoạt con đường ARF-p53-p21 và con đường p16-pRB (Naesens, M. và cs., 2011; Kuilman, T. và cs, 2010). Trước đây, chưa có nghiên cứu nào khảo sát tác động của việc bảo quản lạnh mô buồng trứng ở người đối với sự lão hóa của tế bào bằng cách đo chiều dài telomere hoặc những thay đổi trong các dấu hiệu lão hóa khác. Do vậy, tác giả Boram Kim và cộng sự (2021) đã tiến hành nghiên cứu này nhằm đánh giá những thay đổi về độ dài của telomere và sự thay đổi của dấu hiệu lão hóa sau khi bảo quản lạnh mô buồng trứng ở người bằng phương pháp đông lạnh chậm.

Các mô buồng trứng được thu nhận từ 10 bệnh nhân có độ tuổi từ 16 - 34 tuổi và bảo quản bằng phương pháp đông lạnh chậm. DNA sẽ được tách chiết từ các mô này và khuếch đại bằng kĩ thuật real-time PCR trước và sau khi bảo quản lạnh nhằm xác định chênh lệch độ dài của telomere trong các mẫu DNA. Phân tích mô học và đánh giá tổn thương DNA cũng được tiến hành thông qua nhuộm hematoxylin-eosin, hóa mô miễn dịch và TUNEL. Ngoài ra, các dấu hiệu lão hóa khác, bao gồm protein p53, p16, p21 và phospho-pRb, được đánh giá bằng Western blot.

Kết quả thu được như sau:
- Chiều dài trung bình của telomere đã giảm đáng kể sau khi bảo quản lạnh (9,57 ± 1,47 bp so với 8,34 ± 1,83 bp, p = 0,001).
- Phân tích mô học cho thấy trong các mô đông lạnh chậm, mức độ tổn thương nhân tế bào xảy ra xung quanh nang noãn cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (p=0,006).
- Phân tích Western blot cho thấy protein p53, p16 và p21 tăng lên và sự biểu hiện của protein phospho-pRb giảm sau khi bảo quản lạnh mô buồng trứng.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng bảo quản lạnh mô buồng trứng ở người bằng kỹ thuật đông lạnh chậm có liên quan đến việc rút ngắn đáng kể chiều dài telomere và dẫn đến lão hóa tế bào nhanh hơn. Bảo quản lạnh và cấy ghép mô buồng trứng được coi là một trong những lựa chọn đầy hứa hẹn để bảo tồn khả năng sinh sản. Tuy nhiên, những phát hiện này cho thấy rằng các bác sĩ lâm sàng và các nhà nghiên cứu nên nhận thức được khả năng xảy ra những thay đổi không thể đảo ngược như làm giảm độ dài telomere và các thay đổi trong các chỉ dấu sự lão hóa tế bào trong quá trình bảo quản lạnh mô buồng trứng ở người.

Nguồn: Boram Kim, Ki-Jin Ryu, Sanghoon Lee, Tak Kim. Changes in telomere length and senescence markers during human ovarian tissue cryopreservation. Scientific reports 2021; 11. (1): 1-9.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK