Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 17-08-2020 10:34am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CTV Nguyễn Vĩnh Xuân Phương

Các nghiên cứu trước đây đã tìm ra rằng hút thuốc có liên quan đến giảm khả năng sinh sản ở nam giới thông qua tác động lên chất lượng tinh dịch. Tuy nhiên, cơ chế mà hút thuốc ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch vẫn chưa sáng tỏ hoàn hoàn. Nghiện thuốc lá nặng gây tổn thương DNA được cho là tương quan với bất thường tinh trùng và vô sinh nam. Để phản ứng lại với sự tổn thương DNA, checkpoint kinase 1 (Chk1) được kích hoạt, nhằm tạo thuận lợi cho việc bắt giữ checkpoint S và G2. Mục đích của nghiên cứu hiện tại là khảo sát mức độ biểu hiện Chk1 trong tế bào tinh trùng của nam giới hút thuốc và không hút thuốc nhằm xác định mối tương quan giữa tỉ lệ phân mảnh DNA và mức độ biểu hiện Chk1 với việc hút thuốc.

Nghiên cứu được thực hiện trên một nhóm gồm 841 nam hút thuốc và 287 nam không hút thuốc. Mật độ tinh trùng, độ di động, khả năng sống và nồng độ kẽm trong tinh tương, hoạt động acrosin và sự phân mảnh DNA được thu thập. Mức độ biểu hiện gen và protein của Chk1 được phát hiện bằng phản ứng RT-PCR và phân tích western blot.

Nghiên cứu cho thấy độ di động tiến tới của tinh trùng giảm đáng kể trong nhóm nghiện thuốc lá nặng và trung bình; trong khi đó không có sự thay đổi đáng kể nào quan sát được trong nhóm hút thuốc ít. Trong nhóm có thời gian hút thuốc trung bình, độ di động của tinh trùng giảm đáng kể; còn nhóm hút thuốc trong thời gian dài thì bị giảm mật độ tinh dịch, tổng số tinh trùng và độ di động tiến tới. So với nhóm không hút thuốc, tỉ lệ tinh trùng có bất thường đầu tăng đáng kể trong nhóm nghiện thuốc lá nặng và nhóm hút thuốc thời gian dài.

Mật độ kẽm trong tinh tương, khả năng sống của tinh trùng và tỉ lệ phân mảnh DNA tăng rõ rệt trong nhóm hút thuốc. Biểu hiện Chk1 giảm đáng kể trong nhóm hút thuốc so với nhóm không hút thuốc. Có mối liên quan không tuyến tính giữa độ di động tiến tới và mật độ tinh trùng với sự biểu hiện tương đối mRNA của Chk1. Tuy nhiên, tương quan nghịch cũng được tìm thấy giữa tỉ lệ phân mảnh DNA với độ di động tiến tới và mật độ tinh trùng.

Những dữ liệu này cho thấy sự suy giảm chất lượng tinh dịch gây ra bởi hút thuốc lá không những tương quan với tỉ lệ phân mảnh DNA tinh trùng mà còn tương quan với sự giảm mức độ biểu hiện Chk1. Biểu hiện Chk1 có liên quan với sự tổn thương DNA và hiện tượng chết theo chương trình. Sự suy giảm này của Chk1 có thể dẫn đến giảm khả năng tự sửa chữa và tăng quá trình chết theo chương trình của tinh trùng, từ đó ảnh hưởng lên chất lượng tinh dịch.
 
Nguồn: Xiangrong CuiXuan JingXueqing WuZhenqiang WangQiang Li. Potential effect of smoking on semen quality through DNA damage and the downregulation of Chk1 in sperm. Mol Med Rep. 2016 Jul;14(1):753-61. doi: 10.3892/mmr.2016.5318. Epub 2016 May 20.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK