Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 31-03-2021 9:26pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Nguyễn Thị Cẩm Nhung – IVFMD Tân Bình

Sự ra đời của kỹ thuật thủy tinh hóa đã tạo nên một bước đột phá lớn trong ngành công nghệ hỗ trợ sinh sản khi tỷ lệ phôi sống gần như tuyệt đối sau rã đông khi được thực hiện bởi một chuyên viên phôi học kinh nghiệm (Argyle, Harper, & Davies, 2016). Bên cạnh đó, với sự hoàn thiện hóa của hệ thống nuôi cấy và môi trường nuôi phôi, việc nuôi phôi đến giai đoạn phôi nang đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều trung tâm, nhằm tối ưu hóa khả năng làm tổ và giảm số lượng phôi trữ cho bệnh nhân (Glujovsky, Farquhar, Quinteiro Retamar, Alvarez Sedo, & Blake, 2016). Nhìn chung, chiến lược chuyển phôi nang sau trữ phôi là một chiến lược hiệu quả nhằm hạn chế sự quá kích buồng trứng và tối ưu hóa sự tiếp nhận của nội mạc tử cung.

Quá trình thủy tinh hóa có thể hạn chế sự ly giải phôi bào sau rã đông vì các phân tử nước chuyển trực tiếp từ trạng thái lỏng sang trạng thái thể thủy tinh, tuy nhiên trên thực tế, lượng chất lỏng khổng lồ trong khoang phôi có thể gây ra sự ức chế thẩm thấu của các chất bảo vệ đông lạnh làm hình thành các tinh thể đá, gây ra các tổn thương lạnh trên phôi bào. Sụp khoang phôi nhân tạo (Artificial Shrinkage) là một kỹ thuật nhằm loại bỏ dịch khoang phôi trước khi thực hiện thủy tinh hóa (Hiraoka, Hiraoka, Kinutani, & Kinutani, 2004; Son, Yoon, Yoon, Lee, & Lim, 2003). Các phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay như xung laser, cơ học hoặc sử dụng dung dịch ưu trương. Mặc dù hiện nay quá trình thủy tinh hóa phôi nang đã được thực hiện rộng rãi trên toàn thế giới, nhưng hiệu quả của phương pháp sụp khoang phôi nhân tạo vẫn còn nhiều tranh cãi. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá một cách khách quan giá trị sinh học và lâm sàng của quá trình sụp khoang phôi nhân tạo trước khi thủy tinh hóa.

Phương pháp: Đây là nghiên cứu tổng hợp – phân tích gộp (meta-analysis) được tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu MEDLINE. Tổng cộng có 8 nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3. 2002 tới tháng 4. 2018 trong số 84 nghiên cứu được sàng lọc ((Darwish & Magdi, 2016; Gala et al., 2014; Iwayama, Hochi, & Yamashita, 2011; Kovacic, Taborin, & Vlaisavljevic, 2018; Levi-Setti et al., 2016; Mukaida, Oka, Goto, & Takahashi, 2006; Vanderzwalmen et al., 2002; Van Landuyt et al., 2015)

Kết quả: tỷ lệ sống sau rã (OR 5,04, 95% CI 2,43-10,46) và tỷ lệ có thai lâm sàng (OR 1,87, 95% CI 1,26–2,77) trong nhóm sụp khoang phôi cao hơn đáng kể so với nhóm chứng. Tuy nhiên, tỷ lệ làm tổ (OR 2,50, KTC 95% 0,67–9,28) và tỷ lệ sinh sống (OR 1,35, KTC 95% 0,88–2,09) là tương đương ở cả hai nhóm

Kết luận: Quá trình sụp khoang phôi nhân tạo trước khi thủy tinh hóa giúp cải thiện tỷ lệ sống  và tỷ lệ mang thai lâm sàng, nhưng không cải thiện tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ sinh sống. Vì vậy cần có thêm những nghiên cứu RCT với các cỡ mẫu lớn hơn nhằm đưa ra những bằng chứng chính xác hơn về việc có nên thực hiện sụp khoang phôi nhân tạo trước khi thủy tinh hóa phôi nang hay không?
 
Nguồn: Boyard, J.,. Reignier, S. Chtourou, T. Lefebvre, P. Barrière & T. J. H. F. Fréour (2020) Should artificial shrinkage be performed prior to blastocyst vitrification? A systematic review of the literature and meta-analysis. 1-9.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK