Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 20-08-2020 10:36am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Ths. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Hiện nay, việc dự đoán chính xác tiềm năng làm tổ và phát triển của phôi là một thách thức lớn trong điều trị IVF. Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng 1/3 phôi được đánh giá là hữu dụng không có khả năng làm tổ và phát triển sau khi chuyển vào tử cung. Điều này cho thấy hệ thống đánh giá phôi hiện nay vẫn chưa đánh giá được toàn diện tiềm năng của phôi. Một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong tiềm năng phát triển của phôi là chức năng ti thể. Ti thể là bào quan với lớp màng kép hiện diện trong tế bào chất của hầu hết tế bào của động vật nhân thực. Chúng khác nhau đáng kể về kích thước cũng như số lượng trên mỗi tế bào, chứa DNA ti thể mã hoá cho 13 protein đóng vai trò quan trọng trong chuỗi chuyền điện tử. Theo một vài nghiên cứu, sự thay đổi hình thái và số lượng ti thể có thể dự đoán được tiềm năng phát triển của noãn và phôi cũng như các bất thường về trao đổi chất trong tế bào noãn có liên quan đến đáp ứng bất thường của ti thể, dẫn đến vô sinh hoặc suy giảm nang noãn. Mối tương quan giữa các thông số ti thể phôi và kết cục sinh sản đã được nhiều nghiên cứu đánh giá nhưng cho đến nay kết quả vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vì vậy Richard T. Scott III và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá mối tương quan giữa số lượng bản sao mtDNA với tiềm năng phát triển của phôi nang nguyên bội.

Nghiên cứu thực hiện phân tích số lượng bản sao DNA ti thể tương đối (RmtDCN) từ phôi nang nguyên bội trong 615 chu kỳ chuyển đơn phôi và hồi cứu kết quả làm tổ để tìm ra mối tương quan giữa số lượng mtDNA và kết quả điều trị. 

Bệnh nhân tham gia nghiên cứu từ 21,8-45,3 tuổi với tỉ lệ làm tổ tại tuần thứ 9 của thai kì là 68,5%. Không có mối tương quan được tìm thấy giữa RmtDCN và tỉ lệ làm tổ (p=0,85) cũng như tuổi mẹ (p= 0,39). Kết quả phân tích trên 78 lần chuyển phôi của 39 phụ nữ cho thấy không có mối tương quan nào được tìm thấy giữa số lượng mtDNA và kết quả thai (p= 0,7). Phân tích sâu hơn về mối quan hệ giữa ngày sinh thiết phôi và số lượng mtDNA cho kết quả mẫu tế bào sinh thiết từ phôi ngày 6 có hàm lượng mtDNA thấp hơn mẫu sinh thiết vào ngày 5 (p< 0,005).

Như vậy theo nghiên cứu này, số lượng bản sao mtDNA trong mẫu sinh thiết không thể dự đoán được tiềm năng phát triển và làm tổ của phôi nang nguyên bội. Những kết quả từ nguyên cứu này không hỗ trợ cho việc sử dụng số lượng bản sao mtDNA để lựa chọn phôi chuyển.

Nguồn: Mitochondrial DNA content is not predictive of reproductive competence in euploid blastocysts. RBMO. 10.1016/j.rbmo.2020.04.011 1472- 6483 2020.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK