Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 20-08-2020 10:51am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Nguyễn Thị Ngọc Huệ - IVFMD Bình Dương


Đến thời điểm hiện tại, đông lạnh phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa đã trở nên phổ biến trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Trong đó, quy trình đông lạnh phôi bao gồm các bước: (1) phôi được tiếp xúc với dung dịch cân bằng có chứa hàm lượng chất bảo quản đông lạnh (CPA) thấp, (2) phôi được tiếp xúc với dung dịch thủy tinh hóa có chứa nồng độ CPA cao. Việc phôi tiếp xúc từng bước với các nồng độ CPA khác nhau được cho là rất quan trọng đối với sự thành công của quy trình đông lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa. Thời gian tiếp xúc giữa phôi với dung dịch cân bằng có thể gây hại đến tiềm năng phát triển của phôi, trong khi thời gian tiếp xúc ngắn hơn có thể ảnh hưởng đến sự xâm nhập của CPA vào phôi bào. Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của các thời gian cân bằng khác nhau đến kết quả lâm sàng và sơ sinh trong quy trình đông lạnh phôi ở người.

Đây là một nghiên cứu hồi cứu được thực hiện tại Nhật từ tháng 11-2008 đến tháng 11-2015 trên 192 phôi nang (80 phôi chưa nở non-expanded và 112 phôi nang đã nở - expanded). Phôi được đông lạnh bằng phương pháp Cryotop (Kitazato Cryotop) với quy trình tiếp xúc với dung dịch cân bằng ở 2 nhóm thời gian: 8-11 phút và 12-15 phút, phôi sau đó sẽ lần lượt được chuyển vào dung dịch thủy tinh hóa trong 60 giây. Phôi nang được đặt lên Cryotop với một lượng dung dịch tối thiểu và đặt ngay vào ni-tơ lỏng. 

Kết quả cho thấy:

- Không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ sống sau rã, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm phôi nang chưa nở rộng khi so sánh giữa 2 khoảng thời gian 8-11 phút và 12-15 phút, tương ứng tỉ lệ sống sau rã 97,5% và 95% (p>0,05), tỉ lệ làm tổ 20% ở cả hai khoảng thời gian và tỉ lệ trẻ sinh sống tương ứng 12,5% và 17,5% (p>17,5%).

- Đối với nhóm phôi nang nở rộng, có sự cải thiện đáng kể về tỉ lệ sống sau rã, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm 12‐15 phút so với nhóm 8‐11 phút, tương ứng tỉ lệ sống sau rã 98,3% và 88,5% (p<0,05), tỉ lệ làm tổ 45% và 23,1% (p<0,05) và tỉ lệ trẻ sinh sống 38,3% và 15,4% (p<0,05).

- Đối với nhóm phôi nang chưa nở rộng, các kết quả cho thấy không có sự khác biệt giữa nhóm 8‐11 phút và 12‐15 phút về chiều dài thai kỳ trung bình (38,2 ± 0,8 so với 38,6 ± 1,1 tuần, 95% CI: -1,7‐1,0), tỷ lệ sinh non (0% so với 0%), cân nặng trung bình (3068,0 ± 154,3 so với 3342,0 ± 326,3 g, 95% CI: −627,5‐79,5). Tương tự, không có sự khác biệt về các giá trị trên ở nhóm phôi nang nở rộng.

Như vậy, các kết quả từ nghiên cứu cho thấy đối với phôi nang chưa nở rộng, thời gian cân bằng trong khoảng 8‐11 phút là đủ để quá trình thủy tinh hóa hiệu quả, trong khi thời gian cân bằng trong khoảng 12-15 phút là phù hợp cho quy trình thủy tinh hóa phôi nang.
 
Nguồn: Shingo Mitsuhata và cs., (2020). Effect of equilibration time on clinical and neonatal outcomes in human blastocysts vitrification, Reproductive Medicine and Biology. DOI: 10.1002/rmb2.12328
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK