Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 27-03-2018 9:17am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM
 
Những trẻ nhũ nhi được cho bú mẹ ít hơn sáu tháng trước khi bắt đầu sữa công thức và những trẻ nhũ nhi có mẹ béo phì tại thời điểm khởi đầu của thai kỳ sẽ gia tăng nguy cơ tiến triển tới bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu (nonalcoholic fatty liver disease – NAFLD) khi ở độ tuổi vị thành niên, theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Journal of Hepatology.

Bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là rối loạn gan thường gặp nhất ở các quốc gia đã phát triển, ảnh hưởng tới một trong bốn người lớn. Bệnh lý này xuất hiện khi mỡ tích tụ lại trong các tế bào gan ở những người không tiêu thụ quá nhiều rượu và thường liên quan tới béo phì và đề kháng insulin. Theo Khảo sát Sức khoẻ Quốc gia và Kiểm tra Dinh dưỡng Hoa Kỳ, NAFLD ở trẻ vị thành niên đã gia tăng gấp đôi trong vòng 20 năm trở lại đây. “Đã có những nghiên cứu về các lợi ích của việc cho con bú mẹ trên các bệnh lý khác, nhưng lại có ít thông tin về các lợi ích của việc cho con bú mẹ liên quan tới bệnh lý gan”, điều tra viên chính Oyekoya T. Ayonrinde, cử nhân Y khoa trường Y Dược đại học Western Australia, Perth, làm việc tại khoa Tiêu hoá-Gan mật, Bệnh viện Fiona Stanley, Murdoch, và khoa Khoa học Sức khoẻ, Đại học Curtin, Bentley, Western Australia, giải thích. “Do đó chúng tôi kiểm tra hồ sơ bệnh án của các trẻ vị thành niên Úc để thiết lập xem liệu chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ nhũ nhi và những yếu tố của bà mẹ có thể liên quan tới chẩn đoán sau này của NAFLD hay không”.

Các điều tra viên thực hiện siêu âm gan trên hơn 1100 trẻ vị thành niên 17 tuổi, những người đã được theo dõi từ trước khi sinh thông qua nghiên cứu Đoàn hệ Thai kỳ Western Australia (Raine). Những hồ sơ bệnh án ghi chép chi tiết thai kỳ của bà mẹ và việc nuôi ăn trẻ nhũ nhi có liên quan với sự hiện diện của NAFLD trong giai đoạn vị thành niên muộn. NAFLD được chẩn đoán ở khoảng 15% trẻ vị thành niên được kiểm tra. 94% đã được cho bú mẹ ở giai đoạn nhũ nhi. Khoảng thời gian cho con bú mẹ trước khi bắt đầu sữa công thức bổ sung là 4 tháng ở 55% và 6 tháng ở 40%. Trẻ vị thành niên của những phụ nữ béo phì ở giai đoạn khởi đầu của thai kỳ có khả năng gấp đôi có NAFLD, trong khi những trẻ được nuôi bằng sữa công thức nhũ nhi trước khi hoàn thành sáu tháng bú mẹ có tỷ lệ NAFLD gia tăng 40%. Điều thú vị là, thế hệ sau của những bà mẹ hút thuốc lá vào thời điểm bắt đầu thai kỳ có một nguy cơ gia tăng rõ rệt của NAFLD.  “Một cân nặng khoẻ mạnh của bà mẹ và sự ủng hộ để bắt đầu và kiên trì với việc cho con bú mẹ có thể có những lợi ích về sau cho gan ở con họ”, BS. Ayonrinde bổ sung. “Điều này cung cấp các lý do bổ sung nhằm ủng hộ những cơ hội để phụ nữ cho các trẻ nhũ nhi của họ bú mẹ trong ít nhất sáu tháng trong khi trì hoãn việc bắt đầu sữa công thức nhũ nhi. Vai trò nuôi dưỡng quan trọng của các bà mẹ trên sức khoẻ trẻ không nên bị đánh giá thấp”.

Trong một bài bình luận đi kèm, TS. Anna Alisi, thuộc Đơn vị Nghiên cứu Gan, Bệnh viện Nhi Bambino Gesù, IRCCS, Rome, Ý, và BS. Pietro Vajro, thuộc khoa Y, Phẫu thuật và Nha, “Scuola Medica Salernitana”, Đơn vị Nhi, Đại học Salerno, Baronissi (Sa), Ý, bình luận: “Nghiên cứu quan sát ngắn gọn này của Ayonrinde và các đồng nghiệp là chứng cứ dịch tễ học đầu tiên cho mối liên hệ giữa béo phì bà mẹ, cho con bú mẹ, và NAFLD”. “Sữa mẹ thật sự phức tạp và có thể chứa rất nhiều thành phần hoạt tính sinh học khác nhau với một hiệu quả bảo vệ khỏi béo phì và những bệnh lý liên quan tới béo phì mà phần lớn vẫn chưa được khám phá. Những cơ chế cho phần thưởng này nên được nghiên cứu thêm”.

TS. Alisi và BS. Vajro cũng đồng thời nhấn mạnh các phát hiện của nghiên cứu rằng có một nguy cơ gia tăng rõ rệt của NAFLD ở thế hệ sau của những bà mẹ hút thuốc lá vào thời điểm bắt đầu của thai kỳ. Điều này chứng minh các kết quả của một số lượng các nghiên cứu trước đây về dịch tễ học của thừa cân và béo phì trẻ em. “Nghiên cứu này ủng hộ thêm nhu cầu để khuyến khích những lối sống khoẻ mạnh toàn diện trước và trong thai kỳ cũng như cho con bú mẹ hoàn toàn kéo dài cho các lợi ích sức khoẻ về lâu dài của các thế hệ sau”, họ kết luận.

(Nguồn: medicalnewstoday 6/2017)


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK