Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 17-08-2020 10:15am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Phạm Hoàng Huy – Chuyên viên phôi học IVFMD Phú Nhuận

Vô sinh ảnh hưởng đến khoảng 10–15% các cặp vợ chồng trên toàn thế giới và 30–50% các trường hợp cho thấy nguyên nhân vô sinh từ cha có tác động tiêu cực đến kết quả sinh sản. Phân mảnh DNA của tinh trùng (SDF) được cho là yếu tố chính gây vô sinh nam, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thụ tinh, phát triển, làm tổ của phôi, tỉ lệ thai lâm sàng, sẩy thai, và trẻ sinh sống sau khi thụ tinh trong ống nghiệm.

Trong tự nhiên, sự di chuyển của tinh trùng trong đường sinh dục nữ là một quá trình chọn lọc cực kì nghiêm ngặt nhằm lựa chọn được những tinh trùng trưởng thành, có mức độ toàn vẹn DNA cao. Tuy nhiên, trong ICSI, hầu hết rào cản đối với việc chọn lọc tinh trùng trong tự nhiên đều bị vượt qua. Tinh trùng được chọn lựa dựa vào hình thái bên ngoài nên có thể mang SDF và tác động đến kết quả phôi học và lâm sàng.

Hiện tại, một số phương pháp chọn lọc tinh trùng tiên tiến đã được phát triển để bắt chước các cơ chế chọn lọc tự nhiên. Trong số đó, hai kĩ thuật (I) loại bỏ tinh trùng apoptosis bằng phương pháp lọc từ tính (magnetic-activated cell sorting—MACS) và chọn lựa tinh trùng dựa vào sự trưởng thành của màng tế bào (physiological ICSI—P.ICSI) đang được sử dụng rộng rãi. Hai phương pháp này đều giúp lựa chọn được tinh trùng có tính toàn vẹn DNA và khả năng trưởng thành cao, đã được chứng minh là có hiệu quả đối với nhóm bệnh nhân SDF bất thường. Vì thế, nhóm các nhà khoa học tại trung tâm Cleveland, Hoa Kỳ đã thực hiện nghiên cứu để so sánh hiệu quả của hai phương pháp MACS và P.ICSI đối với những bệnh nhân thực hiện ICSI có bất thường SDF cao.

Đây là một nghiên cứu tiến cứu ngẫu nhiên, bệnh nhân điều trị thụ tinh trong ống nghiệm từ năm 2017 đến 2019. Tiêu chuẩn nhận bao gồm: SDF³ 20.3% (đo bằng phương pháp TUNEL), tổng số tinh trùng di động tiến tới ³ 1 triệu, tuổi vợ từ 18-35 và có ít nhất 5 noãn trưởng thành để ICSI. Tiêu chuẩn loại bao gồm: bạch cầu trong tinh dịch, giãn tĩnh mạch thừng tinh, các bất thường tử cung ảnh hưởng đến làm tổ của phôi, và các rối loạn di truyền. Bệnh nhân được chia ngẫu nhiên vào hai nhóm: P.ICSI (nhóm 1) và MACS (nhóm 2). Kết cục chính của nghiên cứu là tỉ lệ thai diễn tiến; kết cục phụ là tỉ lệ phôi ngày 3, ngày 5, tỉ lệ phôi tốt ngày 5, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ làm tổ.

Tổng cộng có 396 bệnh nhân thoả các tiêu chuẩn và đồng ý tham gia nghiên cứu. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về các tỉ lệ phôi học, tỉ lệ thai diễn tiến, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ làm tổ. Trong khi đó, phân tích phụ theo độ tuổi của vợ <30 cho thấy tỉ lệ phôi nang chất lượng tốt (71,1% so với 62,9%, p=0.03), tỉ lệ thai lâm sàng (73,9% so với 58,3%, p=0,03) và tỉ lệ thai diễn tiến (69,5% so với 51,3%, p=0,01) cao hơn đáng kể ở nhóm MACS so với P.ICSI. Tuy nhiên, ở nhóm tuổi vợ 30-35, không có sự khác biệt ý nghĩa về các tỉ lệ này. Tác giả giả định rằng chất lượng noãn tốt hơn ở phân nhóm có tuổi vợ <30 góp phần làm cho hiệu quả của MACS tăng lên so với P.ICSI.

Tóm lại, P.ICSI và MACS là những kỹ thuật chọn lọc tinh trùng hiệu quả trong những trường hợp có phân mảnh DNA tinh trùng cao. MACS nên được ưu tiên với phụ nữ dưới 30 tuổi.
 
Nguồn: PICSI vs. MACS for abnormal sperm DNA fragmentation ICSI cases: a prospective randomized trial. Journal of Assisted Reproduction and Genetics, 2020.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK