Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 17-08-2020 10:13am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Phạm Hoàng Huy – Chuyên viên phôi học IVFMD Phú Nhuận

Trưởng thành noãn non trong ống nghiệm (In vitro maturation - IVM) là một công nghệ hỗ trợ sinh sản hạn chế sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. IVM đặc biệt phù hợp với bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bệnh nhân có nguy cơ cao với đáp ứng buồng trứng. Do đó, IVM có thể giúp rút ngắn thời gian điều trị và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, kết quả lâm sàng của IVM ban đầu không tối ưu, mà một trong những nguyên nhân chính là do tỉ lệ trưởng thành của noãn không cao.
 
Gần đây, phác đồ nuôi cấy IVM mới (CAPA-IVM) đã được báo cáo bởi Sanchez và cộng sự. Để tăng tỉ lệ trưởng thành noãn và cải thiện chất lượng phôi, nghiên cứu sử dụng C-type natriuretic peptide (CNP) là một phân tử trong con đường truyền tín hiệu trưởng thành noãn. Yếu tố này được bổ sung vào pha 1 của quá trình nuôi cấy, giúp duy trì nồng độ cAMP cao trong noãn, kéo dài thời gian cho trưởng thành tế bào chất và đồng bộ hóa sự trưởng thành nhân và tế bào chất.
 
Đây là nghiên cứu tiến cứu thực hiện trên 40 bệnh nhân PCOS, thực hiện kích thích buồng trứng nhẹ với 3 liều hMG từ ngày 2 hoặc 3 chu kì kinh. Chọc hút được thực hiện sau 42-46 giờ kể từ mũi tiêm hMG cuối cùng. Các cụm noãn từ các nang có kích thước <6mm và >6mm được phân chia riêng biệt. Bệnh nhân được chia ngẫu nhiên vào hai nhóm:

  • Nhóm 1 CAPA-IVM: nuôi cấy 2 pha trong đó pha 1 (pre-IVM) có bổ sung CNP vào môi trường nuôi.
  • Nhóm 2 Standard-IVM: chỉ nuôi cấy 1 pha IVM.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ noãn trưởng thành của nhóm CAPA-IVM cao hơn đáng kể so với Standard-IVM (62% so với 47,9%, p<0,05). Tỉ lệ phôi tốt ngày 3 trên số cụm noãn cao hơn gấp đôi khi so giữa CAPA-IVM và nhóm chứng (24% so với 11,7%, p<0,05). CAPA-IVM làm tăng đáng kể số phôi trữ lạnh (4,2 so với 2,2, p<0.001). Ngoài ra, CAPA-IVM làm giảm tỉ lệ noãn GV ngừng phát triển (17% so với 34%, p<0.0001) và tăng đường kính noãn bào. So sánh kết quả dựa trên kích thước nang (<6mm và >6mm), CAPA-IVM có xu hướng hiệu quả hơn ở nhóm kích thước nang <6mm khi tăng 1,4 lần tỉ lệ trưởng thành noãn và tăng gấp đôi tỉ lệ phôi tốt trên số cụm noãn. Cũng trong nghiên cứu này, thông qua quan sát sự thay đổi của cumulus qua quá trình nuôi cấy, nhóm tác giả nhận thấy đối với các noãn chỉ được bao quanh bởi một phần cumulus không thể duy trì được quá trình ngưng giảm phân trong nuôi cấy pre-IVM. Hiện tượng này dẫn đến năng suất tạo phôi của noãn sẽ giảm sút. Tuy nhiên vì trong nghiên cứu này không thực hiện nuôi cấy đơn nên vấn đề này vẫn chưa được giải thích rõ.
 
Tóm lại, CAPA-IVM cải thiện đáng kể về tỉ lệ trưởng thành noãn và kết quả phôi ngày 3, làm tăng số phôi hữu dụng để trữ lạnh cho bệnh nhân.
 
Nguồn: Biphasic in vitro maturation (CAPA-IVM) specifically improves the developmental capacity of oocytes from small antral follicles. Journal of Assisted Reproduction and Genetics, 2019.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK