Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 06-04-2021 9:34am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Ngọc Huệ - IVFMD Bình Dương

Chuyển đơn phôi nang đang ngày càng được áp dụng rộng rãi nhằm giảm nguy cơ đa thai trong thụ tinh trong ống nghiệm, từ đó nhu cầu bảo quản đông lạnh các phôi còn lại sau mỗi chu kì ngày càng tăng. Trong đông lạnh – rã đông phôi nang, phôi bào sống nguyên hoàn toàn và khả năng phục hồi phân bào sau rã được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến kết quả thai. Hiện tại, kết quả từ các nghiên cứu đánh giá thời gian phục hồi của phôi nang sau rã cho thấy có sự khác biệt khi nuôi cấy phôi nang sau rã ở thời gian dài và ngắn. Trong nghiên cứu của Ebner và cộng sự (2017) sử dụng Timelapse theo dõi quá trình phục hồi và phát triển sau rã đông của phôi nang cho thấy khoảng thời gian vừa đủ để phôi nang có thể nở hoàn toàn là 2,70 ± 1,20 giờ. Từ những kết quả trên, Hwang và cộng sự (2020) đã thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích so sánh kết quả lâm sàng của phôi nang sau rã đông và nuôi cấy trong thời gian dài (20-24 giờ) so với nuôi cấy trong thời gian ngắn (2-4 giờ).

Đây là nghiên cứu hồi cứu được thực hiện từ tháng 3 năm 2017 đến tháng 12 năm 2018 trên 369 chu kì chuyển đơn phôi nang đông lạnh được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 nuôi cấy phôi sau rã ở thời gian ngắn 2–4 giờ (n=65) và nhóm 2 nuôi cấy phôi sau rã ở thời gian dài 20–24 giờ (n=304). Các thông số hình thái học, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai diễn tiến được so sánh ở hai nhóm.

Kết quả cho thấy:
- Không có sự khác biệt về tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ thai diễn tiến ở nhóm 1 so với nhóm 2, tương ứng tỉ lệ làm tổ 56,3% so với 67,9%, p = 0,182; tỉ lệ thai lâm sàng 53,6% so với 60,7%, p = 0,413; tỉ lệ thai diễn tiến 47,3% so với 53,6%, p = 0,513.
- Đối với thai lâm sàng, thời gian phôi nở hoàn toàn sau rã ngắn hơn ở những bệnh nhân mang thai so với bệnh nhân không mang thai ở cả hai nhóm, tương ứng nhóm nuôi cấy dài hạn 2,19 ± 0,63 so với 4,11 ± 0,81 giờ, p= 0,003; nhóm nuôi cấy ngắn hạn: 1,17 ± 0,29 so với 1,94 ± 0,76 giờ, p = 0,018. Tỷ lệ sẩy thai tương đương giữa 2 nhóm (p=0,627).

Như vậy, các kết quả từ nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ thai diễn tiến và tỷ lệ sẩy thai khi nuôi cấy phôi nang sau rã ở thời gian dài và thời gian ngắn. Nhóm tác giả cho rằng thời điểm bắt đầu và hoàn thành quá trình nở rộng phôi nang sau rã có thể dự đoán tiềm năng làm tổ và đây cũng là thông số có ý nghĩa để lựa chọn phôi chuyển. Hạn chế của nghiên cứu là cỡ mẫu nhỏ và thiết kế hồi cứu, do đó vẫn cần các nghiên cứu tiếp theo để cung cấp thêm kết quả liên quan đến thời gian nuôi cấy phôi sau rã.
 
Tài liệu tham khảo:
Ji Young Hwang, Jae Kyun Park, Tae Hyung Kim và cộng sự. The impact of post-warming culture duration on clinical outcomes of vitrified-warmed single blastocyst transfer cycles. Clin Exp Reprod Med. 2020 Dec; 47(4): 312–318.


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK