Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 15-08-2018 8:50am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

TS. Nguyễn An Nghĩa
Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM

Mặc dù việc hỗ trợ oxy thường được thực hiện một cách thường quy cho những thai kỳ có các dấu hiệu tim thai không thuận lợi, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAMA Pediatrrics vào tháng 07/2018 đã cho thấy hỗ trợ này không hề tốt hơn không khí phòng trong việc ngăn ngừa thiếu oxy máu hay toan hóa máu thai nhi.

Tại Hoa Kỳ, khoảng 2/3 sản phụ trong chuyển dạ được nhận hỗ trợ oxy với lập luận nhằm ngăn ngừa thiếu oxy máu và toan hóa máu cho thai nhi. Oxy được cung cấp thường quy cho các thai kỳ được phân loại II dựa vào các dấu hiệu tim thai (category II fetal tracings), một hệ thống phân loại dựa trên các dấu hiệu tim thai để đánh giá nguy cơ toan hóa máu tức thời. Vấn đề là cách sử dụng oxy quá dễ dàng như thế có thể không mang lại lợi ích, càng đặc biệt hơn khi tình trạng tăng oxy quá mức có thể gây hại cho trẻ sơ sinh.

Để trả lời cho vấn đề trên; tác giả Nandini Raghuraman, đang công tác tại bộ môn sản phụ khoa, trường Đại học Y khoa Washington ở St Louis, Missouri, cùng các cộng sự đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, không mù đôi từ tháng 6/2016 đến 07/2017 tại phòng chờ sinh và phòng sinh một bệnh viện tuyến trung ương. Các sản phụ đơn thai với tuổi thai ≥ 37 tuần tuổi và đồng ý tham gia nghiên cứu sẽ được đưa vào mẫu. Trong quá trình theo dõi dựa trên hệ thống phân loại dựa vào các dấu hiệu tim thai, những sản phụ được phân vào phân loại II theo hệ thống trên sẽ được chọn ngẫu nhiên theo tỷ lệ 1:1 để điều trị hỗ trợ oxy 10 lít/phút qua mặt nạ không thở lại hoặc vẫn thở khí trời (không dùng mask) cho đến khi sinh. Biến số chính là nồng độ lactate máu cuống rốn, một chỉ số thể hiện tình trạng toan chuyển hóa và bệnh lý ở trẻ sơ sinh. Các biến số phụ bao gồm các chỉ số còn lại trong khí máu động mạch cuống rốn, mổ lấy thai đối với những trường hợp không đảm bảo an toàn thai nhi, và sinh ngả âm đạo có hỗ trợ (forceps hoặc giác hút).

Nghiên cứu thu được một số kết quả sau:
  • Tổng số có 705 sản phụ đủ tiêu chuẩn tham gia vào nghiên cứu. 277 (39,3%) trong số đó được nhận vào nghiên cứu
  • Trong quá trình chuyển dạ, 114 sản phụ được phân loại II dựa trên các dấu hiệu tim thai và được chọn ngẫu nhiên vào nhóm thở khí trời (57 sản phụ) hoặc nhóm được hỗ trợ oxy (57 sản phụ)
  • Tổng cộng có 99 sản phụ (86,8% tổng số sản phụ được phân nhóm ngẫu nhiên) được đưa vào phân tích theo mục đích ban đầu (intention-to-treat analysis, đôi lúc còn được gọi là phân tích theo phân bổ ngẫu nhiên ban đầu)
  • Không có khác biệt có ý nghĩa thống kê về lactate máu động mạch cuống rốn giữa nhóm hỗ trợ oxy và nhóm thở khí trời (30,6 mg/dL; 95% CI; 27,0-34,2 mg/dL vs 31,5 mg/dL; 95% CI; 27,9-36,0 mg/dL; P = 0,69).
  • Không có khác biệt có ý nghĩa thống kê về các giá trị khác trong khí máu động mạch cuống rốn cũng như kiểu sinh giữa hai nhóm   
Tóm lại, nghiên cứu trên đã cung cấp bằng chứng cho thấy đối với những thai kỳ được phân loại II dựa trên các dấu hiệu tim thai, việc hỗ trợ oxy trong hồi sức thai nhi còn trong bụng mẹ (bằng cách cho mẹ thở oxy) không có ưu điểm gì hơn so với thở khí trời trong việc cải thiện lactate máu động mạch cuống rốn. Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng này đã đặt ra những thách thức về tính hiệu quả của một thực hành lâm sàng khá phổ biến trong sản khoa hiện nay và cũng gợi ý rằng thở khí trời vẫn là một chọn lựa thích hợp.
 
(Nguồn: Raghuraman N, et al. (2018). Effect of oxygen vs room air on intrauterine fetal resuscitation – A randomized noninferiority clinical trial. JAMA Pediatr. doi:10.1001/jamapediatrics.2018.1208)
 
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK