Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 27-03-2021 2:52pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thị Nhật Vy – Chuyên viên phôi học IVFAS

Trong quá trình thụ tinh, có sự thay đổi về tế bào chất và phân bố lại các bào quan theo cách hướng tâm tạo nên hình thái vùng tế bào chất có hình mặt trăng trong mờ. Năm 1998 thuật ngữ quầng halo tế bào chất (cytoplasmic halo) được dùng để mô tả hiện tượng này. Có nhiều nghiên cứu về hiện tượng này tuy nhiên vẫn chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của nó tới sự phát triển động học của phôi cũng như tỉ lệ phát triển phôi nang và tỉ lệ làm tổ. Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá mối tương quan giữa đặc điểm quầng halo tế bào chất và các thông số động học phôi cũng như tỉ lệ thai lâm sàng.

Nghiên cứu hồi cứu từ 4/2017 đến 3/2018 trên nhóm bệnh nhân điều trị IVF có sử dụng camera theo dõi liên tục (Timelapse) và chuyển đơn phôi ngày 5. Trường hợp xin noãn, thất bại làm tổ nhiều lần, … sẽ loại khỏi nghiên cứu. Noãn sau khi ICSI được theo dõi bằng camera quan sát liên tục. Các thông số động học: tPB2, tPN1, tPN2, tPNal, tPNf, t2, t3, tB, tEB được ghi nhận. Sự phân chia bất thường, phôi bào đa nhân cũng được ghi nhận.

Sự xuất hiện, thời điểm, cách phân bố và kích thước của quầng halo tế bào chất được ghi nhận. Cách phân bố quầng halo bao gồm: Đối xứng, không đối xứng và không ổn định. Nếu các hạt tế bào chất liên tục di chuyển và quầng halo dao động cho đến lần phân bào đầu tiên thì sự phân bố quầng halo được ghi nhận là không ổn định. Các thời điểm ghi nhận quầng halo gồm: tHa: thời điểm vùng halo xuất hiện đầu tiên, tHc: Thời điểm các hạt tế bào chất di chuyển hướng tâm kết thúc, tHr: Thời điểm các hạt tế bào chất tái phân phối, tHd: Thời điểm vùng halo không còn thấy nữa.
Nghiên cứu gồm 1009 phôi từ 560 bệnh nhân thực hiện IVF có kết hợp Timelapse. Tuổi vợ trung bình là 39,3 ± 0,2 tuổi.

Đặc điểm quầng halo: tỉ lệ xuất hiện là 88,4% noãn thụ tinh. Sự phân bố quầng halo ở nhóm phân bố đối xứng, phân bố không đối xứng và phân bố không ổn định lần lượt là 54,4%; 43,8% và 1,8%. Quầng halo có xu hướng xuất hiện sau tPNf và biến mất ngay trước khi tPNf. Thời gian trung bình của quầng halo là 14-15 tiếng.

Sự xuất hiện hay vắng mặt quầng halo không ảnh hưởng lên tỉ lệ phát triển phôi 2 tế bào và 4 tế bào. Tuy nhiên nhóm xuất hiện quầng halo có tỉ lệ phát triển phôi 8 tế bào (P = 0.0004), phôi nang (P < 0.0001) và phôi nang nở rộng (P < 0.0001) cao đáng kể so với nhóm không xuất hiện. Tỉ lệ phân chia bình thường cũng cao hơn đáng kể ở nhóm xuất hiện quầng halo (P < 0.0001).

Tỉ lệ thai diễn tiến giảm đáng kể khi thời gian giữa tHc đến tHr kéo dài (OR 0.871, 95% CI 0.788 to 0.959; P = 0.0060). Ngược lại thời gian giữa tHr và tHd không có tương quan với kết quả thai lâm sàng.

Chất lượng tinh trùng thấp và đường kính noãn giảm có mối tương quan với nhóm vắng mặt quầng halo (P = 0.0477, P < 0.0001)

Kết luận: Sự xuất hiện quầng halo và thông số động học hình thái phôi có tương quan với kiểu phân chia, tỉ lệ phát triển phôi nang và tỉ lệ thai diễn tiến trong chu kì chuyển đơn phôi. Hình thái quầng halo có thể phản ánh chất lượng tinh trùng và chất lượng noãn. Quầng halo tế bào chất có thể sử dụng làm yếu tố tiên đoán để lựa chọn phôi có tiềm năng phát triển thành phôi nang.

Nguồn: Ezoe, K., Hickman, C., Miki, T., Okimura, T., Uchiyama, K., Yabuuchi, A., Kobayashi, T., Coticchio, G. and Kato, K., 2020. Cytoplasmic halo characteristics during fertilisation and their implications for human pre-implantation embryo development and pregnancy outcome. Reproductive BioMedicine Online.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK