Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 21-03-2021 1:59am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận

Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng có mối liên hệ rõ ràng giữa chất lượng phôi với khả năng làm tổ và tỷ lệ mang thai. Vì vậy, đánh giá phôi để quyết định sử dụng chuyển phôi nào và bao nhiêu phôi đóng vai trò quan trọng trong thành công điều trị thụ tinh ống nghiệm. Chất lượng phôi được đánh giá dựa trên một số thông số, bao gồm các đặc điểm hình thái hoặc động học, di truyền và các sản phẩm trao đổi chất…

Sự phát triển của phôi có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, các yếu tố từ cha có thể kể đến là thông số tinh dịch đồ, nguồn gốc tinh trùng… Nguồn gốc của tinh trùng sử dụng để thụ tinh ống nghiệm có ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi đến giai đoạn phôi nang, cụ thể là tỉ lệ tạo thành phôi nang thấp nhất ở nhóm tinh trùng phẫu thuật tinh hoàn vô tinh không do tắc so với các nhóm khác. Mazzili và cộng sự vào năm 2017 chỉ ra rằng tinh trùng từ cặp vợ chồng vô sinh nam sẽ ảnh hưởng đến sự thụ tinh và tiềm năng phát triển của phôi ở giai đoạn sớm. Từ đó, ta thấy được các thông số động học phát triển của phôi cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nguồn gốc tinh trùng ở các cặp vợ chồng được chẩn đoán vô sinh do nam.

Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có vài nghiên cứu về vấn đề này. Theo nghiên cứu của Knez và cộng sự năm 2013, không bào ở đầu tinh trùng khi tiêm vào bào tương noãn với kỹ thuật kiểm tra hình thái bào quan tinh trùng di động (MSOME) có ảnh hưởng đến các thông số động học và tỷ lệ làm tổ trên 10 bệnh nhân tinh trùng dị dạng. Trong một nghiên cứu khác được công bố gần đây, phôi của bệnh nhân tinh trùng ít yếu dị dạng (oligo-astheno-teratozoospermia – OAT) thể hiện động học phát triển kéo dài chậm hơn so với phôi từ các nhóm bất thường tinh trùng khác như tinh trùng ít hoặc yếu hoặc dị dạng.

Chính vì thế, nghiên cứu đa trung tâm tại Israel đã so sánh các thông số động học hình thái, tỷ lệ làm tổ và thai lâm sàng được thực hiện giữa 3 nhóm nguồn gốc tinh trùng khác nhau. Cụ thể, nhóm 1 - phôi của các cặp vợ chồng vô sinh do tinh trùng ít, yếu, dị dạng (OAT) (419 phôi), nhóm 2 - phôi của trường hợp vô tinh không do tắc với tinh trùng phẫu thuật tinh hoàn (158 phôi), nhóm 3 – với 190 phôi của cặp vợ chồng vô sinh do nữ với tinh trùng xuất tinh với kết quả thông số tinh dịch đồ bình thường. Các phôi được nuôi cấy đánh giá bằng hệ thống nuôi cấy phôi kết hợp camera quan sát liên tục (TLM) và ghi nhận các thông số động học như thời điểm tiền nhân xuất hiện (tPNa) và biến mất (tPNf); phôi 2 tế bào, 3, 4, 5, 8 tế bào (lần lượt là t2, t3, t4, t5, t8); phôi dâu (tM); bắt đầu có khoang phôi (tSB); khoảng thời gian chu kỳ tế bào lần thứ 2 (ECC2 = t4-t2), lần thứ 3 (ECC3 = t8-t4); khoảng thời gian để đồng bộ phân chia lần thứ 2 (S2 =t4-t3); lần 3 (S3=t8-t5). Nghiên cứu hồi cứu này thu thập số liệu các chu kỳ điều trị từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 12 năm 2017. Tinh trùng OAT được xác định theo chuẩn WHO năm 2010 với 3 thông số bất thường là mật độ < 15 triệu tinh trùng/ml, tỷ lệ tinh trùng di động < 40%, tỷ lệ tinh trùng hình dạng bình thường < 4%. Ở nhóm tinh trùng từ tinh hoàn là những bệnh nhân được chẩn đoán là vô tinh không do tắc (non-obstructive azoospermia - NOA) sẽ được thu nhận tinh trùng bằng kỹ thuật chọc hút mô tinh hoàn bằng kim (testicular fine needle aspirations - TEFNA) hoặc phẫu thuật xẻ mô tinh hoàn (Testicular sperm extraction - TESE).

Các kết quả thu nhận được như sau:
  • Phôi của nhóm tinh trùng từ tinh hoàn có các thông số giai đoạn sớm như tPNa, tPNf, t2 nhanh hơn một ít so với phôi của nhóm tinh trùng xuất tinh bình thường và nhóm OAT. Thông số S3 ở nhóm OAT nhanh hơn đáng kể so với nhóm tinh trùng từ tinh hoàn; và tM ở nhóm OAT và ở nhóm tinh trùng xuất tinh bình thường diễn ra sớm hơn đáng kể so với phôi từ nhóm tinh trùng từ tinh hoàn. Khi so sánh giữa nhóm OAT và tinh trùng từ tinh hoàn thì thấy thông số ECC3 ngắn hơn ở nhóm OAT (p = 0,02).
  • Tỷ lệ làm tổ của phôi nhóm OAT tương tự với phôi nhóm tinh trùng xuất tinh bình thường (45,8% so với 41,9%; p > 0,05), nhưng lại cao hơn đáng kể khi so với phôi nhóm tinh trùng từ tinh hoàn (45,8% so với 33,6%; p = 0,02).
  • So sánh các thông số động học phát triển giữa các phôi đã biết kết quả làm tổ (Known Implantation Data positive - KIDp) với phôi không làm tổ (KID negative - KIDn) trong 3 nhóm tinh trùng: Ở nhóm tinh trùng xuất tinh bình thường và nhóm OAT, phôi KIDp phát triển nhanh hơn, thể hiện qua hầu hết các thông số động học đều ngắn hơn so với KIDn. Trong khi, ở nhóm tinh trùng từ tinh hoàn thì phôi KIDp chỉ có các thông số động học của phôi giai đoạn muộn (như t8, ECC3, S3, và tM) là nhanh hơn đáng kể so với phôi KIDn, còn các thông số động học giai đoạn phôi sớm (tPNa, tPNf, t2, t3, t4, t5, ECC2 và S2) không khác biệt giữa phôi KIDp với phôi KIDn.
  • Trong một phân tích hồi quy logistic đa biến của quần thể bệnh nhân vô sinh do nam về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phôi làm tổ, nhóm ghi nhận 2 yếu tố là tinh trùng OAT (OR = 2,54; p = 0,003) và t8 (OR = 0,95; p = 0,027) sẽ dự đoán về việc làm tổ thành công. Các phôi từ nhóm vô sinh do nam đạt thông số t8 trong khoảng từ 48-56 giờ sẽ cải thiện tỷ lệ làm tổ (p <0,001).
Kết quả trên cho thấy, nguồn gốc của tinh trùng ảnh hưởng động học phát triển phôi. Tinh trùng xuất tinh có liên quan đến sự phát triển phân chia tế bào ở giai đoạn phôi muộn nhanh hơn, phôi nén sớm hơn và tỷ lệ làm tổ cao hơn so với phôi từ tinh trùng phẫu thuật tại tinh hoàn. Ngoài ra, thông số thời điểm 8 phôi bào - t8 khoảng 48-56 giờ có thể là một yếu tố tiên lượng tiềm năng làm tổ ở nhóm vô sinh do yếu tố nam. Các kết quả trên sẽ góp phần vào việc đánh giá lựa chọn phôi nhằm cải thiện tỷ lệ làm tổ. Cần thêm các nghiên cứu tiến cứu phân tích ảnh hưởng của các yếu tố từ cha đến sự phát triển của phôi theo dõi thông qua nuôi cấy TLM.

Nguồn: Does sperm origin-ejaculated or testicular-affect embryo morphokinetic parameters? Andrology, 2021, 9(2):632-639. doi: 10.1111/andr.12952

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK