Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 26-07-2018 10:31am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế


Hiện nay, đánh giá khả năng sinh sản của nam giới chủ yếu dựa trên phân tích tinh dịch đồ theo các tiêu chí của WHO-2010. Tuy nhiên, tinh dịch đồ không thể đại diện cho các khía cạnh khác của chất lượng tinh trùng như sự tổ chức và tính toàn vẹn của nhiễm sắc chất. Các bằng chứng gần đây cho thấy tình trạng thượng di truyền của tinh trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sẩy thai. Trạng thái methyl hóa DNA của một số vùng gen mã hoá hay các vùng lặp lại trên nhiễm sắc chất được bảo tồn từ giao tử đến phôi. Thừa kế methyl hóa thượng di truyền ở tinh trùng là điều cần thiết cho sự thụ tinh và phát triển phôi. Việc lựa chọn tinh trùng cho ICSI không đảm bảo được tính toàn vẹn di truyền hay thượng di truyền của tinh trùng, vì thế có thể dẫn đến sự kém phát triển của phôi. Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của thượng di truyền thông qua kiểm tra methylome và transcriptome trong các phôi nang nguyên bội sau PGT-A ở các cặp vợ chồng OAT. 

Kết quả lâm sàng sau chuyển phôi nang nguyên bội cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ thai lâm sàng giữa hai nhóm OAT và nhóm chứng (không OAT). Tuy nhiên, tỉ lệ sẩy thai ở nhóm bệnh nhân OAT cao hơn có ý nghĩa (14,7% và 2,2%; P<0,05). Phân tích methylome cho thấy có sự gia tăng đáng kể methyl hóa tại các đảo CpG ở nhóm có OAT so với nhóm không OAT (1,111 CpG; P<0,05). Nhóm gen bị methyl hóa đáng kể nhất là nhóm gen điều hòa tín hiệu và điều hòa tích cực trao đổi chất tế bào và phần lớn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển phôi vì sự tăng methyl hóa làm giảm sự biểu hiện gen. Phân tích kết quả transcriptome cho thấy có 469 bản sao thay đổi đáng kể (P<0,05) trong nhóm OAT; trong đó, các gen điều hòa tích cực trao đổi chất giảm biểu hiện đáng kể và các gen vận chuyển nội bào có biểu hiện tăng đáng kể (P<0,01). Hai gen methyl hóa cao vượt mức là SFB1 và SLC6A9. Gen SFB1, đặc trưng ở chuột azoospermia, bị methyl hóa cao và giảm biểu hiện trong phôi nang nhóm OAT có thể là do sai sót trong quá trình sinh tinh. Gen SLC6A9, liên quan đến quá trình vận chuyển Glycine và điều chỉnh thể tích phôi bào trong quá trình làm tổ, cũng tăng methyl hóa và giảm biểu hiện trong phôi nang nhóm OAT, điều này có thể liên quan đến kết cục sẩy thai cao ở nhóm OAT so với nhóm không OAT.

Tóm lại sự sai khác trong methyl hóa và biểu hiện gen ở phôi nang trong nhóm bệnh nhân OAT chỉ ra một hệ quả của thượng di truyền trong vô sinh nam lên quá trình tạo phôi, làm thay đổi đáng kể các gen quan trọng và ảnh hưởng đến khả năng phát triển của phôi. Rối loạn thượng di truyền này đã góp phần giải thích cho việc giảm khả năng sinh sản ở bệnh nhân OAT, mặc dù là chuyển phôi nang nguyên bội.

Phạm Hoàng Huy – Chuyên viên phôi học IVFMD Phú Nhuận

Nguồn: Inheritance of epigenetic dysregulation from male factor infertility has a direct impact on reproductive potential. Fertility and Sterility April 3, 2018.
Nguồn hình: www.creative-biogene.com
Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Aspirin liều thấp trong thai kỳ - Ngày đăng: 29-06-2018
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK