Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 21-03-2021 2:06am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Lâm Thị Mỹ Hậu
Chuyên viên phôi học
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Olea Fertility, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park


Mỗi năm có khoảng 2.4 triệu chu kì IVF/ICSI được thực hiện trên toàn thế giới. Tuy nhiên, dường như có một giới hạn về khả năng thành công, dù cho có sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì tỷ lệ mang thai chỉ đạt 35%. Năm 2010, thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng (RCT) đầu tiên về kỹ thuật “cào” (scratch) nội mạc tử cung được công bố. Dù hiệu quả và cơ chế sinh học vẫn chưa được chứng minh nhưng kỹ thuật này đã được áp dụng rộng rãi trong thực hiện lâm sàng thường quy. Nhiều nghiên cứu sau đó cũng đưa ra bằng chứng tích cực đến tỷ lệ mang thai nhưng lại có nguy cơ nhiễu và các kết quả về trẻ sinh sống vẫn chưa có, trong khi đây mới là kết quả quan trọng nhất đối với bệnh nhân. Nghiên cứu RCT lớn gần đây cũng chưa chuẩn hoá về phương pháp, điều này có thể làm sai lệch kết quả cuối cùng.

Nhóm tác giả thực hiện thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng trên nhóm đối tượng đã điều trị IVF/ICSI thất bại một lần và đánh giá liệu việc sử dụng catheter sinh thiết nội mạc để cào nội mạc tử cung có giúp tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn so với nhóm không cào hay không. Có 933 bệnh nhân đồng ý tham gia trong 1065 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn nhận vào nghiên cứu từ tháng 01/2016 đến tháng 07/2018. Những bệnh nhân này vẫn được theo dõi thai kỳ và trẻ sinh sống cộng dồn 12 tháng sau đó.

Kết quả bao gồm:
- Tỷ lệ sinh sống sau khi chuyển phôi tươi tăng 4.6% ở nhóm cào nội mạc tử cung so với nhóm chứng (110/465 so với 88/461).
- Sau 12 tháng, khác biệt tỷ lệ trẻ sinh sống cộng dồn tăng lên 5.1% (202/467 ở nhóm can thiệp so với 178/466 ở nhóm chứng).
- Tỷ lệ sẩy thai sinh hoá và tỷ lệ sẩy thai không khác biệt giữa hai nhóm (27/153 trường hợp sẩy thai sinh hoá ở nhóm cào nội mạc tử cung so với 19/130 ở nhóm chứng và
14/126 trường hợp sẩy thai ở nhóm cào nội mạc tử cung so với 17/111 ở nhóm chứng).

Trong nghiên cứu này, việc cào nội mạc tử cung được thực hiện vào giữa pha hoàng thể trước khi chuyển phôi và sau đó chỉ sử dụng một phôi để chuyển. Điều này cho phép xem xét hiệu ứng chuyển tiếp có thể có của việc cào nội mạc tử cung qua nhiều chu kỳ chuyển phôi. Khác biệt tỷ lệ trẻ sinh sống giữa hai nhóm tăng theo thời gian nhưng cơ chế vẫn chưa được hiểu rõ và cũng không có RCT nào để chứng minh. Vì vậy, cần có những nghiên cứu trong tương lai để đánh giá tác động lâu dài của việc cào nội mạc tử cung lên tỷ lệ trẻ sinh sống cũng như tìm hiểu về cơ chế sinh học và lâm sàng một cách rõ ràng hơn.

Số lượng bệnh nhân tham gia cũng khá lớn giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễu và cải thiện tính tổng quát của nghiên cứu. Việc đánh giá tỷ lệ trẻ sinh sống cũng là một dữ liệu quan trọng trong lâm sàng. Nghiên cứu thực hiện theo dõi lâu dài trên một bệnh nhân giúp đánh giá tác động kéo dài của việc cào nội mạc tử cung, từ đó có thể ứng dụng giảm thiểu phương pháp can thiệp không cần thiết trong IVF/ICSI để đạt tỷ lệ trẻ sinh sống cao nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này hướng tới lợi ích cho bệnh nhân, giúp giảm cả về gánh nặng tinh thần và chi phí chăm sóc sức khoẻ. Can thiệp cào nội mạc tử cung được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt và thời gian chuẩn hoá, vì thế có thể giảm thiểu các yếu tố gây nhiễu lên hiệu quả của phương pháp này. Quần thể bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu cũng khá đồng nhất. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn còn hạn chế về tính “mù”, đồng thời những kiến thức về việc cào nội mạc tử cung chưa được phổ biến cũng như chưa rõ ràng làm cho một số bệnh nhân đã từ chối hoặc dừng điều trị tiếp.

Kết quả của nghiên cứu đã cung cấp thêm thông tin và chứng cứ về tiềm năng ứng dụng lâm sàng của phương pháp cào nội mạc tử cung. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa nên áp dụng rộng rãi mà cần thực hiện những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng với số lượng mẫu lớn hơn với nhiều nhóm đối tượng khác hay nhiều chủng tộc khác trên thế giới.

Nguồn: N.E. van Hoogenhuijze et al., Endometrial scratching in women with one failed IVF/ICSI cycle— outcomes of a randomised controlled trial (SCRaTCH), Human Reproduction, Vol.36, No.1, pp. 87–98, 2021, doi:10.1093/humrep/deaa268

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK